Mỹ bị bỏ lại với 'quân bài tẩy' sau cuộc đàm phán Nga - NATO

Tờ EurAsian Times của Ấn Độ viết rằng Moskva đã nhận thấy mình ở một vị trí thuận lợi sau cuộc đàm phán Nga - NATO và khiến Mỹ bị bỏ lại với 'quân bài tẩy'.

Nhà phân tích của EurAsian Times - ông Prakash Nanda cho rằng Mỹ bị bỏ lại với "quân bài tẩy" sau một loạt cuộc họp cấp cao trong khuôn khổ đàm phán Nga - NATO tại nhiều địa điểm khác nhau. Mục đích sự kiện này nhằm giảm bớt căng thẳng nảy sinh quanh tình hình Ukraine.

Nhà phân tích của EurAsian Times - ông Prakash Nanda cho rằng Mỹ bị bỏ lại với "quân bài tẩy" sau một loạt cuộc họp cấp cao trong khuôn khổ đàm phán Nga - NATO tại nhiều địa điểm khác nhau. Mục đích sự kiện này nhằm giảm bớt căng thẳng nảy sinh quanh tình hình Ukraine.

“Trong quá trình đàm phán, các mâu thuẫn không thể được loại bỏ và cuộc đối thoại đi vào ngõ cụt”, tác giả của bài báo nói nhưng cho biết “Tuy nhiên, có vẻ như Moskva đang nắm giữ tất cả các quân bài”.

Ông Prakash Nanda nhấn mạnh rằng, trở ngại chính trên con đường đạt được thỏa hiệp giữa Nga và Mỹ - quốc gia dẫn đầu khối phương Tây, là khả năng Ukraine gia nhập NATO. Moskva khẳng định rằng Liên minh nên ngừng mở rộng về phía Đông bằng cách tôn trọng các thỏa thuận cũ.

“Người Nga thực sự đúng khi nói rằng các nước NATO đã không dành cho Moskva sự tôn trọng mà một cường quốc xứng đáng có được”, tác giả bài báo bình luận. "Đây là về việc phá vỡ lời hứa của Washington khi Liên Xô cho phép nước Đức thống nhất vào năm 1990".

Những đảm bảo của Washington đã không được giữ, khi Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary gia nhập liên minh vào cuối những năm 1990. Sau đó, các quốc gia vùng Baltic trở thành thành viên NATO.

Tuy nhiên nước Nga hiện đại có quan điểm cứng rắn hơn. Trong thập kỷ qua, việc có thể đưa Ukraine (và Gruzia) vào Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã trở thành mấu chốt của tranh cãi giữa Moskva và Washington.

Chuyên gia Prakash Nanda nhấn mạnh: “Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã nói rõ rằng điều này sẽ không thể xảy ra trong bất kỳ trường hợp nào".

Theo người phụ trách chuyên mục của EurAsian Times, Washington đã mắc một sai lầm chính trị lớn khi dung túng cho việc NATO mở rộng về phía Đông, trái với những gì đã cam kết với Moskva.

Hiện tại, Mỹ đang thực hiện một bước đi sai lầm khác khi Tổng thống Joe Biden đe dọa người đồng cấp Nga Vladimir Putin bằng các lệnh trừng phạt kinh tế "tàn khốc" xung quanh vấn đề Ukraine.

Ông Prakash Nanda làm rõ rằng Nhà Trắng đang ám chỉ khả năng Nga bị cắt khỏi hệ thống thanh toán và chuyển giao thông tin liên ngân hàng quốc tế (SWIFT). Tuy nhiên để làm được điều này, Mỹ sẽ cần sự hỗ trợ của các đồng minh châu Âu.

Tác giả bài báo nghi ngờ rằng kế hoạch chống Nga của ông Biden sẽ thành công. Thứ nhất, Moskva đang chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, nhưng điều này không làm cho chính phủ Nga trở nên nghe lời hơn.

Thứ hai, nước Mỹ có thể sẽ đối mặt với sự miễn cưỡng của châu Âu trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt triệt để nhằm chống lại Liên bang Nga.

Cụ thể, Berlin rõ ràng không hài lòng với việc Mỹ muốn đình chỉ vận hành đường ống Nord Stream 2. Đức lo ngại một cuộc khủng hoảng năng lượng và ủng hộ đối thoại với Moskva. Ngoài ra Pháp cũng không chủ trương trừng phạt khắc nghiệt.

“Bất kỳ hạn chế nào đối với xuất khẩu của Nga sang châu Âu đều sẽ khiến EU phải trả giá đắt”, bài báo của EurAsian Times lưu ý.

Lập trường gây tranh cãi từ các đồng minh lớn ở châu Âu của Mỹ cũng liên quan đến việc họ không hài lòng với tình hình Ukraine và không tìm cách biến Kiev thành đối tác NATO của mình.

Theo nhiều chính trị gia châu Âu, chính quyền Kiev không thực hiện bất kỳ bước đi mang tính quyết định nào để chấm dứt tình trạng tham nhũng trong nước và tiến hành cải cách sâu rộng.

Bên cạnh đó, kế hoạch của Tổng thống Biden có một lỗ hổng khác: Khi đe dọa Nga, ông ta không tính đến vai trò của Trung Quốc.

Chuyên gia Prakash Nanda viết: “Ngoài sự mâu thuẫn về vị thế của châu Âu, còn có một vấn đề khác khiến Nhà Trắng không thể gây áp lực thực sự: các biện pháp trừng phạt cứng rắn chống Nga sẽ không hiệu quả chừng nào Bắc Kinh còn là đồng minh thân cận của Moskva”.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và sẽ không ngừng làm việc với các công ty Nga mà Washington quyết định đưa vào danh sách đen. Ngoài ra, Moskva và Bắc Kinh đang tích cực làm việc để tạo ra một hệ thống thanh toán sẽ trở thành giải pháp thay thế cho SWIFT.

Vì vậy, ngày nay Washington không có đòn bẩy ảnh hưởng thực sự đối với Nga và những lời đe dọa của Nhà Trắng sẽ không gây ra ảnh hưởng đủ sức nặng nào lên Điện Kremlin, Mỹ đã bị bỏ lại phía sau với những "quân bài tẩy" của mình.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/my-bi-bo-lai-voi-quan-bai-tay-sau-cuoc-dam-phan-nga-nato-post493043.antd