Mỹ, châu Âu hợp tác đổ bộ lên Mặt trăng

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa ký kết bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng căn cứ trên trạm vũ trụ Artemis Gateway. Đây là thỏa thuận chính thức đầu tiên của NASA trong nỗ lực đưa các phi hành gia quốc tế lên Mặt trăng thông qua các sứ mệnh Artemis.

Hình ảnh mô phỏng tàu Orion kết nối với trạm vũ trụ Gateway, cách Trái đất hơn 400.000km. Ảnh: Space

Hình ảnh mô phỏng tàu Orion kết nối với trạm vũ trụ Gateway, cách Trái đất hơn 400.000km. Ảnh: Space

Trạm vũ trụ hoạt động trên quỹ đạo Mặt trăng Artemis Gateway sẽ trở thành điểm trung chuyển để các nhà du hành đáp xuống bề mặt “chị Hằng”. Theo thỏa thuận hôm 27-10, phía ESA sẽ cung cấp các module trên trạm Gateway, bao gồm dùng làm nơi ở chính cho phi hành gia, tiếp nhiên liệu, nâng cao khả năng liên lạc và phục vụ cho tàu du hành Orion của NASA. Trong đó, module nơi ở được trang bị các hệ thống hỗ trợ sự sống và kiểm soát môi trường Gateway cũng như không gian sinh hoạt, làm việc cho phi hành đoàn. Ðổi lại, ESA sẽ có 3 cơ hội để gửi các nhà du hành châu Âu lên làm việc trên Gateway. Cả hai tổ chức này sẽ chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ các module.

Tương tự Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), Gateway sẽ được lắp ráp trên quỹ đạo. Tuy nhiên, khác với ISS dài 109m và rộng 75m (tương đương một sân bóng đá), Gateway có kích cỡ chỉ bằng 1/6. Gateway nặng khoảng 40 tấn và ở cách bề mặt Mặt trăng hàng chục ngàn ki-lô-mét.

Theo NASA, mục tiêu hiện nay của chương trình Artemis là đưa nữ phi hành gia đầu tiên và đồng nghiệp nam tới gần cực Nam Mặt trăng vào năm 2024. Tuy nhiên, trong chuyến đổ bộ có người đầu tiên sau 52 năm này, Gateway nhiều khả năng không tham gia. Thay vào đó, NASA xác định trạm vũ trụ này sẽ giữ vai trò lớn trong mục đích của Artemis là thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên bề mặt và xung quanh Mặt trăng. Hai thiết bị đầu tiên của Gateway là PPE và HALO dự kiến được phóng lên vũ trụ vào tháng 11-2023.

Trưởng nhóm khoa học của NASA Thomas Zurbuchen nhấn mạnh khoa học sẽ đóng vai trò sống còn đối với chương trình Artemis. Do vậy, trạm Gateway cũng sẽ hoạt động như một trung tâm nghiên cứu khoa học, rất giống nhiệm vụ mà ISS đã thực hiện trong 20 năm qua. Theo đó, hai thiết bị nghiên cứu đầu tiên đã được chọn để phóng lên Gateway là HERMES của NASA và ERSA thuộc ESA. Các trạm thời tiết mini này theo dõi lượng phóng xạ ngoài vũ trụ nhằm bảo vệ phi hành gia và giúp hiểu biết thêm về Mặt trời.

Ngoài trạm vũ trụ Gateway, Chương trình Artemis của NASA còn phụ thuộc vào các phương tiện khác như tàu không gian Orion và rốc-két Hệ thống phóng không gian (SLS). Một trong những điểm nổi bật của chương trình này là khám phá vũ trụ lâu dài bằng cách sử dụng các phi thuyền và thiết bị có thể tái chế được. NASA tuyên bố SLS có thể cùng lúc đưa Orion, các phi hành gia và lượng lớn hàng hóa lên Mặt trăng. Tàu không gian Orion có thể chở 4 nhà du hành và còn hỗ trợ các sứ mệnh sâu trong vũ trụ, không như các phi thuyền trước đây chỉ thực hiện những chuyến bay ngắn. Dự kiến vào đầu năm tới, NASA sẽ chọn ra các mẫu tàu đổ bộ chở người để tiếp tục phát triển hoàn chỉnh.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/my-chau-au-hop-tac-do-bo-len-mat-trang-a126885.html