Mỹ cân nhắc khả năng triển khai THAAD tại châu Âu

Quân đội Mỹ vừa tiến hành các vòng thảo luận sơ bộ về kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến (THAAD) tới Đức nhằm nâng cao năng lực phòng thủ của châu Âu trong một diễn biến được lo ngại là sẽ gây nên xáo trộn về quân sự trong khu vực.

Hệ thống THAAD của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Hãng tin Reuters cuối tuần trước cho biết, quyết định triển khai một Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới châu Âu được Mỹ đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump vừa thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và các bên đang thúc đẩy nỗ lực để tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa và phòng không của châu Âu.

Hiện Mỹ và châu Âu vẫn bất đồng quan điểm về số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 (hay còn được biết đến với tên gọi Bản kế hoạch hành động chung toàn diện – JCPOA). Tuy nhiên, cả hai lại cùng chia sẻ mối lo ngại chung về những hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo của Iran.

Hệ thống tên lửa Shahab 3 của Iran được cho là có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 2.000 km, tức là đủ để vươn tới phía Nam châu Âu. Trong khi đó, Lực lượng vệ binh cách mạng Iran cũng đã từng tuyên bố về khả năng sẽ tiếp tục cải thiện tầm bắn của Shabab 3 và lưu ý thêm rằng, đây là một vấn đề phụ thuộc vào học thuyết chiến lược của Iran chứ không phải là một sự hạn chế về công nghệ.

Ông Riki Ellison – một quan chức đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Liên minh Ủng hộ Phòng thủ tên lửa cho rằng, trong nhiều năm qua, Bộ chỉ huy của Mỹ ở châu Âu đã thúc đẩy kế hoạch triển khai THAAD tại châu Âu, tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi bản thỏa thuận hạt nhân Iran đã làm gia tăng tính cấp bách của vấn đề này.

Một quan chức quân sự cấp cao của Đức nhấn mạnh sự cần thiết phải bổ sung thêm radar dọc phạm vi lãnh thổ châu Âu để kịp thời phát hiện và theo dõi các mối đe dọa tiềm tàng cũng như ra tín hiệu đánh chặn nếu cần thiết.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm góc Eric Pahon lại bác bỏ những thông tin trên và cho rằng, hiện Washington không có kế hoạch triển khai THAAD tại Đức. Ông Pahon cho biết, Mỹ hiện đang không thảo luận về kế hoạch quân sự tương lai nào bởi không muốn phát đi tín hiệu để những kẻ thù tiềm năng có thể nắm bắt được ý định của Mỹ. Tuy nhiên, phát ngôn viên này cũng khẳng định rằng Đức vẫn tiếp tục duy trì vị trí là một trong những đối tác thân cận và mạnh mẽ nhất của Mỹ.

THAAD là một hệ thống tên lửa tối tân do tập đoàn Lockheed Martin Corp của Mỹ chế tạo, được trang bị radar Raytheon Co AN/TPY-2 có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Giới quan sát cho rằng, việc triển khai THAAD tại Đức có thể sẽ lấp đầy được khoảng trống do việc trì hoãn kế hoạch xây dựng căn cứ phòng thủ tên lửa Aegis Ashore thứ 2 tại Ba Lan, dự kiến sẽ bắt đầu được đưa vào hoạt động trong năm nay.

Việc triển khai THAAD tại Đức được cho là sẽ giúp bảo vệ các nước đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu, song cũng làm gia tăng mối lo ngại về kịch bản căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. Từ lâu, NATO vẫn khẳng định rằng, các hệ thống radar và tên lửa của tổ chức này không đe dọa tới Nga. Tuy nhiên, Moscow vẫn phản đối mọi kế hoạch xây dựng quân đội tại châu Âu, đồng thời cảnh báo rằng kịch bản quân sự hóa khu vực sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng cho các nước châu Âu./.

Thu Lan (Theo Reuters, Sputnik, PressTV)

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/the-gioi/tin-tuc/my-can-nhac-kha-nang-trien-khai-thaad-tai-chau-au-486167.html