Cạnh tranh ở Biển Caspi ngày càng nóng: Vị thế của Nga có thể bị thách thức

Caspi – vùng biển cô lập nhưng sở hữu những giếng dầu lớn nhất thế giới đang trở thành khu vực cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các quốc gia khu vực. Liệu Nga có thể bảo vệ ưu thế của mình tại đây như những gì diễn ra trong hàng thập kỷ qua?

Cách đây 30 năm, ưu thế của Nga ở Biển Caspi là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, khi thế kỷ 21 bước vào thập kỷ thứ ba, Biển Caspi có thể sẽ không còn là khu vực mà Nga chiếm giữ ảnh hưởng lớn nhất nữa.

Tàu hộ vệ mang tên lửa Veliky Ustyug. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Tàu hộ vệ mang tên lửa Veliky Ustyug. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Đầu tháng 10, Hạm đội Caspi của Nga đã tiến hành các cuộc tập trận trên biển và phóng tên lửa hành trình tầm xa Kalibr tại một hòn đảo ngoài khơi bờ biển của nước này. Chỉ vài ngày sau, các tàu hải quân của Azerbaijan đã tiến hành tập trận 3 ngày trên biển với sự tham gia của các lực lượng đặc biệt và tàu tuần tra.

Với các lực lượng của mình, Nga vẫn duy trì lợi thế quân sự trong khu vực Caspi nhưng các cuộc tập trận diễn ra tại đây vào tháng trước là một lời nhắc nhở cho thấy các nước láng giềng của Moscow đang không ngừng tăng cường năng lực hải quân của mình.

Nhiều tàu chiến hơn, nhiều "người chơi" nhập cuộc hơn

Biển Caspi có một số mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới với ước tính khoảng 48 tỷ thùng dầu. Nhiều mỏ dầu đã được phát hiện vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, song biên giới chính xác của các quốc gia trên vùng biển này lại không được phân định rõ ràng.

Điều đó đã dẫn đến một số tranh chấp giữa 5 quốc gia ven Biển Caspi gồm Azerbaijan, Turkmenistan, Kazakhstan, Iran và Nga về quyền thăm dò và khai thác. Năm 2001, Iran và Azerbaijan đã suýt xảy ra xung đột do một tranh chấp ở giếng dầu Alov-Araz-Sharq.

Sức mạnh Hạm đội Caspi của Nga giúp nước này tránh được những tranh chấp nghiêm trọng. Năng lực quân sự cũng giúp Nga duy trì ảnh hưởng trong những vụ tranh chấp giữa các nước ven biển khác.

Nga vẫn tiếp tục phát triển khả năng của hạm đội này. Tháng 10/2015, Nga đã phô diễn khả năng mới đáng chú ý khi một số tàu của nước này phóng 26 tên lửa hành trình Kalibr vào 11 mục tiêu ở Syria ở khoảng cách hơn 1.600 km. Quân đội Nga thậm chí đã phóng nhiều tên lửa hơn vào 1 tháng sau đó.

Những quốc gia khác ở Biển Caspi chủ yếu hoạt động dưới sự ảnh hưởng của Hạm đội Caspi của Nga nhưng những năm gần đây họ đã bắt đầu tăng cường lực lượng hải quân với những tiêu chuẩn hiện đại hơn.

Azerbaijan, với doanh thu từ những mỏ dầu lớn của mình, đã phát triển lực lượng hải quân và hạm đội tuần duyên thành một lực lượng kết hợp với hơn 30 tàu chiến. Hầu hết trong số này là tàu tuần tra nhưng một số tàu trong số đó là những tàu chiến tương đối hiện đại do các công ty của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đóng.

Turkmenistan cũng tận dụng mối quan hệ về thương mại và văn hóa với Thổ Nhĩ Kỳ để mua thêm một số tàu chiến do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Nước này sở hữu 10 tàu tuần tra lớp Serhet (dựa trên lớp Tuzla của Thổ Nhĩ Kỳ) và đã đưa vào vận hành tàu hộ tống đầu tiên do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất vào tháng 8.

Iran từng có sự hiện diện rất hạn chế ở Caspi. Vùng biển mà nước này kiểm soát là nơi sâu nhất với độ sâu trung bình khoảng hơn 1km, khiến cho Iran khó có thể tiến hành các hoạt động khoan dầu ngoài khơi. Hơn nữa, hải quân Iran chủ yếu tập trung ở Vịnh Ba Tư.

Tuy nhiên, Iran cũng đang xây dựng hạm đội Caspi của mình. Năm 2003, nước này đã hoàn thành tàu Caspi hiện đại đầu tiên mang tên IRIS Paykan - một tàu tấn công nhanh lớp Sina. Năm 2015, nước này đưa vào vận hành IRIS Damavand - tàu khu trục thứ hai của những tàu lớp Mowj - các tàu chiến hiện đại nhất của Iran.

