Mỹ cáo buộc hàng loạt đặc vụ Trung Quốc đánh cắp công nghệ nhạy cảm

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc một nhóm đặc vụ Trung Quốc tìm cách lấy cắp công nghệ hàng không từ các công ty Mỹ và đây là vụ việc thứ 3 xảy ra trong chưa đầy 2 tháng.

Bên trong nhà máy chế tạo máy bay của Boeing tại Washington, Mỹ. (Ảnh: China Daily)

Theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 30/10, một nhóm gồm 10 người, dẫn đầu bởi các đặc vụ Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) tại tỉnh Giang Tô, một đơn vị thuộc nhánh tình báo nước ngoài của MSS, đã tìm cách đột nhập vào các hệ thống máy tính của các công ty Mỹ và châu Âu đặt văn phòng tại thành phố Tô Châu, Trung Quốc.

Cả hai công ty này đều là những nhà sản xuất động cơ phản lực cánh quạt đẩy sử dụng trên máy bay thương mại. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm đặc vụ Trung Quốc cũng nhắm mục tiêu tới các công ty hàng không vũ trụ khác của Mỹ chuyên sản xuất các linh kiện cho những nhà sản xuất động cơ.

“Mối đe dọa gây ra từ các hoạt động tấn công mạng do Trung Quốc bảo trợ là có thật và thường xuyên diễn ra. Hôm nay, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), với sự trợ giúp của các đối tác chính phủ Mỹ, các đối tác quốc tế và khu vực tư nhân đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới chính phủ Trung Quốc cũng như các chính phủ nước ngoài khác có liên quan tới các hoạt động tấn công tấn công mạng”, John Brown, đặc vụ phụ trách Văn phòng San Diego của FBI, cho biết.

Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong khi xâm nhập vào hệ thống máy tính của các công ty Mỹ và châu Âu, một công ty hàng không vũ trụ của nhà nước Trung Quốc cũng phát triển một động cơ tương tự để sử dụng cho máy bay sản xuất ở Trung Quốc và các nước khác.

“10 đối tượng bị cáo buộc âm mưu ăn cắp dữ liệu nhạy cảm mà sau đó có thể được các công ty Trung Quốc sử dụng để chế tạo động cơ tương tự hoặc giống hoàn toàn mà họ không cần phải chịu những khoản chi phí rất lớn để nghiên cứu cũng như phát triển”, thông báo nêu rõ.

Theo Reuters, hơn 10 công ty trở thành mục tiêu tấn công của các đặc vụ Trung Quốc, trong đó có công ty tua-bin Capstone. Một số công ty khác cũng nằm trong tầm ngắm gồm một nhà sản xuất trong lĩnh vực không gian vũ trụ của Pháp có văn phòng đặt tại Tô Châu, một công ty hàng không vũ trụ của Anh và một tập đoàn đa quốc gia.

Cáo buộc của Mỹ nêu đích danh tên của Zha Rong, Chai Meng cùng một số đồng phạm khác làm việc cho Bộ An ninh Trung Quốc ở Giang Tô. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết những nỗ lực đánh cắp thông tin nhạy cảm về hàng không thương mại và các dữ liệu khác đã diễn ra từ tháng 1/2010-5/2015.

Đây là lần thứ 3 Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra cáo buộc nhằm vào các đặc vụ Trung Quốc trong vụ việc có liên quan tới gián điệp kể từ tháng trước.

Hồi cuối tháng 9, một công dân Trung Quốc đã bị bắt tại Chicago vì làm việc cho tình báo Trung Quốc nhằm tuyển mộ các kỹ sư và các nhà khoa học, bao gồm những người làm việc cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ.

Trước đó hồi đầu tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ cũng thông báo bắt giữ một gián điệp làm việc cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc với cáo buộc gián điệp kinh tế và đánh cắp bí mật thương mại từ một số công ty hàng không vũ trụ Mỹ.

John Demers, người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, hôm qua tuyên bố “đây mới chỉ là bắt đầu”.

“Cùng với các đối tác liên bang của chúng ta, chúng ta sẽ nhân đôi nỗ lực để bảo vệ những sản phẩm sáng tạo và sự đầu tư của Mỹ”, ông Demers nói.

Thành Đạt

Theo Dân Trí

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/my-cao-buoc-hang-loat-dac-vu-trung-quoc-danh-cap-cong-nghe-nhay-cam-20180504224215321.htm