Mỹ biến khủng bố Taliban thành 'Người bảo vệ hòa bình' Afghanistan?

Mỹ muốn gì khi đàm phán gì với khủng bố Taliban, phớt lờ chính quyền Kabul? Phải chăng Taliban sẽ được hô biến thành 'Người bảo vệ hòa bình' ở Afghanistan?

Ông Trump khoe đàm phán riêng giữa Mỹ và Taliban rất tốt đẹp

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đây đã cho biết rằng, Hoa Kỳ đang có cuộc đàm phán "tốt đẹp" với Taliban – nhóm cực đoan mà trước đây bị chính phủ Afghanistan liệt vào danh sách khủng bố và ngoại trưởng Mỹ mới hồi tháng 3 năm nay vẫn còn gọi Taliban là khủng bố.

"Chúng tôi đang đàm phán rất tốt với Taliban và chúng tôi cũng đang đàm phán rất tốt với chính phủ Afghanistan" - ông Trump nói với các phóng viên trước khi trở về Washington sau nghỉ phép ở New Jersey.

Tổng thống Mỹ cũng lưu ý rằng, mục tiêu của ông là giảm số lượng binh sĩ ở Afghanistan xuống dưới 13 nghìn người và bảo vệ sự hiện diện "rất đáng kể" của lực lượng tình báo ở đất nước này.

Mặc dù ông Trump tuyên bố là Mỹ đang đàm phán với cả Taliban và chính quyền Kabul một cách rất tốt đẹp, nhưng thực tế là Washington đang thực hiện các cuộc đàm phán với Taliban, mà không có sự tham dự của chính phủ Afghanistan.

Hiện nay, Mỹ vẫn đang tiếp tục tuyên bố rằng, chính quyền Kabul nên tham gia vào một giải pháp hòa bình ở trên đất nước này.

Trước đó, cuộc đàm phán giữa phái đoàn Mỹ và Taliban tại Qatar đã được nối lại vào ngày 9 tháng 7, sau khi kết thúc cuộc đối thoại liên Afghanistan ở thủ đô Doha của Qatar. Do kết quả cuộc đàm phán này, Taliban tuyên bố đã đạt được thỏa thuận về một số vấn đề với Hoa Kỳ.

Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã đàm phán với phong trào cực đoan Taliban Afghanistan về ngừng bắn, rút quân đội nước ngoài khỏi đất nước và đàm phán hòa bình với chính phủ ở Kabul.

Ông Trump thực sự muốn rút bớt quân ở Afghanistan về nước?

Sau những cuộc đàm phán này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị cho ông giảm bớt số lượng lính Mỹ ở Afghanistan trước cuộc bầu cử năm 2020.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết, đây là chỉ thị từ đích thân Tổng thống Hoa Kỳ cho ông. Tổng thống Mỹ dứt khoát rằng, cần phải kết thúc cuộc chiến bất tận, giảm cường độ, giảm lực lượng quân đội ở Afghanistan. “Chúng ta sẽ không ở đó nữa” - ông Pompeo dẫn nguyên vẹn lời ông Trump nói với mình tại cuộc họp của Câu lạc bộ kinh tế ở Washington.

Theo ông Pompeo, việc rút quân không chỉ là mong muốn của tổng thống mà còn là một điều cần thiết phải làm, bởi vì nhu cầu của khu vực đối với sự hiện diện của Mỹ ở đó đã giảm. Vì vậy, tổng thống Trump lo lắng về việc mỗi năm Washington vẫn phải chi hàng tỷ dollars cho Afghanistan, nhưng Taliban vẫn tiến hành các cuộc tấn công gần như hàng ngày.

