Mỹ bị đồng minh NATO chiếm mất thị phần vũ khí

Phát biểu hôm 24/5, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak chính thức xác nhận mua UCAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Đài phát thanh Ba Lan 24, việc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện thương vụ máy bay tấn công không người lái (UCAV) đầu tiên với một quốc gia trong chính NATO đã phá vỡ thế độc quyền của Mỹ bấy lâu nay. Bởi hầu hết các thành viên NATO đều đang vận hành những chiếc UCAV do Mỹ sản xuất.

Máy bay Bayraktar TB2.

Máy bay Bayraktar TB2.

"Chúng tôi đã chính thức ký hợp đồng mua 4 bộ hoàn chỉnh, tức là 24 chiếc Bayraktar TB2 và số tên lửa chống cần thiết để chống lại mối đe dọa từ Nga.

Lý do chúng tôi chọn chiếc máy bay này là do chúng đã có kinh nghiệm thực chiến, không bị ràng buộc bởi những yếu tố khác và có giá thành rẻ hơn so với sản phẩm tương đương từ nguồn khác", Bộ trưởng Mariusz Blaszczak nói với Đài phát thanh Ba Lan 24.

Việc Ba Lan mua sắm Bayraktar với mục đích đối phó Nga đã được công bố nhưng giới chuyên gia cho rằng, đây là công việc rất khó khăn của chiếc UCAV này.

Bởi dù đã có kinh nghiệm trong thực chiến nhưng có một sự thật không thể phủ nhận đó là Bayraktar đã bị bắn hạ với số lượng lớn trong xung đột tại Libya và Syria chỉ trong một thời gian ngắn tham chiến.

Báo cáo của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) cho biết, chỉ trong vòng 5 tháng, từ tháng 11/2019 tới tháng 3/2020, tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 đã bắn hạ tới 16 chiếc Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.

"Theo số liệu cung cấp bởi Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Haftar chỉ huy, từ tháng 11/2019 tới tháng 03/2020 đã có tổng cộng 24 máy bay không người lái bị tiêu diệt trên bầu trời Libya.

Theo dữ liệu chính thức, 16 chiếc trong số đó bị bắn hạ bởi các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 do Nga chế tạo", báo cáo của LNA cho biết.

Những máy bay Bayraktar hoàn toàn vô dụng và bất lực không thể chống đỡ được những cú ra đòn sấm sét của Pantsir-S1 khi đang đi săn tìm mục tiêu của LNA nhưng lọt vào tầm hỏa lực của vũ khí phòng không này.

Điều này đã được chứng minh bằng hình ảnh nhiều UCAV Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ khi còn nguyên vũ khí, chưa kịp khai hỏa.

Chỉ với số lượng các tổ hợp Pantsir-S1 ít ỏi có trong tay nhưng lực lượng LNA đã thành công chặn đứng chiến thuật bầy UAV của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến chúng không thể tới được khu vực mục tiêu để khai hỏa vũ khí mang theo nhằm vào các vị trí của những đơn vị do tướng Haftar chỉ huy.

Không chỉ bảo vệ tốt cho quân nhà, các kíp chiến đấu Pantsir-S1 của LNA đang lập kỳ tích khi liên tiếp khi bắn hạ hàng loạt UCAV Thổ Nhĩ Kỳ, bẻ gãy các đợt tập kích đường không của đối phương.

Nếu tính tổng thành tích của Pantsir-S1 và những hệ thống phòng không khác của LNA cộng lại từ cuối năm 2019 đến nay đã có gần 30 chiếc UCAV của Thổ bị bắn rơi khi hậu thuẫn cho Chính phủ hiệp định quốc gia Lybia (GNA).

Số phận của Bayraktar TB2 tại Syria thậm chí còn thê thảm hơn. Dù số lượng bị hạ không nhiều nhưng vũ khí thực hiện những vụ bắn này đều rất cũ và một số có từ thời Liên xô.

Chính vì vậy, giới quân sự Nga cho rằng, đối đầu với Pantir-S1 bản xuất khẩu đã khó, một khi Ba Lan sử dụng Bayraktar với mục đích đối phó Nga, chỉ cần bản nội địa Pantsir cũng đủ tạo nên bức tường lửa khiến chiếc máy bay này khó có thể vượt qua.

Đặc biệt, ngoài vũ khí này, Nga còn có loạt hệ thống phòng không khác được thiết kế chuyên đối phó với các loại máy bay không người lái như gia đình Buk, hệ thống Tor-M2E cùng loạt hệ thống pháo phòng không tối tân khác.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/my-bi-dong-minh-nato-chiem-mat-thi-phan-vu-khi-3432747/