Mỹ bất ngờ nối lại đàm phán với Taliban

Chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Afghanistan vào đêm trước ngày Lễ Tạ ơn 2019 của Mỹ (rạng sáng 29-11, giờ Việt Nam) một mặt ủy lạo tinh thần binh sĩ Mỹ, mặt khác để vạch ra chiến lược mới của Mỹ về Afghanistan.

Hoàn toàn bí mật

Theo Washington Post, đây là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump thăm Afghanistan. Tổng thống đã gửi lời chào mừng nhân dịp Lễ Tạ ơn tới lực lượng quân đội Mỹ đang được triển khai tại đây và tuyên bố ông đã nối lại đàm phán hòa bình với Taliban. Đây là một chuyến đi bất ngờ, bởi trước đó, ông Donald Trump đang đi nghỉ cùng gia đình tại Câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach, bang Florida. Ông đã bay từ một sân bay không được tiết lộ ở Florida tới căn cứ không quân Andrew gần Washington, rồi lên chiếc Air Force One và bay trong 13 giờ liền để đến Afghanistan. Đệ nhất phu nhân Melania Trump vẫn ở lại Florida.

Chiếc Air Force One hạ cánh xuống căn cứ Bagram, cách thủ đô Kabul, Afghanistan 25km về phía Bắc vào 8 giờ 30 tối 28-11 (giờ địa phương). Tháp tùng Tổng thống Donald Trump có các trợ lý cấp cao, Thượng nghị sĩ John Barrasso và tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân. Tổng thống Donald Trump có các hoạt động tại căn cứ Bagram khoảng 3,5 giờ trước khi bay trở về Mỹ. Báo chí tháp tùng chỉ được đưa tin vài phút trước khi ông rời Afghanistan. Tổng thống đã trực tiếp tới phục vụ thức ăn cho binh sĩ Mỹ, cùng ăn Lễ Tạ ơn và trò chuyện với họ.

Tiếp tục đàm phán với Taliban

Trong cuộc gặp song phương với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, Tổng thống Donald Trump đã xác nhận sẽ giảm số lượng quân đội Mỹ ở Afghanistan xuống còn 8.600 so với 13.000 quân như hiện nay. Phát biểu với một số phóng viên tại Bagram, Tổng thống Donald Trump cho rằng, do nhiều yếu tố, trong đó có kỹ thuật quân sự ngày càng hiện đại, Mỹ không cần phải đóng nhiều quân ở Afghanistan. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tôn vinh ông Donald Trump là người đã xây dựng chiến lược giúp làm suy yếu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Al-Qaeda.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc duy trì quân đội Mỹ ở Afghanistan. Bởi sau gần 2 thập niên giao tranh, hàng tỷ USD viện trợ và hơn 2.000 sinh mạng binh sĩ Mỹ nhưng tình hình an ninh ở quốc gia này vẫn không được cải thiện. Taliban vẫn là một mối nguy lớn với ước tính từ 40.000 - 60.000 chiến binh, kiểm soát nhiều vùng xa xôi của Afghanistan.

“Taliban muốn thỏa thuận và chúng tôi đang gặp gỡ họ”, ông Donald Trump nói với các phóng viên ở Afghanistan. Theo Reuters, các nhà lãnh đạo Taliban cho biết nhóm này một lần nữa đã tổ chức các cuộc họp với các quan chức cấp cao của Mỹ tại Doha kể từ cuối tuần trước, và họ có thể sớm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình chính thức.

Trước đó, vào tháng 9, Mỹ và Taliban đã gần đạt được một dự thảo hiệp định, theo đó Mỹ sẽ rút hàng ngàn binh sĩ để đổi lấy sự đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không được sử dụng làm căn cứ cho các cuộc tấn công của phiến quân vào Mỹ hoặc các đồng minh. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Taliban và Mỹ đã sụp đổ vào tháng 9 sau khi ông Donald Trump ngừng cuộc họp theo kế hoạch với các nhà lãnh đạo Taliban, dự kiến diễn ra tại trại David ở Mỹ với lý do Taliban gia tăng bạo động ở Afghanistan. Đại diện lực lượng quân đội Mỹ đóng ở Afghanistan cho biết, Mỹ đã tăng cường các cuộc oanh kích và tấn công gây áp lực buộc Taliban trở lại bàn đàm phán.

Hy vọng cho hòa bình đã tăng vào đầu tháng 11 này, khi Taliban thả các con tin người Mỹ và Australia. Tổng thống Ashraf Ghani nhấn mạnh sự cần thiết phải dừng cuộc chiến sau khi gặp Tổng thống Donald Trump. Ông Ashraf Ghani viết trên Twitter: “Nếu Taliban chân thành trong cam kết đạt được thỏa thuận hòa bình, họ phải chấp nhận ngừng bắn”.

THỤY VŨ tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/my-bat-ngo-noi-lai-dam-phan-voi-taliban-631791.html