Mỹ càng trừng phạt, Nga càng tăng trưởng nhờ giá dầu

Sau khi Mỹ trừng phạt Nga và các nước trên thế giới, Nga càng có cơ hội để tăng trưởng kinh tế dựa trên giá dầu.

Mới đây Bộ Phát triển Kinh tế Nga đã công bố toàn cảnh kết quả ngoại thương của Nga trong năm 2019, cho thấy các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào Nga và Iran, Venezuela dường như có tác động thúc đẩy đến kinh tế Nga.

Mỹ khó trừng phạt kinh tế Nga hiệu quả.

Mỹ khó trừng phạt kinh tế Nga hiệu quả.

Đơn cử như do Washington thúc đẩy trừng phạt Iran, ngăn cấm các nước trên thế giới giao dịch dầu với Iran đã thúc đẩy các nhà máy lọc dầu của Thổ Nhĩ Kỳ mua nguyên liệu thô từ Nga. Xuất khẩu dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ trong 11 tháng năm ngoái đã tăng 4,5 lần do các nhà máy Thổ Nhĩ Kỳ "tái định hướng".

Một ví dụ khác là sau khi Washington áp đặt biện pháp hạn chế chống Venezuela, việc cung cấp dầu thô của Nga đã tăng gấp ba lần.

Dù liên tiếp trừng phạt kinh tế, cảnh báo giáng đòn trừng phạt kinh tế Nga nhưng Mỹ cũng không lựa chọn trừng phạt trực tiếp vào ngành dầu của Nga. Nước này cũng nhập khẩu dầu thô của Nga và là một trong hai khách hàng lớn của Nga trong năm 2019.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm khoảng 5% dầu xuất khẩu của Nga.

Dù có nhiều tín hiệu tích cực song theo đánh giá của Ngân hàng Nga, nhìn toàn cục thì tổng xuất khẩu dầu thô từ Nga có sút giảm 5,9% và đạt 121,6 tỷ USD.

Việc Mỹ trừng phạt Nga và các nước lớn trong ngành dầu mỏ được Nga ủng hộ cũng từng được Vụ Khảo cứu Quốc hội, cơ quan khảo cứu chính sách công của Quốc hội Mỹ đánh giá mới đây. Theo đó, các biện pháp trừng phạt đã có tác động tiêu cực nhưng tương đối khiêm tốn vào kinh tế Nga. Nền kinh tế Nga chịu tác động mạnh mẽ hơn của giá dầu thế giới.

Theo nghiên cứu này, nhìn chung, hơn bốn phần năm trong số 100 công ty lớn nhất ở Nga (năm 2018) không phải chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ hoặc EU, bao gồm các công ty trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như vận tải, bán lẻ, dịch vụ, khai thác và sản xuất.

Mặc dù Nga phải đối mặt với một số thách thức kinh tế trong năm 2014-2015 do trừng phạt đồng loạt của Mỹ và EU nhưng tới năm 2016 và 2017, khi giá dầu tăng thì kinh tế Nga đã tăng trưởng tích cực.

Báo cáo cũng cho thấy, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga có thể có hiệu quả kinh tế rộng rãi nhưng các nền kinh tế khác vốn có quan hệ mật thiết với kinh tế Nga như Iran hay Venezuela, thậm chí là châu Âu dễ dàng có nhiều biện pháp để "lách" các trừng phạt kinh tế và tiếp tục tìm kiếm lợi ích với Nga.

Vào tháng 4/2018, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Rusal, một công ty nhôm toàn cầu, có tác động rộng lớn làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu của Nga và toàn cầu.

Nhưng sau đó, Mỹ đã gỡ bỏ lệnh cấm này được cho là do chính sự tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt này lên thị trường toàn cầu, đối với các công ty Mỹ và châu Âu.

Một phần lý do là bởi tỷ phú Oleg Deripaska, người phải chịu lệnh trừng phạt, đã đồng ý từ bỏ quyền kiểm soát của mình đối với ba công ty của ông này, thay vào đó là đội ngũ lãnh đạo được châu Âu và Mỹ hậu thuẫn.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/my-cang-trung-phat-nga-cang-tang-truong-nho-gia-dau-3395674/