Mỹ bất lực nhìn Iraq, Iran công khai 'đi cửa sau'?

Những nỗ lực của chính quyền Iraq, nhằm cân bằng quan hệ với cả Mỹ và Iran, đang ngày càng trở nên công khai.

Chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp mặt các quan chức Iraq trong khuôn khổ chuyến công du tới Trung Đông nhằm tìm kiếm giải pháp ngăn chặn ảnh hưởng của Tehran trong khu vực, Iran và Iraq đã có cuộc gặp gỡ với mục đích tăng cường mối quan hệ song phương.

Hôm thứ Năm (10/1), trong cuộc gặp với Bộ trưởng dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh, Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi "khẳng định mối quan hệ sâu sắc giữa hai quốc gia, hai dân tộc láng giềng và tầm quan trọng của việc củng cố những điều này trong các lĩnh vực đem lại lợi ích cho hai dân tộc, mà trước hết là hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt".

Văn phòng Thủ tướng Iraq cũng cho biết, Bộ trưởng Zangeneh "bày tỏ niềm tự hào của đất nước mình về mức độ quan hệ với Iraq và mong muốn được phát triển nó, đồng thời hy vọng đạt được nhiều thành tựu hợp tác hơn cũng như đáp ứng được nhu cầu khí đốt của Iraq".

Trước đó một ngày, hôm thứ Tư (9/1), Thủ tướng Abdul-Mahdi cũng đã gặp mặt Ngoại trưởng Mike Pompeo. Hai bên thảo luận về "sự hỗ trợ của Mỹ giúp Iraq độc lập về năng lượng", cùng một số vấn đề khác.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ Tổng thống IraqBarham Salih

Hai quốc gia Hồi giáo dòng Shiite láng giềng Iran và Iraq có một lịch sử không hề yên ả và trở nên bạo lực sau khi nổ ra cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm. Mỹ được cho là đã lặng lẽ "chống lưng" cho cả hai bên, bất chấp vẫn coi hai nước là đối thủ. Mối quan hệ Iran – Iraq chỉ bắt đầu dịu lại từ năm 2003 với sự can thiệp quân sự của Mỹ, dẫn tới việc Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị lật đổ. Thay thế ông Hussein là một nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Sunni trong khi người Shiite lại chiếm đa số trong bộ máy chính quyền. Điều này vô hình chung đã kéo xích Baghdad lại gần hơn chính phủ tại Tehran.

Iraq không giấu giếm nỗ lực cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Iran. Cả hai nước này đều đóng góp đáng kể vào cuộc chiến đánh bại nhóm khủng bố Hồi giáo IS. Mặc dù vậy, Washington liên tục cáo buộc Iran tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố thông qua việc ủng hộ cho một số phong trào Hồi giáo của người Shiite trong khu vực. Trong khi đó, Tehran chỉ trích Mỹ đã cố tình gây bất ổn Trung Đông với "cuộc chiến khủng bố" 17 năm và tiếp tục "chống lưng" cho Israel.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran thực sự bắt đầu xói mòn sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, được ký kết giữa Iran, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh và Mỹ. Những lệnh trừng phạt từng được miễn trừ do Iran tuân thủ theo các quy định hạn chế sản xuất hạt nhân, giờ đây lại được Mỹ áp dụng lại. Điều này càng khiến cho nền kinh tế vốn đã chớm khủng hoảng của Iran phải đối mặt thêm nhiều khó khăn.

Iran và Iraq muốn tăng cường quan hệ hợp tác đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt

Tháng 12/2018, Mỹ gia hạn thêm 30 ngày để Iraq tuân theo lệnh cấm vận liên quan tới Iran (Iraq dựa vào nguồn cung điện và khí đốt tự nhiên từ nước láng giềng). Tuy nhiên, tuần trước, hãng tin Middle East Eye dẫn lời Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari phát biểu, Baghdad "không có nghĩa vụ" phải tuân theo các biện pháp của Washington. Theo Reuters, hôm thứ Năm, Bộ trưởng Iran Zangeneh gọi các lệnh trừng phạt của Mỹ là "bất hợp pháp". Mặc dù vậy, cùng ngày, người đồng cấp đến từ Iraq, Thamer al-Ghadhban cho biết, hai nước không ký kết bất kỳ thỏa thuận khai thác dầu mỏ chung nào.

Hãng thông tấn chính thức của Cộng hòa Hồi giáo đưa tin, xuất khẩu khí gas của Iran sang Iraq đặt 15 triệu mét khối/ngày, và có kế hoạch tăng lên tới 40 triệu mét khối.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ tới Iraq gây sự chú ý bởi Iran không được trực tiếp đề cập tới trong bất kỳ thông cáo công khai nào, bất chấp việc ông Pompeo từng nhắc tới cuộc cách mạng chống Iran giữa Mỹ và các đồng minh, trong cuộc họp báo ngày 8/1 tại Jordan. Tới thăm lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Erbil, miền bắc Iraq, ông Pompeo cho hay, Mỹ và Iraq "cùng hiểu rằng cuộc chiến chống lại IS, đối phó với IS và cuộc chiến đối phó Iran là có thực, quan trong, đồng thời là điều mà tất cả mọi người đều phải tham gia".

Theo tờ National, Ngoại trưởng Mỹ cũng nhắc tới "Iran" và "người Iran" nhiều hơn, khi mô tả Tehran là "một kẻ thù chung" của Mỹ và các nước khác trong khu vực, trong một bài phát biểu sau đó tại Cairo, Ai Cập.

Mặc dù có mối quan hệ thân cận với Mỹ, Iraq vẫn duy trì lập trường gần gũi với Nga và láng giềng Syria. Với sự ủng hộ của Nga, Iran và ở mức độ nào đó là cả từ Iraq, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã giành lại được phần lớn lãnh thổ đất nước, và bắt đầu tái thiết quan hệ ngoại giao với các nước Arab "hàng xóm".

Tuần trước, Thủ tướng Iraq đã đề nghị Liên đoàn Arab tái công nhận Syria. Vai trò thành viên của nước này từng bị hủy bỏ vì cáo buộc vi phạm nhân quyền năm 2011. Yêu cầu trên được đưa ra sau khi Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Iraq Falih al-Fayadh cho biết, ông Assad đã được Baghdad chấp thuận để tiến hành tấn công các mục tiêu IS tại biên giới giữa hai nước, nơi những nhóm vũ trang người Shiite do Iran "chống lưng", đang chiến đấu chống lại nhóm khủng bố từ lâu trước đó.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/my-bat-luc-nhin-iraq-iran-cong-khai-di-cua-sau-20190111122249437.htm