Mỹ - Canada hợp tác chiến lược đất hiếm: Khó 'thoát Trung'

Canada chưa thực sự có nghiên cứu phù hợp về khai thác đất hiếm để nhanh chóng hưởng những khoản đầu tư lớn từ hợp tác với Mỹ.

Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Canada và Bộ Năng lượng Mỹ vừa ra thông báo cho biết, 2 nước đã ký Biên bản ghi nhớ xác nhận sự tham gia của Canada vào Sáng kiến quản trị tài nguyên năng lượng (ERGI), một phần trong chiến lược đa hướng của Washington nhằm thoát khỏi sự độc quyền của Trung Quốc về khoáng sản.

Mỹ muốn hợp tác Canada để khai thác đất hiếm giảm phụ thuộc Trung Quốc, thực tế khó hiệu quả.

Mỹ muốn hợp tác Canada để khai thác đất hiếm giảm phụ thuộc Trung Quốc, thực tế khó hiệu quả.

Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Canada Seamus O'Regan cho biết: "Chúng tôi tự hào hợp tác với Mỹ thông qua Sáng kiến quản trị tài nguyên năng lượng, để thúc đẩy phát triển có trách nhiệm các khoáng sản quan trọng và đảm bảo an ninh khoáng sản".

Mỹ đang rất muốn được tiếp cận với một nguồn cung tin cậy đối với các kim loại được sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng và chế tạo. Trong khi đó, Canada có ngành khai khoáng vững mạnh và thị trường 2 nước có sự tích hợp lớn. Đối với Mỹ, Canada là nhà cung cấp hàng đầu về nhôm, Cesium, Rubidium, Indium, Potash, Tellurium và Uranium.

Tuy nhiên, giới quan sát ở Canada đánh giá, có nhiều vấn đề liên quan đến khai thác đất hiếm ở Canada mà Ottawa chưa thể thúc đẩy hợp tác với Mỹ trở nên thực chất.

Sáng kiến ERGI liên quan đến 9 quốc gia khác gồm Úc, Botswana, Peru, Argentina, Brazil, Cộng hòa Dân chủ Congo, Namibia, Philippines và Zambia cho phép thay đổi vị thế hàng đầu của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm.

Pierre Gratton - Chủ tịch Hiệp hội khai khoáng Canada cho biết, Trung Quốc đang kiểm soát các kim loại và khoáng sản quan trọng như Uranium, Lithium, Cesium và Cobal trong đất hiếm.

Ước tính Trung Quốc chiếm 90% sản lượng đất hiếm thế giới. Không có lý do nào mà họ lại bỏ qua nguồn nguyên liệu này làm một thứ vũ khí đặc biệt.

Theo ông Ryan Castilloux, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Adamas Intelligence nói với Financial cho biết, đầu tư cho khai thác đất hiếm ở Canada là một câu chuyện kinh tế không hơn không kém. Để xây dựng một mỏ đất hiếm cần tối thiểu hàng trăm triệu USD.

Nếu việc khai thác không trở thành chuỗi cung ứng phân phối tất cả các loại sản phẩm gồm những hợp kim, chuyển đổi thành nam châm, chất xúc tác hoặc các sản phẩm trung gian khác thì việc khai thác công nghiệp vẫn sẽ gặp khó. Đi tới cuối cùng của câu chuyện này, ông Castilloux cho rằng, vấn đề vẫn là công nghệ.

"Vấn đề thực tế không phải là thiếu mỏ đất hiếm mà là cách để đào chúng và biến chúng thành những nguyên liệu cần thiết với giá tốt nhất" - vị chuyên gia nhận xét.

Anton Chakhmouradian - Giáo sư địa chất tại Đại học Manitoba và là chuyên gia về các nguyên tố đất hiếm, cho biết những nỗ lực của Canada trong việc giải quyết sự phụ thuộc ngày càng tăng của mình vào kim loại đất hiếm do Trung Quốc sản xuất là quá trễ.

"Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự tiến bộ của công nghệ luôn đi đầu trong mối quan tâm của mọi người và tương lai của loài người phụ thuộc vào việc chúng ta có thể phản ứng nhanh như thế nào với sự phát triển công nghệ ở nơi khác" - ông Chakhmouradian nhận xét.

Giáo sư Chakhmouradian nhận định, nói Canada là "một người chơi tiềm năng" trong thị trường đất hiếm là "cường điệu" bởi dù Canada có tài nguyên đáng kể về nguyên tố đất hiếm, có nhiều loại đá với sự xuất hiện tập trung của các nguyên tố đất hiếm, nhưng đơn giản là nó không thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu với các loại tài nguyên khác mà các quốc gia khác phải cung cấp, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Canada không có mỏ nào có quy mô lớn như mỏ đất hiếm Mountain Pass nổi tiếng thế giới ở California, Mỹ.

"Mặc dù có một lượng đáng kể đất hiếm ở phía bắc Quebec và Vùng lãnh thổ Tây Bắc, nhưng vẫn chưa có công nghệ nào được chứng minh là khai thác kim loại đất hiếm từ các loại đá này một cách có lợi ở quy mô công nghiệp" - Giáo sư Chakhmouradian nói.

Hơn nữa, khả năng khai thác ở quy mô công nghiệp là quá xa vời khi Chính phủ Canada chưa thực sự đầu tư lớn cho nghiên cứu khoa học về khai thác đất hiếm.

Nghiên cứu của Canada về các nguyên tố đất hiếm và công nghệ ứng dụng cho khai thác đã chậm hàng thập kỷ so với ngành khoa học tương ứng đã được tích lũy ở Trung Quốc và Nga.

"Đáng tiếc là Chính phủ Canada đã tập trung hỗ trợ chủ yếu vào các ngành công nghiệp khoáng sản tạo doanh thu thông thường, như kim loại cơ bản, nhưng khoáng sản đất hiếm chưa bao giờ là ưu tiên" - Giáo sư Chakhmouradian nói thêm.

Như vậy, ngay cả khi Mỹ có những sáng kiến phối hợp cần thiết, chiến lược của họ cũng đang thiếu phương tiện - phương thức khai thác và chế biến đất hiếm của Trung Quốc.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my--canada-hop-tac-chien-luoc-dat-hiem-kho-thoat-trung-3394240/