Mỹ cảnh cáo Ấn Độ không mua 'Rồng lửa' S-400 của Nga

Trong khi Mỹ không thể ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400, nước này vẫn hối thúc Ấn Độ không mua 'Rồng lửa' từ Nga ngay trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: Reuters

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: Reuters

Nhắm đến việc Ấn Độ muốn tiếp tục thương vụ S-400, tuần trước một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi lời nhắc nhở đến “các đồng minh và đối tác” của Mỹ và ẩn chứa trong đó là một lời đe dọa.

“Về hệ thống S-400, chúng tôi yêu cầu tất cả đồng minh và đối tác, trong đó có Ấn Độ, từ bỏ các giao dịch với Nga, có thể gây hậu quả là những biện pháp trừng phạt theo ‘Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận’ (CAATSA). Đây chính là thời điểm chúng tôi khuyến khích Ấn Độ cân nhắc những lựa chọn khác”, quan chức không được nêu tên phát biểu tại một cuộc họp hôm 21/6. CAATSA là đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2017, quy định trừng phạt các nước khác nếu mua vũ khí, khí tài của Nga.

Theo hãng tin RT, lời cảnh cáo xuất hiện sau khi New Delhi khẳng định sẽ không hủy bỏ thương vụ trị giá nhiều tỷ USD đã ký với Moskva tháng 10/2018.

Hệ thống “rồng lửa” S-400 của Nga nhiều khả năng sẽ là trong những vấn đề chính trong chương trình nghị sự khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến New Delhi ngày 25/6 theo giờ địa phương. Chuyến thăm của quan chức ngoại giao sẽ cơ bản tập trung vào việc cải thiện quan hệ ngoại giao và hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ.

Chiêm ngưỡng sức mạnh của S-400 Nga. Nguồn: Sputnik

Trước đó, Mỹ đã đề xuất bán Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và hệ thống tên lửa phòng không đa năng Patriot (PAC-3) cho Ấn Độ, để thay thế hệ thống phòng không S-400 của Nga mà New Delhi công bố kế hoạch mua sắm sau nhiều năm đàm phán. Giá bán chi tiết của một hệ thống THAAD không được tiết lộ, song theo thông tin của hãng CNBC, mỗi hệ thống này ước tính khoảng 3 tỷ USD.

Thương vụ S-400 là một vấn đề gây tranh cãi lớn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong hơn một năm qua, Washington đã nhiều lần thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thương vụ S-400 trị giá 2,5 tỷ USD, đồng thời đe dọa ngừng bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ các chiến đấu cơ F-35 dù Ankara đã thanh toán một số hóa đơn.

Washington cảnh báo việc Ankara tích hợp công nghệ tên lửa của Nga cùng các máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ gây ra mối đe dọa cho F-35 và "nguy hiểm" cho nền quốc phòng phương Tây. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hệ thống S-400 sẽ tách biệt với cơ sở hạ tầng của NATO tại nước này và không có liên hệ với F-35.

Mới đây, ngày 7/6 quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã gửi thư cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar, trong đó cảnh báo rằng Ankara có thời gian đến ngày 31/7 để từ bỏ thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Nếu không, Ankara sẽ không được mua khoảng 100 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ cũng như các phi công Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đình chỉ tham gia chương trình huấn luyện đối với loại máy bay hiện đại nhất này của Mỹ. Washington cũng cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ankara nếu Thổ Nhĩ Kỹ vẫn mua hệ thống vũ khí này của Nga.

Bất chấp sức ép của Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thông báo hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 của Nga đã được hoàn tất. Ông thông báo Ankara sẽ nhận được hệ thống trên trong thời gian “rất sớm” sau khi đảm bảo với Tổng thống Nga Vladimir Putin về chính sách “không rút lui” đối với thương vụ này.

Xuân Chi/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/quan-su/my-canh-cao-an-do-khong-mua-rong-lua-s400-cua-nga-20190623085738371.htm