Mỹ cấm Malaysia mở đường bay mới đến Mỹ vì lo ngại về an ninh hàng không

FAA viện dẫn lý do là cơ quan hàng không dân dụng Malaysia còn nhiều thiếu sót trong hàng loạt các khâu, từ chuyên môn kỹ thuật cho đến lưu trữ thông tin.

Ảnh: AirlineReview

Việc Malaysia bị đánh tụt hạng an ninh hàng không khiến cho châu Á trở thành khu vực có nhiều nước bị hạn chế vào không phận Mỹ nhất thế giới.

Cục hàng không dân dụng Mỹ (FAA) mới đây đã hạ xếp hạng an ninh hàng không của Malaysia xuống ngưỡng 2, điều đó đồng nghĩa với việc FAA cấm Malaysia mở thêm các chuyến bay mới đến bất kỳ nơi nào giữa New York và San Francisco. FAA viện dẫn lý do là cơ quan hàng không dân dụng Malaysia còn nhiều thiếu sót trong hàng loạt các khâu, từ chuyên môn kỹ thuật cho đến lưu trữ thông tin.

Malaysia là nước thứ 3 tại châu Á phải chịu quy định này của FAA, hai nước khác cũng phải đương đầu với lệnh cấm tương tự bao gồm Bangladesh và Thái Lan. Những gì đang diễn ra cho thấy thách thức mà các nhà quản lý ngành hàng không nhiều nước phải đối mặt trong việc theo kịp nhu cầu bay tăng trưởng quá nhanh. Ngoài Malaysia chỉ có Costa Rica, Curacao và Ghân bị xếp loại 2.

Chuyên gia phân tích tại Maybank, ông Mohshin Aziz, nói: “Khi mà người tiêu dùng nói đến an toàn bay hạng 2, hẳn nhiều người sẽ bắt đầu nói rằng ồ tôi không muốn bay với các hãng hàng không Malaysia”.

Đánh giá của FAA được dựa trên tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và nó nhắm đến Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia chứ không phải riêng hãng hàng không nào. Đánh giá của FAA đã được sử dụng để chặn các chuyến bay từ Ấn Độ và Indonesia đến Mỹ, an ninh hàng không của nhóm thị trường này chưa được nâng cấp lên hạng 1 trong những năm gần đây.

Giờ đây, Malaysia không thể mở tuyến bay mới đến Mỹ hoặc chia sẻ đường bay mới với các hãng hàng không Mỹ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các chuyến bay đến từ Malaysia sẽ bị kiểm soát chặt hơn tại các sân bay Mỹ dù rằng cho đến nay mới chỉ AirAsiaX bay đến Mỹ.

Quyết định của FAA sẽ có thể gây ra nhiều ảnh hưởng lên một đất nước vốn đã chịu nhiều thiệt hại sau vụ việc máy bay MH 370 biến mất năm 2014, ngoài ra một chiếc máy bay khác bị rơi tại Ukraina. Chuyên gia cho rằng quyết định của FAA có thể khiến cho công chúng thiếu niềm tin vào các hãng hàng không Malaysia, tác động xấu đến hoạt động bảo trì cũng như làm cho phi công, kỹ sư hàng không Malaysia khó tìm được việc ở nước ngoài, đồng thời làm tăng cao chi phí bảo trì và thuê máy bay.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/my-cam-malaysia-mo-duong-bay-moi-den-my-vi-lo-ngai-ve-an-ninh-hang-khong-3527119.html