Mỹ cam kết ngừng thử vũ khí diệt vệ tinh

Chính quyền Mỹ vừa thông báo chấm dứt thử tên lửa diệt vệ tinh (ASAT) phóng từ mặt đất, qua đó trở thành quốc gia đầu tiên công bố lệnh cấm như thế. Giới chức Nhà Trắng nhận định quyết định này nhằm mang đến hy vọng về thiết lập các tiêu chuẩn mới cho động thái quân sự trong vũ trụ.

Phó Tổng Thống Mỹ Harris phát biểu tại căn cứ Vandenberg ngày 18-4. Ảnh: Politico

Phó Tổng Thống Mỹ Harris phát biểu tại căn cứ Vandenberg ngày 18-4. Ảnh: Politico

Thông báo cấm thử nghiệm tên lửa ASAT được Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đưa ra trong chuyến thăm căn cứ lực lượng không gian Vandenberg ở bang California ngày 18-4.

Vấn đề vũ khí ASAT đã trở nên cấp bách hơn khi Nga vào tháng 11-2021 phóng tên lửa tiêu hủy một vệ tinh cũ không còn hoạt động và tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ có thể theo dõi được cùng hàng trăm ngàn mảnh vụn nhỏ hơn. Lúc đó, các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã phải sơ tán đến tàu vũ trụ Soyuz, thực hiện quy trình trú ẩn trong tình huống khẩn cấp. Phó Tổng thống Harris, Chủ tịch Hội đồng Không gian Quốc gia Mỹ, đã phê phán hành động của Nga là “liều lĩnh và vô trách nhiệm”.

Bà Harris nhấn mạnh mảnh vỡ từ những vụ thử tên lửa ASAT không chỉ đe dọa các phi hành gia và lợi ích quân sự của Mỹ mà còn ảnh hưởng đến các vệ tinh thương mại mà thế giới phụ thuộc vào để vận hành các hệ thống dự báo thời tiết, định vị toàn cầu. “Một mảnh vỡ trong không gian có kích cỡ bằng quả bóng rổ bay với tốc độ hàng ngàn km/h sẽ phá hủy một vệ tinh. Thậm chí, một mảnh vỡ nhỏ bằng hạt cát cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng”, bà Harris nói, đồng thời thúc giục các quốc gia khác nhanh chóng “nối gót” Washington cấm thử tên lửa ASAT.

Brian Weeden tại Quỹ An ninh Thế giới mô tả động thái cấm thử tên lửa ASAT của Washington là bước đi đáng kể, bởi nó sẽ gây sức ép buộc Mát-xcơ-va và Bắc Kinh có hành động tương tự. Vào năm 2007, Trung Quốc từng bắn thử vũ khí ASAT, tạo ra nhiều mảnh rác trong không gian. Một năm sau, Hải quân Mỹ phóng tên lửa ASAT và đến năm 2019, Ấn Độ cũng có động thái tương tự nhưng nhằm vào vệ tinh ở độ cao thấp, khoảng 420km.

Lệnh cấm của Mỹ được công bố vài tháng sau khi Phó Tổng thống Harris thông báo trong cuộc họp tháng 12-2021 rằng các quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ hợp tác với Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan khác để phát triển đề xuất về quy tắc an ninh vũ trụ quốc gia.

Ngày càng nhiều tổ chức kêu gọi ngừng bắn phá vệ tinh

Theo Quỹ An ninh Thế giới, tổ chức phi chính phủ ủng hộ sử dụng môi trường không gian bền vững và hòa bình, kể từ thập niên 1960, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã tiến hành hàng chục vụ thử nghiệm vũ khí ASAT trên vũ trụ và tạo ra hơn 6.300 mảnh vỡ. Đến nay, ít nhất 4.300 mảnh vụn trong số này vẫn còn trôi nổi, đặt ra mối đe dọa về lâu dài đối với các chuyến bay của con người, sứ mệnh khoa học và an ninh quốc gia cùng sự phát triển kinh tế trong tương lai của không gian.

Công ty vệ tinh Planet và nhiều tổ chức quốc tế khác gần đây đã hối thúc Mỹ dẫn đầu nỗ lực quốc tế chống lại việc sử dụng tên lửa ASAT tạo ra mảnh vỡ trong không gian. Trong thư ngỏ gửi Chính phủ Mỹ, Will Marshall và Robbie Schingler, những người đồng sáng lập Planet (hãng vệ tinh chuyên cung cấp hình ảnh Trái đất mỗi ngày), cho rằng tên lửa ASAT đe dọa các hoạt động ở quỹ đạo thấp của Trái đất. Các tổ chức quốc tế, trong đó có Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Quỹ An ninh Thế giới, cũng kêu gọi thế giới chú ý đến tương lai dài hạn của không gian.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, CNBC)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/my-cam-ket-ngung-thu-vu-khi-diet-ve-tinh-a145973.html