Mỹ cáo buộc thêm 2 nhân viên tình báo Trung Quốc đánh cắp công nghệ

Hai người được cho là nhân viên tình báo Trung Quốc đã bị bộ Tư pháp Mỹ buộc tội cố lấy cắp các chi tiết của một loại công nghệ động cơ phản lực từ các công ty có trụ sở tại Mỹ, theo CNN.

Trung Quốc nhiều lần bị cáo buộc có hành vi đánh cắp công nghệ.

Zha Rong và Chai Meng, được cho là người của bộ An ninh Quốc gia (MSS) Trung Quốc, bị cáo buộc đã cố gắng xâm nhập vào các công ty tư nhân trong suốt 5 năm qua nhằm tìm cách lấy cắp công nghệ động cơ máy bay.

"Hành động này là một ví dụ về những nỗ lực của MSS trong việc tạo điều kiện cho hành vi trộm cắp dữ liệu cá nhân nhằm phục vụ lợi ích thương mại của Trung Quốc", Thẩm phán Adam Braverman nói trong một tuyên bố.

"Các nỗ lực ăn cắp thay vì mua bán các sản phẩm thương mại có sẵn là sự xúc phạm đến công ty đầu tư và tiền của các cổ đông đóng góp vào sự phát triển của sản phẩm", ông nói thêm.

Tuyên bố của bộ Tư pháp Mỹ không nêu rõ nơi trú ngụ hiện tại của Zha Rong và Chai Meng. Bên cạnh đó, Mỹ cũng không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, bởi vậy nếu hai người này đang có mặt ở quê nhà, sẽ rất khó để Washington buộc Bắc Kinh hợp tác điều tra.

CNN đã liên hệ với bộ Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề này nhưng chưa có hồi đáp.

Cáo buộc từ bộ Tư pháp Mỹ đưa ra thời điểm áp lực ngày càng gia tăng đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh khi các công ty Trung Quốc liên tục bị cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ ở nhiều nơi nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Vào ngày 11/10, bộ Tư pháp Mỹ cũng buộc tội nhân viên tình báo có tên là Yanjun Xu của Trung Quốc về hoạt động gián điệp kinh tế. Một phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này vào thời điểm đó.

Trong bản cáo trạng do bộ Tư pháp Mỹ công bố hôm 30/10, cơ quan này cáo buộc Zha và Chai từ tháng 1/2010 đã hợp tác với một nhóm tin tặc để lấy cắp công nghệ động cơ đang được phát triển bởi một công ty Pháp và một công ty có trụ sở tại Mỹ.

"Tại thời điểm xâm nhập, một công ty hàng không quốc doanh của Trung Quốc đang phát triển một động cơ tương tự để sử dụng trong các máy bay thương mại được sản xuất tại Trung Quốc và các nơi khác", tuyên bố cho biết thêm.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/my-cao-buoc-them-2-nhan-vien-tinh-bao-trung-quoc-danh-cap-cong-nghe-a409276.html