Mỹ bắt công ty bán thiết bị an ninh Trung Quốc nhưng dán mác sản xuất tại Mỹ

Công tố viên Mỹ buộc tội một công ty New York vì nhập khẩu và bán trái phép thiết bị an ninh, giám sát từ Trung Quốc nhưng lừa dối xuất xứ với khách hàng.

Luật sư Richard Donoghue công bố các tội danh của Aventura Technologies. Ảnh: AP

Luật sư Richard Donoghue công bố các tội danh của Aventura Technologies. Ảnh: AP

Aventura Technologies có trụ sở tại New York, Mỹ. 7 nhân viên hiện tại và nhân viên cũ của công ty đều bị truy tố. 6 trong số này đã bị bắt giữ, trong đó có Jack Cabasso, người được cho là chủ mưu. Cabasso không được quyền bảo lãnh trong khi 5 người khác, bao gồm vợ Frances Cabasso, được tại ngoại.

Theo công tố viên, bị đơn lừa khách hàng rằng sản phẩm của Aventura được sản xuất tại Mỹ nhưng thực chất lại được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Hành vi diễn ra từ năm 2006 đến tháng 11/2019. Một số sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ an ninh mạng.

Khách hàng lớn nhất của Aventura là một số cơ quan chính phủ như quân đội, hải quân và không quân. Công ty cũng bán hàng cho vài doanh nghiệp tư nhân và kiếm được 88 triệu USD từ năm 2010.

Mô tả trên website cho biết Aventura thành lập năm 1999, cung cấp phần cứng, phần mềm và thiết bị ngoại vi bảo mật cho chính phủ, quân đội và doanh nghiệp. Theo đơn kiện, đôi khi công ty bán hàng Trung Quốc nhưng dán mác “Made in U.S.A”.

Luật sư Richard Donoghue chia sẻ chính phủ bắt đầu điều tra sau khi một nhân viên của bộ phận an ninh không quân nhìn thấy hình ảnh huy hiệu dịch vụ an ninh Trung Quốc trong phần mềm của thiết bị. Jack Cabasso còn dùng hình ảnh công nhân tại nhà máy Trung Quốc giả làm dây chuyền lắp ráp của mình.

Công tố viên nói rằng cho tới cuối năm 2018, Aventura đã bán 20,7 triệu USD thiết bị an ninh cho chính phủ Mỹ thông qua hợp đồng Cơ quan dịch vụ công.

Họ cũng cáo buộc Aventura lừa dối khi tuyên bố là “doanh nghiệp nhỏ do nữ sở hữu” để thắng hợp đồng của chính phủ dành cho loại hình doanh nghiệp này. Đơn kiện chứa các bằng chứng liên lạc cho thấy bị đơn biết về việc nhập khẩu trái phép.

Chẳng hạn, tin nhắn bị đơn Eduard Matulik, Giám đốc bán hàng quốc tế, gửi cho đồng nghiệp có viết: “Tôi sẽ tới Trung Quốc vì tôi cần phải biết chúng ta đang bán gì” và “Jack không có thời gian còn chúng ta bây giờ còn không biết đang bán cái gì”.

Năm 2018, Cabasso email cho nhân viên của đối tác Trung Quốc, nhấn mạnh phải có biện pháp bảo đảm không thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ông ta viết “vấn đề lớn nhất” là khách hàng có thể nhận thấy dấu hiệu của đối tác trên bảng mạch và yêu cầu họ che giấu chúng.

Theo công tố viên, Jack Cabasso không nên được bảo lãnh tại ngoại do tài sản, liên hệ với nước ngoài và “lịch sử phạm tội dài”, dẫn tới nguy cơ có thể bỏ trốn khỏi Mỹ. Họ đã tịch thu 3 triệu USD và du thuyền hạng sang từ Cabasso nhưng tin rằng ông ta còn nhiều tài sản giá trị khác ở ngoài nước.

Du Lam (Theo Reuters)

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/kinh-doanh/my-bat-cong-ty-ban-thiet-bi-an-ninh-trung-quoc-nhung-dan-mac-san-xuat-tai-my-192256.ict