Mỹ bắt đầu sản xuất máy bay 'vô hình' trước radar Nga

Nhà thầu quốc phòng Mỹ Northrop Grumman đã bắt đầu sản xuất B-21 Raider - oanh tạc cơ thế hệ mới có thể 'vô hình' trước radar phòng không Nga.

Việc Mỹ bắt đầu sản xuất B-21 được Tham mưu trưởng không quân Mỹ David Golfein cho biết: "Quá trình chế tạo oanh tạc cơ B-21 đầu tiên đang diễn ra tại nhà máy số 42 của tập đoàn Northrop Grumman ở bang California. Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ công việc sản xuất máy bay và phần mềm hỗ trợ chuyến bay thử nghiệm đầu tiên".

Máy bay B-21.

Máy bay B-21.

Nói về B-21, nhà sản xuất Northrop Grumman tuyên bố, khi hoàn thành thử nghiệm và chính thức đi vào hoạt động, B-21 sẽ là máy bay đầu tiên trên thế giới có thể "vô hình" trước hệ thống radar phòng không của đối phương.

Công nghệ tàng hình hiện có chủ yếu tập trung đối phó với các radar điều khiển hỏa lực tần số cao, bước sóng ngắn. Trong khi đó, các radar trinh sát tần số thấp, bước sóng dài có thể phát hiện máy bay tàng hình.

Khái niệm thiết kế của B-21 có thể tàng hình trước hai loại radar tần số thấp và cao. Ý tưởng của chương trình B-21 là phát triển một máy bay ném bom có thể tấn công bất kỳ nơi đâu trên thế giới mà kẻ thù không phát hiện ra.

Máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit đã làm được điều tương tự trong nhiều năm, cho đến khi các tiến bộ công nghệ phòng không khiến cho B-2 khó khăn hơn để tàng hình hoàn toàn.

Hiện nay, những hệ thống phòng không tối tân được trang bị bộ vi xử lý nhanh hơn, kết nối mạng kỹ thuật số, cảm biến có khả năng phát hiện máy bay tàng hình từ khoảng cách rất xa. Chính vì vậy, Không quân Mỹ yêu cầu Northrop Grumman phải phát triển B-21 với khả năng vượt qua những hệ thống phòng không tinh vi nhất.

Trong khi Mỹ rất tự tin về khả năng tàng hình hoàn toàn của B-21 thì hãng Sputnik dẫn nhận định của giới quân sự Nga khẳng định, trên thế giới không sử dụng thuật ngữ "vô hình" trong việc ứng dụng công nghệ tàng hình. Không thể sử dụng các phương tiện hiện đại để biến máy bay hay tên lửa thành vô hình.

Có thể nói bất cứ chiếc máy bay nào đều có điểm yếu. Tốc độ và sự linh hoạt, trọng lượng mang và tầm hoạt động, hệ thống phát hiện mục tiêu và bảo vệ trước tên lửa phòng không - để chế tạo một chiếc máy bay, tất cả các yếu tố xung đột này đều quan trọng và được tích hợp trong một tổng thể, vì thế phải hy sinh bớt nhân tố này vì nhân tố kia.

Trường hợp của F-117 là ví dụ dễ hình dung bởi khả năng tàng hình, đã hy sinh nhiều thứ. Được chế tạo theo mô hình "cánh bay", máy bay này không linh hoạt và không đạt tốc độ siêu âm. Night Hawk không có radar và các hệ thống chiến tranh điện tử.

Vì vậy nó dễ bị tấn công từ trên không và dưới mặt đất. Dù sử dụng hệ thống tự động và điều khiển bằng những phi công kinh nghiệm nhất, 6/64 chiếc F-117 được chế tạo đã rơi khi bay huấn luyện. Do những nhược điểm này và chương trình quảng cáo thất bại, năm 2008, Night Hawk đã bị rút khỏi phiên chế. Nó được thay bằng tiêm kích F-22 và F-35.

So sánh khả năng tàng hình của F-35 với tính năng của hệ thống phòng không S-400 Triumph, người đứng đầu trung tâm phân tích Air Power Australia, Carlo Kopp, cho biết máy bay chiến đấu Mỹ có thể dễ dàng bị hệ thống phòng không của Nga bắn hạ.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, công nghệ tàng hình kém hiệu quả hơn trước các radar hoạt động ở dải X-band (8-12 GHz), và radar bước sóng siêu ngắn (30 MHz-3 GHz) có thể thấy rõ máy bay tàng hình. Hiện nay, loại radar với công nghệ như vậy đã được Nga đưa vào hoạt động.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-bat-dau-san-xuat-may-bay-vo-hinh-truoc-radar-nga-3384033/