Mỹ sẽ sử dụng Taliban chống khủng bố IS, để rút quân ở Afghanistan về nước

Mỹ sẽ sử dụng Taliban chống khủng bố IS, để rút quân ở Afghanistan về nước

Lầu Năm Góc nói rằng sẽ tốn kém rất nhiều tiền cho việc rút quân, nhưng Trump chỉ thị về việc thỏa thuận sao cho Mỹ vẫn còn có cơ hội tiếp tục các hoạt động chống khủng bố ở Afghanistan.

Và sau đó, các quan chức Lầu Năm Góc buộc phải chấp nhận ý tưởng rằng, Tổng thống Trump sẽ yêu cầu rút ít nhất một phần quân khỏi đất nước này.

Tờ Washington Post nhắc nhở rằng, trong năm đầu tiên nhiệm kỳ, tổng thống đã làm theo lời kêu gọi của các cố vấn của mình và tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan. Giờ đây, sau hai năm không đạt được tiến triển gì, ông Trump quyết định giảm số quân ở Afghanistan.

Mỹ định bắt tay Taliban để đánh...khủng nố IS?

Theo giới phân tích, sự kiện Mỹ muốn rút quân về nước không chỉ đơn thuần là sự thừa nhận sự thất bại của Mỹ trong chiến lược ở châu Á hay sợ tốn kém tiền bạc vô bổ của ông Trump, mà nó có thể còn bao hàm ý nghĩa khác, nằm trong chiến lược mới của Mỹ đối với Afghanistan, trong bối cảnh tình hình ở đất nước này đang có những chuyến biển hết sức phức tạp.

Hôm 19/8, Nhóm phiến quân thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ nổ bom ở lễ cưới ở Kabul, khiến hàng trăm người chết và bị thương - hãng tin Reuters đưa tin có tham chiếu đến tuyên bố của nhóm Hồi giáo cực đoan.

Một vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra lúc 22h40 hôm 17/8 (giờ địa phương, tức khoảng 1h10 giờ Hà Nội, hôm 18/8) tại một trong những sảnh cưới ở phía tây Kabul.

Những kẻ đánh bom tự sát đã kích hoạt thiết bị nổ vào thời điểm, hàng chục người đang ở trong phòng và hàng trăm người đang ở bên ngoài. Vụ khủng bố đã khiến 63 người thiệt mạng, hơn 180 người khác bị thương.

Được biết, vài năm trước, khi Mỹ và sau đó là Nga bắt đầu tham gia vào chiến dịch chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq, IS đã bắt đầu có những động thái di chuyển lực lượng sang Afghanistan.

Thời gian gần đây, các nhóm khủng bố IS đã phát triển lực lượng nhanh chóng, đánh nhau với cả Taliban lẫn quân chính phủ để mở rộng phạm vi kiểm soát, lập các trại và căn cứ huấn luyện, chiếm cứ phần lãnh thổ khá rộng ở Afghanistan, trở thành mối nguy hiểm còn lớn hơn Taliban.

Do đó, giới phân tích nhận định rằng, dường như Washington có ý định bắt tay với Taliban, biến lực lượng này thành lá cờ đầu chống khủng bố IS. Thực hiện kế hoạch này, Mỹ vừa có thể rút bớt quân về, vừa xây dựng được một lực lượng ủy nhiệm địa phương đủ mạnh để chống khủng bố IS.

Nếu điều này xảy ra, lực lượng Taliban sẽ có vai trò giống người Kurd ở Syria, được Mỹ cung cấp vũ khí và tiền bạc, được Mỹ biến thành “lá cờ đầu trong cuộc chiến chống khủng bố IS” và không còn lo ngại sự truy quét của chính phủ Afghanistan.

Nếu được Mỹ hậu thuẫn, trong tương lai, Taliban còn có thể tham chính, trở thành một phần trong cơ cấu chính trị Afghanistan. Con đường của một “tổ chức cực đoan” trở thành “chiến sĩ vì hòa bình” là như vậy đấy!

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-bien-khung-bo-taliban-thanh-nguoi-bao-ve-hoa-binh-afghanistan-3385940/