Mỹ buộc Châu Âu phải cứu Nord Stream-2?

Mỹ đang chuẩn bị áp dụng các biện pháp trừng phạt mới buộc đường ống dẫn khí đốt của Nga trở nên vô dụng.

Ảnh: Alexander Demyanchuk / TASS

Ảnh: Alexander Demyanchuk / TASS

Hạ viện của Quốc hội Hoa Kỳ vừa nhất trí thông qua quyết định thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với các đường ống dẫn khí đốt “Nord Stream 2” và “Stream Thổ Nhĩ Kỳ”.

Giống như trong các trường hợp hạn chế trước đây thì sau đó các nhà thầu nước ngoài sẽ từ chối việc tiếp tục xây dựng. Các biện pháp trừng phạt đã được đưa vào kế hoạch ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ cho năm tài chính tiếp theo, bắt đầu vào ngày 1 tháng Mười.

Tài liệu này quy định về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty nước ngoài tạo điều kiện cho thuê, bán và cung cấp tàu để xây dựng các đường ống dẫn khí đốt.

Như Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo đã tuyên bố trước đó, các hạn chế có thể được kích hoạt trong khuôn khổ Đạo luật “phản kháng lại các đối thủ của Hoa Kỳ bằng biện pháp trừng phạt” (CAATSA), được sửa đổi vào ngày 15/7.

Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án, bao gồm cả nhánh thứ hai của “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, mà những hạn chế này không được áp dụng trước đây, bây giờ cũng có thể nằm trong lệnh trừng phạt.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev gọi hành động của chính quyền Mỹ là hết sức "trắng trợn" và giải thích nguyên nhân của bước đi này là do các dự án của Nga mâu thuẫn với lợi ích của Hoa Kỳ trong thị trường năng lượng toàn cầu, và Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt để đàn áp các đối thủ cạnh tranh.

Lập trường của Washington cũng bị chính quyền Áo và Đức chỉ trích.

Việc sửa đổi ngân sách quốc phòng cho các đường ống dẫn khí vẫn chưa được Thượng viện thông qua, và một dự luật hạn chế có nội dung hơi khác đã được trình lên Thượng viện. Tuy nhiên, nếu được thông qua thì lưỡng viện chỉ phải làm một việc đơn giản là lập ra một ủy ban để phối hợp các sự khác biệt lại với nhau.

Ngoài ra, dự án sẽ phải được Tổng thống Donald Trump ký. Nhưng do đây không phải một tài liệu riêng liên quan đến đường ống dẫn khí, mà về ngân sách quân sự nói chung, cho nên rất có thể cũng như những lần trước, ông ta sẽ không có nhiều sự lựa chọn.

Chỉ có thể hy vọng rằng các nhà chức trách của Liên minh châu Âu, đặc biệt là Đức, có thể thuyết phục đối tác Mỹ và làm dịu đi thái độ của họ.

“Nord Stream-2” đã hoàn thành 94%; nhánh thứ hai của “Stream Thổ Nhĩ Kỳ” đã làm xong một phần và Bulgaria hứa sẽ hoàn thành công việc trên lãnh thổ của mình vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, trước đây, Berlin chỉ phản ứng giới hạn trong các tuyên bố và có thể lần này cũng vậy, Đức cũng sẽ không đi xa hơn những lời hứa sẽ chuẩn bị các biện pháp trừng phạt trả đũa và những cáo buộc can thiệp vào các vấn đề nội bộ châu Âu. Công việc sẽ không tiến triển xa hơn.

Hơn nữa, các nước châu Âu ngày càng có nhiều lựa chọn thay thế cho khí đốt của Nga. Ngoài khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nguồn cung cấp cho EU đang tăng lên thậm chí so với mức giá thấp kỷ lục, đây chính là những nguồn "nhiên liệu xanh" mới.

