Mỹ 'chạy đua' tìm cách thức mới đối phó với tên lửa của Bình Nhưỡng

Việc Bình Nhưỡng hôm 29-11 tuyên bố phóng thành công tên lửa liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 có tầm bắn đến đất liền Mỹ cho thấy tính cấp thiết đặt ra đối với Washington trong việc tìm ra phương cách đối phó với chương trình tên lửa Triều Tiên quyết tâm phát triển.

Hai cây bút David E. Sanger và William J.Broad đã khái quát “cuộc đua” này trên tờ New York Times số ra ngày 21-11.

Theo đó, Mỹ đang nghiên cứu việc dùng vũ khí tấn công mạng và thiết bị bay không người lái để bắn hạ các tên lửa này.

Một đề xuất khẩn cấp được trình lên Quốc hội Mỹ vào đầu tháng 11 với ngân sách 4 tỷ USD để phát triển vũ khí tấn công mạng can thiệp vào hệ thống điều khiến tên lửa của Triều Tiên trước khi vụ phóng được tiến hành. Ngoài ra Mỹ cũng đang nghiên cứu việc sử sụng máy bay không người lái, các loại máy bay chiến đấu để bắn tên lửa từ Bình Nhưỡng, đặc biệt là phòng thủ khu vực Bờ Tây trông ra Thái Bình Dương, nơi dễ bị tổn thương nhất khi tên lửa Triều Tiên phóng qua.

Từ nhiều năm trước, Mỹ đã tốn hơn 100 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa với các bệ phóng đặt tại bang Alaska và California nhằm chặn bất kỳ tên lửa tầm xa mang đầu đạn nào bắn đến đất liền Mỹ.

Tầm bắn của tên lửa Triều Tiên gây quan ngại cho Mỹ và các nước đồng minh - Ảnh: Lee Jin-man/AP

Tuy nhiên hệ thống này sau đó đã bộc lộ nhiều bất cập khi khả năng bắn trật mục tiêu vẫn còn cao. Mỹ từ đó chuyển qua đa dạng các giải pháp đáp trả khác như sử dụng vũ khí tấn công mạng. Tuy nhiên với trường hợp của Bình Nhưỡng, đây cũng là một việc khó khăn.

Khó ngăn chặn ngay từ đầu

Các chuyên gia nhận định việc sử dụng vũ khí tấn công mạng với Triều Tiên là việc gần như bất khả thi bởi lẽ không gian mạng Internet ở quốc gia này bị kiểm soát gắt gao, chỉ có hai cổng (hub) ra quốc tế với số kết nối rất ít thông qua ngã Trung Quốc và Nga.

Hồi năm 2014, Mỹ đã tiến hành chiến dịch dùng vũ khí mạng tấn công hệ thống kiểm soát phóng tên lửa tầm trung Musudan của Triều Tiên nhằm làm chậm lại quá trình thử nghiệm tên lửa.

Quả thật sau đó số lần phóng bị lỗi tăng lên tuy nhiên kết quả này không rõ nguyên nhân có phải do vũ khí mạng của Mỹ hoạt động hiệu quả hay không. Có khả năng lỗi xuất phát từ chuỗi cung cấp và sản xuất tên lửa của Triều Tiên bị lỗi.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cảnh báo chế độ Triều Tiên có thể bị xóa sổ hoàn toàn nếu chiến tranh xảy ra - Ảnh: AP

Từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên cầm quyền, không ngừng cải tiến kỹ thuật tên lửa, số lần phóng thất bại giảm hẳn.

Ngoài ra để cài mã độc vào hệ thống, cần phải có gián điệp tiếp cận nhà máy sản xuất, hệ thống phóng và điều khiển tên lửa. Với một quốc gia bí mật như Triều Tiên, việc tiếp cận là khá khó khăn.

Giải pháp thứ hai là sử dụng các loại máy bay tiêm kích như F-22 hay F-35 từ các căn cứ của Mỹ đặt tại Hàn Quốc và Nhật Bản, nhanh chóng bay đến bãi phóng tên lửa khi có chỉ dấu Bình Nhưỡng sắp đưa hỏa tiễn lên trời. Các máy bay cần trang bị tên lửa không đối không bắn vào nơi đặt tên lửa tầm xa của Triều Tiên trước khi nó được phóng đi.

Tuy nhiên việc làm này cũng rất mạo hiểm vì nó đòi hỏi các máy bay chiến đấu của Mỹ phải bay sát không phận Triều Tiên, làm tăng khả năng Bình Nhưỡng phát hiện chúng và bắn hạ trước khi Mỹ kịp hành động gì.

Ngoài ra Mỹ còn đang nghiên cứu khả năng dùng thiết bị bay không người lái (drone) để bắn tên lửa. Nhưng đề án này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa được ứng dụng rộng rãi nên có lẽ giờ đây Washington chỉ có thể gây sức ép để Bình Nhưỡng chịu ngồi vào bàn đàm phán qua các kênh ngoại giao.

Theo New York Times - Anh Duy lược dịch

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/my-chay-dua-tim-cach-thuc-moi-doi-pho-voi-ten-lua-cua-binh-nhuong_48226.html