Mỹ bất ngờ điều 'Ác điểu' F-22 hủy diệt Taliban tại Afghanistan

Không quân Mỹ lần đầu triển khai các máy bay F-22 để tiêu diệt cơ sở chế tạo ma túy và trung tâm chỉ huy của Taliban tại Afghanistan.

"Trong 24 giờ qua, lực lượng Mỹ và Afghanistan đã thực hiện các chiến dịch hiệp đồng để tiêu diệt 7 cơ sở chế ma túy và một trung tâm chỉ huy của Taliban ở phía bắc tỉnh Helmand", Aviationist dẫn thông cáo của NATO hôm 20-11.

Trong cuộc tấn công này, không quân Mỹ lần đầu triển khai tiêm kích tàng hình F-22 để tấn công mục tiêu tại Afghanistan, bên cạnh oanh tạc cơ B-52, máy bay không người lái và pháo phản lực phóng loạt HIMARS. Những chiếc F-22 được trang bị bom thông minh cỡ nhỏ (SDB) GBU-39 để tiêu diệt mục tiêu.

Tiêm kích tàng hình F-22 lần đầu tham gia thực chiến vào ngày 23-9-2014 khi tiêu diệt các mục tiêu phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.

Chiến đấu cơ F-22 Raptor là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên vào biên chế trên thế giới.

Độ cơ động đỉnh cao, thiết bị điện tử tân tiến, khả năng tấn công tầm xa, cùng tính năng tàng hình cực đỉnh đã biến F-22 thành chiến đấu cơ không đối thủ trong thời điểm hiện tại.

Có 187 chiếc F-22 được chế tạo và biên chế vào lực lượng không quân Mỹ. Hiện nay đang có một số đề xuất từ các nghị sĩ Mỹ, nhằm cho phép việc tái sản xuất loại chiến đấu cơ này để duy trì ưu thế tuyệt đối trước các đối thủ.

F-22 mang biệt danh Raptor nghĩa là “Chim ăn thịt” có chuyến bay đầu tiên vào năm 1997, chính thức đi vào biên chế năm 2005.

F-22 Raptor sở hữu những công nghệ đi đầu trong lĩnh vực hàng không quân sự thế giới, như: khả năng tàng hình; có thể bay hành trình với vận tốc siêu âm mà không cần đốt tăng lực động cơ lần 2; được trang bị một radar mảng pha chủ động tiên tiến thế hệ mới, mạnh nhất hiện nay.

F-22 Raptor có kỹ thuật tàng hình cực đỉnh. Khả năng phản hồi radar của F-22 chỉ 0,000m2 trong khi của máy bay tàng hình Su-57 Nga lên tới 0,5m2.

Sự tàng hình đỉnh cao của F-22 Raptor chính là việc vỏ máy bay được cấu tạo từ 39% ti tan, 24% composite, 16% nhôm

Titan được sử dụng với khối lượng lớn để chịu lực và chịu nhiệt cho các chi tiết trọng yếu. Sợi composite các bon được sử dụng để bao bọc khung thân, cửa hút khí, cánh máy bay giúp gia tăng khả năng tàng hình.

F-22 Raptor dài 18,9m, sải cánh 13,6m, cao 5,10m, trọng lượng rỗng 19,7 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 38 tấn.

Trong mỗi lần xuất kích, F-22 có thể mang hai quả bom dẫn đường JDAM nặng 500 kg, cùng tên lửa đối không tầm trung AIM-120 và tầm gần AIM-9 để tự vệ

Sau khi được nâng cấp lên gói 3.1 hồi năm 2012, mỗi tiêm kích F-22 có khả năng trang bị 8 quả bom GBU-39, mỗi quả có khối lượng 110 kg, được trang bị nhiều loại đầu nổ khác nhau như nổ mảnh và xuyên phá. Kích cỡ nhỏ và hệ thống dẫn đường hiện đại giúp GBU-39 đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao, đồng thời tránh gây thiệt hại phụ cho người và công trình xung quanh.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-my-bat-ngo-dieu-ac-dieu-f22-huy-diet-taliban-tai-afghanistan/749120.antd