Mỹ bắt tay đồng minh, 'đá' Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ

Tổng thống Biden sẽ ký một sắc lệnh đẩy nhanh nỗ lực xây dựng chuỗi cung cứng cho một số sản phẩm công nghệ ít phụ thuộc vào Trung Quốc.

Theo Nikkei Asia, sắc lệnh này sẽ được ký sớm nhất vào tháng này.

Sắc lệnh yêu cầu phát triển một chiếc lược xây dựng chuỗi cung ứng quốc gia và đưa ra các khuyến nghị cho các mạng lưới cung ứng ít chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như thảm họa và lệnh trừng phạt của các quốc gia không thân thiện.

Các biện pháp sẽ tập trung vào chất bán dẫn, pin xe điện, đất hiếm và các sản phẩm y tế.

Cũng theo dự thảo sắc lệnh, Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh để tiến tới một chuỗi cung ứng mạnh mẽ và linh hoạt. Điều này cho thấy các mối quan hệ quốc tế sẽ là trọng tâm trong kế hoạch này.

Mỹ dự kiến sẽ bắt tay với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip. Washington cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Australia trong khai thác đất hiếm.

Mỹ đang tìm cách bắt tay với đồng minh để giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Mỹ đang tìm cách bắt tay với đồng minh để giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Mỹ lên kế hoạch chia sẻ thông tin với các đồng minh trên mạng lưới cung cấp các sản phẩm quan trọng và sẽ tìm cách thúc đẩy sản xuất bổ sung. Washington cũng xem xét một khuôn khổ để chia sẻ nhanh chóng các mặt hàng này trong trường hợp khẩn cấp, cũng như thảo luận về việc đảm bảo kho dự trữ và năng lực sản xuất dự phòng. Các đối tác có thể sẽ được yêu cầu ít làm ăn hơn với Trung Quốc.

Các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng công nghệ trở nên cấp thiết với Mỹ khi tình trạng thiết hụt chip trong năm nay ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất ô tô của nước này.

Theo Tập đoàn Tư vấn Boston, thị phần của Mỹ trong công suất sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã giảm hơn một nửa từ 37% năm 1990 xuống 12%.

Trong bối cảnh thiếu hụt chất bán dẫn, Washington tìm kiếm sự giúp đỡ tới từ Đài Loan - nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các nhà máy ở hòn đảo này đã hoạt động hết công suất và có ít lựa chọn để thúc đẩy nguồn cung trong ngắn hạn.

Boston Consulting dự báo Trung Quốc sẽ sớm vươn lên dẫn đầu thế giới về thị phần vào năm 2030.

Nikkei Asia phân tích, việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc đối với các sản phẩm quan trọng gây ra rủi ro an ninh cho Mỹ.

Mỹ nhập khẩu 80% đất hiếm từ Trung Quốc. Các sản phẩm y tế của Mỹ cũng phụ thuộc tới 90% vào quốc gia tỷ dân.

Giới quan sát nhận định việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng có thể mất nhiều thời gian, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn. Nguyên nhân là bởi số lượng các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới có hạn, các công ty này lại có đòn bẩy để quyết định có nên đi theo Mỹ hay không. Do đó, Mỹ cần có sự hợp tác mật thiết từ các chính phủ khác.

"Theo tôi biết, Mỹ sẽ đánh giá chuyên sâu chuỗi cung ứng của mình để phân loại mức độ phụ thuộc vào từng quốc gia đối với chất bán dẫn và đất hiếm", một nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết.

Từ năm 2020, Mỹ bắt đầu kêu gọi các nền kinh tế giàu tài nguyên hoặc công nghệ như Đài Loan, Nhật Bản và Australia tham gia vào việc tháo gỡ chuỗi cung ứng từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh tiếp tục âm ỉ.

Đài Bắc đã sớm đáp ứng. Các quan chức của Mỹ và Đài Loan hồi tháng 11 ký kết một biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác công nghệ trong bảy lĩnh vực.

Hồi tháng 5/2020, TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới của Đài Loan tuyên bố sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá lên tới 12 tỷ USD ở Arizona (Mỹ). Cơ sở này có thể sẽ trở thành biểu tượng cho mối quan hệ song phương giữa hai bên.

Trong lĩnh vực đất hiếm, Mỹ đang hợp tác với Australia để khắc phục sự thống trị của Trung Quốc. Công ty khai thác đất hiếm Lynas của Australia đang xây dựng một cơ sở chế biến ở Texas với sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Quốc phòng Mỹ.

Pin xe điện cũng là một lĩnh vực cần hành động vì Panasonic và LG của Hàn Quốc đang đánh mất thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc.

Song Hy (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/my-bat-tay-dong-minh-da-trung-quoc-khoi-chuoi-cung-ung-cong-nghe-ar597805.html