Mỹ cảnh báo siêu khủng hoảng kinh tế thế giới 2020

Ngân hàng hàng đầu của Mỹ JPMorgan Chase vừa đưa ra dự báo đáng lo ngại về 'siêu khủng hoảng thế giới' sẽ nổ ra vào năm 2020.

Vào năm 2020, thế giới sẽ phải đối mặt với những cú sốc kinh tế, mà các chuyên gia của nhà băng hàng đầu Mỹ JPMorganChase gọi là "siêu khủng hoảng", ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống xã hội và sẽ bao trùm toàn thế giới.

Theo dự báo của họ, thế giới sẽ phải đối mặt những vụ bạo loạn hàng loạt và tình trạng gián đoạn cung cấp lương thực. Họ dựa vào cơ sở nào để đưa ra một dự báo ảm đạm như thế? Xác suất dự báo thành hiện thực như thế nào? Hãng thông tấn Nga Sputnik đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia và đưa ra bài bình luận về dự báo này.

Siêu khủng hoảng tiếp diễn theo quy luật "tròn 1 thập kỷ"

Dự báo trên được đưa ra vào đúng dịp tròn 1 thập kỷ ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến sự suy thoái dài hạn.

Đêm rạng sáng ngày 15 tháng 9 năm 2008, ngân hàng Lehman Brothers đã nộp đơn lên tòa xin phá sản và yêu cầu bảo vệ trước các chủ nợ. Động tác phá sản của ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ đã thành điểm khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, sau đó phát triển thành suy thoái toàn cầu.

Nguồn gốc của nó gắn với hàng loạt yếu tố thông thường: Chuỗi phát triển kinh tế chung và khủng hoảng chu kỳ trên thị trường thế chấp Mỹ trong năm 2007.

Kể từ đó, các nhà tài chính thiết lập những mô hình khác nhau nhằm dự báo về thời điểm và mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo mà thế giới sẽ hứng chịu, xác định chu kỳ lặp lại trong nền kinh tế.

Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) có trụ sở tại Basel, được biết đến như là một “ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương” nhận định quá trình hồi phục sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đã "rất thiếu cân bằng" với việc các nền kinh tế đang lên phải chịu đặc biệt nhiều áp lực.

Nhà kinh tế trưởng tại BIS ông Claudio Borio cho hay, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã dùng "thuốc liều cao" trong nhiều năm liền dưới dạng "lãi suất thấp và kéo dài bất thường" để kiềm chế khủng hoảng. Liều thuốc này đã giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế, nhưng nó chỉ phù hợp cho một giai đoạn nhất định và “đi kèm những tác dụng phụ không thể tránh khỏi”.

Giới chuyên gia thống nhất dự đoán, cuộc khủng hoảng mới của nền kinh tế thế giới sẽ diễn ra theo chu kỳ 10 năm một lần

Giới chuyên gia thống nhất dự đoán, cuộc khủng hoảng mới của nền kinh tế thế giới sẽ diễn ra theo chu kỳ 10 năm một lần

Ví dụ như những khủng hoảng mới nổ ra gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina chính là kết quả của "triệu chứng thiếu thuốc" khi ngân hàng trung ương các nước này “giảm liều dùng” và không có biện pháp bổ trợ hiệu quả nào được đưa ra.

Còn các chuyên gia của JPMorgan Chase dựa trên mô hình riêng để đánh giá và rút ra kết luận rằng, cuộc khủng hoảng mới của nền kinh tế-xã hội thế giới sẽ diễn ra vào đầu năm 2020.

Mô hình của họ được đánh giá dựa trên các yếu tố gồm quãng thời gian tăng trưởng kinh tế, độ dài dự báo của cuộc suy thoái tiếp theo, mức độ vay nợ, định giá tài sản, và mức độ nới lỏng các quy chế giám sát và mức độ sáng tạo tài chính.

Các nhà phân tích của nhà băng nhắc nhở rằng, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chỉ số S&P 500 (Standard & Poor's 500 Stock Index - chỉ số cổ phiếu 500 của Standard & Poor, tức là một chỉ số cổ phiếu dựa trên cổ phiếu phổ thông của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ.) của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 54% từ đỉnh, gây ra tác động siêu tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ và thế giới.

Tuy nhiên, dự đoán lần khủng hoảng tiếp theo này có thể gây ra ít tác động tiêu cực hơn so với những lần khủng hoảng trước, bởi vì giá trị tài sản ở các nước đang phát triển hiện nay là thấp hơn nhiều so với năm 2008.

Các nhà đầu tư thụ động và khủng hoảng thanh khoản

Chiến lược gia Marko Kolanovic của JPMorgan Chase cho rằng, sự dịch chuyển mạnh mẽ khỏi hoạt động quản lý tài sản chủ động sang quản lý thụ động - thông qua sự nổi lên của các quỹ chỉ số (index fund), quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) và các chiến lược giao dịch dựa trên định lượng, đã làm gia tăng mức độ nguy hiểm của sự gián đoạn thị trường.

JPMorgan chỉ ra rằng, sự suy giảm thanh khoản trên thị trường chứng khoán Mỹ vẫn ở vào khoảng 2/3 dưới mức trước khủng hoảng.

Tính thanh khoản trên các thị trường thu nhập cố định đã xấu đi, bởi vì các ngân hàng đang đóng một vai trò nhỏ hơn như các nhà sản xuất thị trường.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-canh-bao-sieu-khung-hoang-kinh-te-the-gioi-2020-3366097/