Mỹ bắt đầu quay lại WHO như thế nào?

Ngày 21/1, Mỹ thông báo sẽ tiếp tục tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong bối cảnh tân Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy chính sách hướng đến hợp tác quốc tế lớn hơn trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Ông Fauci (trái) tham gia cuộc họp trực tuyến của WHO hôm 21/1. (Nguồn: UN News)

Ông Fauci (trái) tham gia cuộc họp trực tuyến của WHO hôm 21/1. (Nguồn: UN News)

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến của WHO một ngày sau khi ông Biden nhậm chức và tuyên bố đảo ngược quyết định rút khỏi WHO của người tiền nhiệm Donald Trump, Cố vấn y tế hàng đầu của chính phủ Mỹ Anthony Fauci xác nhận Mỹ sẽ tiếp tục đóng góp những khoản tiền lớn vào ngân quỹ của WHO.

Ông Fauci nêu rõ: "Trong những tình huống khó khăn, WHO đã tập hợp được cộng đồng khoa học, nghiên cứu và phát triển để đẩy nhanh việc điều chế vaccine, các liệu pháp và cách thức chẩn đoán bệnh".

Trước đó, ông Fauci đã thông báo quyết định của Mỹ tiếp tục là thành viên của WHO và cảm ơn tổ chức này về việc lãnh đạo công tác ứng phó với đại dịch toàn cầu Covid-19.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ hoan nghênh quyết định này của Mỹ.

Bên cạnh việc chuyển hướng chính sách chống dịch Covid-19 tập trung vào hợp tác quốc tế, tân Tổng thống Biden ngày 21/1 đã công bố chiến lược chống dịch quốc gia, trong đó ưu tiên thúc đẩy việc tiêm chủng, xét nghiệm và tập trung vào khía cạnh khoa học.

Kế hoạch này đặt ra một số mục tiêu như khôi phục niềm tin của người dân Mỹ, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và giảm thiểu sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 bằng cách bắt buộc đeo khẩu trang và xét nghiệm, cũng như củng cố lực lượng y tế.

Kế hoạch này cũng sẽ mở rộng hỗ trợ khẩn cấp cho người dân; mở cửa lại trường học, doanh nghiệp và du lịch một cách an toàn; bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất; thúc đẩy bình đẳng sắc tộc và khôi phục vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ với tinh thần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các đại dịch trong tương lai.

Chính quyền mới cũng kỳ vọng Quốc hội thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD phòng, chống Covid-19, trong đó 20 tỷ USD để mua vaccine và 50 tỷ USD dành cho công tác xét nghiệm.

Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, với hơn 405.000 ca tử vong. Các mô hình dự đoán của chính phủ Mỹ cho thấy, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh có thể xâm nhập Mỹ và làm gia tăng các ổ dịch Covid-19 trong những tháng tới.

Trong bài phát biểu quan trọng sau lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1 tại Đồi Capitol, tân Tổng thống Biden đã đưa ra thông điệp kêu gọi toàn thể người dân Mỹ đoàn kết để đưa nước Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử hiện nay, đồng thời cam kết ông sẽ là Tổng thống của tất cả người dân Mỹ, kể cả những người không ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử vừa qua.

(theo UN News)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-bat-dau-quay-lai-who-nhu-the-nao-134572.html