Mỹ chặn tiếp UAV Trung Quốc, ông Tập ra đòn ngầm?

Nhăm nhe kiểm soát cả UAV Trung Quốc, thị trường Mỹ chấp nhận thiệt hại nặng tiếp?

Mới đây, Cơ quan An ninh mạng và cơ sở hạ tầng (CISA) trực thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ đã ra cảnh báo về loại thiết bị công nghệ của Trung Quốc có thể chứa các rủi ro về thâm nhập và chia sẻ dữ liệu.

Máy bay không người lái CH-4 của Trung Quốc. Ảnh: IHS Markit

Máy bay không người lái CH-4 của Trung Quốc. Ảnh: IHS Markit

CISA đã cảnh báo đến các thiết bị bay không người lái (UAV) của Trung Quốc có thể gửi các thông tin nhạy cảm về cho nhà sản xuất ở nước này và từ đó, Chính phủ Trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cận.

Cảnh báo của CISA nêu rõ: “Các UAV là nguy cơ tiềm ẩn đối với thông tin của các tổ chức và chứa các thành phần có thể thâm nhập dữ liệu và chia sẻ thông tin đến máy chủ bên ngoài”.

DHS không nêu cụ thể tên của nhà sản xuất cụ thể nào song gần 80% số máy bay không người lái được sử dụng ở Mỹ và Canada được sản xuất từ Công ty công nghệ DJI, trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Trên thực tế, từ năm 2017, giới chức Mỹ từng quan ngại về vấn đề an ninh quốc gia liên quan đến máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất.

Chính trong năm 2017, quân đội Mỹ đã ra lệnh cấm sử dụng máy bay không người lái của DJI, với cáo buộc công ty này đã chia sẻ các dữ liệu về thực thi pháp luật và cơ sở hạ tầng quan trọng với Chính phủ Trung Quốc.

Cùng năm đó, báo cáo nội bộ của Cơ quan thi hành di trú và hải quan Los Angeles đánh giá DJI đã nhắm mục tiêu có chọn lọc vào chính quyền và các thực thể tư nhân với mục đích mở rộng khả năng thu thập và khai thác dữ liệu nhạy cảm của Mỹ.

Người sử dụng được cảnh báo cần “thận trọng khi mua” máy bay không người lái Trung Quốc, đồng thời cần để ý các bước như ngắt kết nối Internet của thiết bị và bỏ thẻ nhớ kỹ thuật số để tránh bị đánh cắp thông tin.

DJI cũng đã đưa ra tuyên bố phản hồi khẳng định công ty luôn đảm bảo cho khách hàng quyền kiểm soát “đầy đủ và hoàn hoàn” cách thức dữ liệu được thu thập, lưu trữ và truyền phát.

Được thành lập tại Thâm Quyến năm 2006, máy bay không người lái DJI ngày nay thống trị phần lớn thị trường thế giới, với 72% thị phần tại Mỹ vào năm 2017, theo số liệu nghiên cứu của Skylogic Research có trụ sở tại Mỹ vào năm 2018.

Hiện DJI mới chịu cảnh báo từ các cơ quan chức năng Mỹ. Nếu Washington tung ra lệnh cấm đối với DJI, đây có thể sẽ là một cú đánh khá mạnh đối với công ty Trung Quốc và thay đổi hoàn toàn cục diện thị trường máy bay không người lái của Mỹ.

Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc vẫn có đủ chiêu thức để đáp trả lại Washington.

Đất hiếm là điểm yếu của Trung Quốc.

Đất hiếm là thành phần quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp và công nghệ cao như chế tạo vật liệu siêu bán dẫn ở Mỹ. Ngay từ những chiếc iPhone của Apple đến các hệ thống dẫn đường tên lửa đều có thành phần đất hiếm Trung Quốc.

Mỏ đất hiếm duy nhất của Mỹ là Mountain Pass, tại bang California hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của một công ty Trung Quốc.

Tất cả đất hiếm khai thác ở Mỹ phải được chở về Trung Quốc để tinh chế thì mới có thể sử dụng. Năm 2018, có tới 59% đất hiếm dùng tại Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đây là một điểm yếu của Mỹ, khiến các ngành sản xuất ở Mỹ phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần dọa tăng thuế nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc nhưng chưa có động thái thực sự nào.

Giữa lúc Mỹ tung đòn thuế quan vào Tập đoàn công nghệ Huawei kéo theo hàng loạt công ty Mỹ từ chối hợp tác với Trung Quốc, thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng gửi đi một cảnh báo ngầm đến Washington.

Chủ tịch Tập Cận Bình thị sát công ty sản xuất đất hiếm- con bài với thương chiến Mỹ.

Hôm 20/5, ông Tập đã tới thăm Công ty TNHH cổ phần Công nghệ Nam châm vĩnh cửu Jinli Giang Tây tại thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây - một trong những quặng đất hiếm lớn nhất nước này.

Tháp tùng ông là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, một trong những người được ông Tập tin tưởng nhất và là gương mặt quen thuộc trong các vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung thời gian qua.

Cuộc thị sát của ông Tập tại doanh nghiệp đất hiếm đã thu hút sự chú ý. Gần đây, xuất hiện thông tin cho rằng đất hiếm có thể trở thành một quân bài chủ chốt của Bắc Kinh trong chiến tranh thương mại với Mỹ.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-chan-tiep-uav-trung-quoc-ong-tap-ra-don-ngam-3380464/