Mỹ, châu Âu và nỗi lo sợ Trung Quốc

Sức mạnh của kinh tế Trung Quốc, tham vọng bành trướng của nước này... đang là nỗi lo sợ của châu Âu và cả Mỹ.

Ngày càng nhiều lời cảnh báo về sáng kiến Vành đai của và Con đường của Trung Quốc. Đa số cảnh báo của các chuyên gia, các tổ chức tài chính quốc tế đều đề cập đến những khoản vay thiếu bền vững cho các dự án hạ tầng thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc có thể khiến nhiều quốc gia mắc kẹt trong bẫy nợ.

Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển của châu Âu cũng phản ứng với sáng kiến Vành đai và Con đường, hay còn gọi là Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc.

Hồi tháng 4 năm nay, báo Handelsblatt của Đức đưa tin, 27/28 đại sứ các nước Liên minh Châu Âu (EU) ở Bắc Kinh, trừ Hungary, đã ký vào văn bản lên án sáng kiến Vành đai và Con đường ngăn cản thương mại tự do và tạo thuận lợi cho các công ty Trung Quốc.

EU đã chỉ trích vai trò của Trung Quốc tại các nước thành viên như Hy Lạp, Hungary và Cộng hòa Czech cũng như thái độ của Bắc Kinh về sở hữu trí tuệ.

Theo các chuyên gia, văn bản trên phản ánh "nhiều mối quan ngại đã được thể hiện tại nhiều nơi khác nhau thuộc châu Âu" sau khi các khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc làm tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở một số nước nhỏ và nghèo.

Nỗi lo về sự bành trướng của Trung Quốc đang xâm chiếm châu Âu

Những chỉ trích và cảnh báo của châu Âu đối với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc được đưa ra còn đi kèm với nỗi lo sợ về sự bành trướng của Bắc Kinh. Đối với châu Âu, sáng kiến Vành đai và Con đường có thể là cơ hội nhưng cũng có thể là mối đe dọa.

Dự án trị giá 1.000 tỷ USD, được xưng tụng là sự hồi sinh của Con đường Tơ lụa cổ xưa, tập trung vào việc xây dựng những hệ thống đường bộ và đường sắt mới xuyên Trung Á và vươn xa hơn, cũng như một tuyến hàng hải kết nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương và Hồng Hải.

Bắc Kinh sẽ xây dựng đường bộ, đường sắt và cảng biển tại 65 quốc gia đại diện khoảng 60% dân số và một phần ba sản lượng kinh tế toàn cầu.

Thế nhưng, cựu Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen lại lo ngại hệ thống hạ tầng ở khắp Trung và Đông Âu sẽ lệ thuộc vào Trung Quốc.

Còn Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel cảnh báo, vì sự "bành trướng của Trung Quốc" mà EU có thể bị tan vỡ.

Điều đáng lưu ý là để đẩy nhanh việc thực hiện sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc đã tạo ra nhóm 16 +1 với thành viên là Trung Quốc và 16 quốc gia châu Âu. 11 trong số đó là thành viên của EU và 5 thành viên còn lại là các nước ở Tây Balkan.

“Nếu chúng ta thất bại trong việc phát triển một chiến lược đơn lẻ với Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ thành công trong việc chia rẽ châu Âu”, ông Gabriel nói trong một bài phát biểu.

Rất nhiều quan ngại cho rằng mục đích thực sự của sáng kiến Vành đai và con đường ngoài kinh tế còn ẩn chứa ý đồ chính trị.

Sáng kiến này cũng gióng lên những tiếng chuông báo động tại Mỹ. Một số nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích chính trị cho rằng Bắc Kinh đang cố tạo ra một mạng lưới kinh tế chính trị lấy Trung Quốc làm tâm điểm, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và viết lại các quy tắc về thương mại và an ninh.

Khi Con đường Tơ lụa mới chưa thành hình thì Trung Quốc cũng đã đủ sức làm cho cả Mỹ và châu Âu lao đao vì thâm hụt thương mại.

Đối với Mỹ, phát súng đầu tiên châm ngòi cho căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua là việc hôm 23/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp đặt biểu thuế lên tới 50 tỷ USD nhằm vào Trung Quốc. Lý do dẫn đến động thái này của ông Trump là những lo ngại về vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Theo thống kê của Cục Phân tích kinh tế Mỹ, vào năm 2017, Mỹ nhập siêu tới 500 tỷ USD từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu tính cả hàng hóa và dịch vụ, thâm hụt thương mại của Mỹ so với Trung Quốc tổng cộng xấp xỉ 337 tỷ USD.

Về điểm này, châu Âu cũng có nhiều tương đồng với Mỹ. Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, châu Âu cũng phải đối mặt với những vấn đề mà Mỹ cũng gặp phải khi làm ăn với Trung Quốc. Châu Âu cũng nhiều lần tố cáo Trung Quốc bán phá giá hàng hóa, lách luật để đoạt được công nghệ sản xuất, hay thâu tóm đất đai nông nghiệp…

Một điểm đáng lưu ý là, ngay trước thềm cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung (3-4/5), Mỹ đã tuyên bố lùi việc áp đặt thuế lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) thêm 30 ngày (cho tới ngày 1/6); đồng thời đề xuất với các đồng minh chủ chốt khả năng hoãn thực thi quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Đây có thể coi là động thái tạm dàn hòa với đối tác truyền thống châu Âu để Mỹ có thể giảm áp lực khi ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/my-chau-au-va-noi-lo-so-trung-quoc-3357605/