Ngày 19 tháng 7, chính phủ Israel đã phê duyệt một thỏa thuận khung với các nước châu Âu về việc xây dựng một đường ống khí đốt ngoài khơi để cung cấp cho châu Âu khí đốt tự nhiên lấy từ khu vực Đông Địa Trung Hải.

Dự án liên quan đến việc xây dựng một đường ống dẫn khí trị giá 6 tỷ euro, với chiều dài 1.900 km và công suất ít nhất 10 tỷ mét khối khí mỗi năm, có thể tăng lên nếu cần thiết. Nó sẽ kết nối các khu mỏ ngoài khơi của Síp và Israel với Hy Lạp và sau đó là Ý.

Igor Yushkov, một nhà phân tích hàng đầu của Quỹ An ninh năng lượng quốc gia, giảng viên Đại học tài chính thuộc Chính phủ Liên bang Nga, giải thích rằng nếu các biện pháp trừng phạt đối với đường ống dẫn khí được thông qua ở dạng hiện tại, họ sẽ gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng, thậm chí bao gồm cả lệnh cấm hoạt động.

Nghĩa là, các đường ống, trên thực tế, sẽ trở nên vô dụng. Tuy nhiên,vẫn có một tia hy vọng rằng châu Âu sẽ vận động hành lang cho những thay đổi trong tài liệu này, bởi nếu không sẽ xảy ra xung đột giữa luật pháp của Mỹ và EU.

Hiện vẫn chưa rõ những công thức nào sẽ được thông qua trong dự luật cuối cùng. Ngay cả khi kết thúc quá trình lập pháp, chúng vẫn có thể được sửa đổi, như đã từng xảy ra với tài liệu trừng phạt đầu tiên chống lại “Nord Stream-2”.

Ban đầu, trong văn bản có ghi rằng tổng thống Mỹ có nghĩa vụ áp đặt các biện pháp trừng phạt, nhưng sau đó, từ ngữ này đã thay đổi thành “có quyền áp dụng” các biện pháp trừng phạt.

Những gì sẽ có trong phương thức biểu đạt cuối cùng của các lệnh trừng phạt mới vẫn chưa rõ ràng, bởi vì Đức đang tích cực đấu tranh để các hạn chế chỉ áp dụng cho việc xây dựng.

Nghĩa là, sẽ lặp lại các lệnh trừng phạt năm 2019. Gazprom đã sẵn sàng cho việc này, vì họ hy vọng rằng chỉ có công ty con Gazpromflot của họ mới rơi vào danh sách bị trừng phạt.

Nhưng ở dạng hiện tại, trong dự thảo luật có nêu không chỉ việc xây dựng bị cấm mà còn cấm cả việc bảo trì, chứng nhận, cấp phép và những thứ khác liên quan đến giai đoạn cấp giấy phép cho đường ống đi vào hoạt động.

Điều này rất nguy hiểm cho các nước châu Âu, vì trên thực tế họ sẽ rơi vào các lệnh trừng phạt này.

Nếu Gazprom hoàn thành việc xây dựng “Nord Stream-2” và khi đó, Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt trong phiên bản mới này thì Gazprom sẽ phải yêu cầu các cơ quan quản lý châu Âu cấp giấy phép vận hành đường ống dẫn khí đốt.

Trong luật pháp châu Âu, có một danh mục rõ ràng về những việc cần phải thực hiện để có thể nhận được sự cho phép. Công ty của Nga sẽ thực hiện tất cả các yêu cầu này mà không có bất kỳ vấn đề nào, sau đó cơ quan quản lý châu Âu sẽ có nghĩa vụ cấp giấy phép.

Nhưng trong trường hợp này, chính cơ quan quản lý đó sẽ nằm dưới lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, bởi vì nó bị cấm bởi luật pháp Hoa Kỳ. Nhưng, mặt khác, theo luật pháp châu Âu, cơ quan đó có nghĩa vụ phải làm điều này.