IRIS Damavand bị chìm sau một vụ tai nạn năm 2018 và đang được sửa chữa nhưng Iran sẽ tiếp tục đưa nó tham gia vào các hoạt động ở Biển Caspi, trong đó có các cuộc tập trận thường xuyên.

Kazakhstan đã xây dựng được lực lượng hải quân với hơn 10 tàu chiến, trong đó có cả các tàu tên lửa sản xuất nội địa. Kazakhstan cũng tiến hành các cuộc diễn tập và tập trận tại vùng biển này.

Nga vẫn là lực lượng mạnh nhất?

Rõ ràng, các lực lượng hải quân ở Biển Caspi đã mạnh hơn cách đây 30 năm nhưng Hạm đội Caspi của Nga vẫn là lực lượng hải quân chiếm ưu thế lớn nhất tại đây.

Hầu hết các tàu hải quân của Azerbaijan, Iran, Kazakhstan, Turkmenistan đều là những tàu chiến nhỏ như tàu tuần tra, tàu tên lửa hay tàu tấn công nhanh. Hạm đội Caspi không chỉ có nhiều tàu như vậy mà còn sở hữu những tàu chiến lớn hơn bất kỳ nước nào trong các nước trên, trong đó có 2 tàu khu trục lớp Gepard và 6 tàu hộ tống lớp Buyan.

Những tàu này nhỏ hơn các tàu khu trục và tàu tuần dương trong các hạm đội khác của hải quân Nga nhưng như đã thấy trong các cuộc tấn công ở Syria năm 2015, những tàu này có thể mang các vũ khí với khả năng vượt trội hơn nhiều so với vũ khí của hải quân các nước láng giềng.

"Nga đã trang bị cho các tàu nhỏ này các hệ thống tên lửa chống hạm và hệ thống tấn công mặt đất tầm xa và chúng thực sự có khả năng lớn hơn nhiều so với trọng lượng và kích cỡ của mình", Jeffrey Edmonds, một nhà khoa học và là chuyên gia Nga nhận định với Insider.

Hơn nữa, Hạm đội Caspi còn là một phần thuộc Quân khu phía Nam của Nga - một trong những lực lượng lớn nhất và quan trọng nhất của quân đội Nga. Khả năng chiến đấu của Hạm đội Caspi được đánh giá cùng với các trang thiết bị và phương tiện của quân khu này, chẳng hạn như các chiến đấu cơ và hệ thống phòng thủ bờ biển.

"Bạn không nên đánh giá Hải quân Nga nói chung hay Hạm đội Caspi nói riêng tách rời với phần còn lại của quân đội Nga. Nếu có một cuộc xung đột ở Biển Caspi, chúng ta sẽ chứng kiến sức mạnh tổng hợp của quân đội Nga trong khu vực này", chuyên gia Edmonds nhận định.

Ngoài ra, Hạm đội Caspi cũng có thể được tăng cường lực lượng từ các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga qua Kênh đào Volga-Don hoặc thậm chí từ Hạm đội Baltic qua tuyến đường thủy Volga - Baltic nếu cần thiết.

"Quân đội Nga sẽ xem xét sự tương quan lực lượng. Họ sẽ xác định khả năng quân sự của mình trong khu vực để theo kịp hoặc vượt qua bất kỳ đối thủ cạnh tranh tiềm năng nào".

Cùng với các hoạt động tăng cường lực lượng hải quân là nỗ lực để quản lý lực lượng này. Năm 2018, 5 quốc gia Caspi đã ký Công ước về Quy chế pháp lý của Biển Caspi. Các bên ký kết đã nhất trí, bề mặt Caspi phải được đối xử như mặt biển, với việc các quốc gia có quyền tài phán trong phạm vi 15 hải lý trên bề mặt tính từ đường bờ biển của họ. Công ước này cũng cấm các quốc gia bên ngoài thiết lập sự hiện diện quân sự tại vùng biển này.

Tuy nhiên, nguy cơ căng thẳng trong tương lai ở Caspi là điều có thể thấy rõ. Nga và Iran ngày càng lo ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường lực lượng quân sự và gia tăng ảnh hưởng tại Azerbaijan và Turkmenistan. Ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực cũng ngày càng tăng lên.

Hoạt động quân sự ở Biển Caspi có thể sẽ tiếp tục gia tăng khi các giếng dầu mới được phát hiện và các lực lượng hải quân trong khu vực phát triển. Ưu thế của Nga có thể được đảm bảo hiện nay nhưng với ngày càng nhiều "người chơi" hơn, một ngày nào đó, Nga sẽ phải cạnh tranh trong cuộc chơi tại vùng biển này./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/canh-tranh-o-bien-caspi-ngay-cang-nong-vi-the-cua-nga-co-the-bi-thach-thuc-904117.vov