Điều đó chỉ ra rằng pháp luật Mỹ sẽ được ưu tiên hơn luật pháp châu Âu. Đó chính là lý do tại sao Đức đang phải tích cực đấu tranh chống lại các biện pháp trừng phạt này và Thủ tướng Angela Merkel đang tuyên bố về một cuộc xung đột pháp lý.

Nếu như không làm gì thì hóa ra các cơ quan chính quyền châu Âu sẽ rơi vào lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vì đã tuân thủ luật pháp của chính họ, điều này khá lạ lùng.

Nếu các lệnh trừng phạt mới của Mỹ được thông qua theo dạng đã nêu, không phải mọi thứ sẽ phụ thuộc vào Nga. Người châu Âu sẽ phải có một lựa chọn khó khăn – hoặc là tuân thủ luật pháp của họ hoặc luật trừng phạt của Hoa Kỳ, và hiện thời rất khó để nói họ sẽ chọn phương án nào.

Thay vì xung đột với Hoa Kỳ, liệu châu Âu có thể cố gắng tìm nguồn thay thế cho Gazprom không? Ví dụ như, họ đã ký một thỏa thuận với Israel để đặt một đường ống mới ...

Khối lượng của dự án này là nhỏ so với tổng nguồn cung của Nga. Năm ngoái, Gazprom đã cung cấp khoảng 200 tỷ mét khối khí đốt cho châu Âu, năm nay dự báo là 160 tỷ mét khối.

Còn trường hợp đường ống của Israel, chỉ có khả năng cung cấp khoảng 10 tỷ mét khối, và trên thực tế chưa chắc có thể đáp ứng được chỉ tiêu nói trên, vì có thể có vấn đề với cơ sở tài nguyên.

Các nguồn cung cấp sẽ được thực hiện chủ yếu từ khu mỏ Leviathan, nhưng chính quyền Israel quy định rằng trước tiên phải đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong nước, sau đó mới được xuất khẩu khí đốt.

Đây là một vấn đề quan trọng đối với Israel, nhà nước không muốn phụ thuộc vào nguồn cung từ các nước khác, đặc biệt là các nước Ả Rập. Kiểu gì thì dự án này cũng sẽ không thể thay thế hoàn toàn được nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Trước đây, Mỹ từng ủng hộ cả hai tay tất cả các dự án thay thế Nga, nhưng bây giờ những điều này đã trở thành quá khứ. Đối với Mỹ, thì cả Nga, Israel và Azerbaijan đều là những đối thủ cạnh tranh trong thị trường khí đốt châu Âu. Chỉ có điều là chống Nga thì đã có các công thức thuận tiện hơn, còn lúc này chưa cần thiết phải đối phó với Israel và Azerbaijan.

Dù bất luận thế nào, Nga vẫn phải cố gắng hoàn thành dự án. Vẫn chưa rõ chính xác sẽ như thế nào. Các tàu "Fortuna" và "Viện sỹ Chersky" đã nhận được giấy phép làm việc, ngoài ra, còn có thêm hai tàu cung ứng cũng đã đến.

Dường như tàu “Viện sỹ Chersky” đã không được hiện đại hóa và sẽ không tham gia hàn đường ống. Chỉ có "Fortune" là sẽ tiến hành công việc này, vì đã có thiết bị phù hợp với mối hàn theo đường kính yêu cầu.

Sau đó, đường ống đã được hàn sẽ được chuyển sang tàu “Viện sỹ Chersky” để đặt xuống đáy biển, vì “Fortuna” có vấn đề với công việc này.

Hiện thời, “Fortuna” phải đợi đến ngày 3 tháng 8, khi thời hạn nộp đơn kháng cáo để xin giấy phép xây dựng hết hạn. Tất cả các bên đang chờ đợi ngày này và chỉ khi nào các tàu rời cảng mới có thể nói về việc xây dựng “Nord Stream-2” sẽ được hoàn thành như thế nào.

Tất Thịnh (Theo báo Nga “Svobodnaia pressa”)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-buoc-chau-au-phai-cuu-nord-stream-2-3414983/