Mỹ bán F-35 của Thổ cho Hy Lạp: Mũi tên nhiều đích

Theo giới phân tích, việc Mỹ quyết định bán cho Hy Lạp số máy bay F-35 Lightning II sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ là mũi tên nhắm vào nhiều đích.

Mỹ bán F-35 Thổ Nhĩ Kỳ cho Hy Lạp

Tin được đăng trên trang Greek City Times của Hy Lạp dựa theo các nguồn báo chí địa phương, Hoa Kỳ đã quyết định bán máy bay chiến đấu F-35 Lightning II dành cho Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang bị Mỹ trừng phạt vì mua hệ thống phòng không Nga S-400 Triumph - cho đối thủ của họ là Hy Lạp.

Theo tờ báo, vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bay tới Athens để thảo luận về vấn đề này. Tổng cộng, Mỹ có kế hoạch bán cho nước này 20 chiếc, 6 chiếc trong số đó từng dự định bán cho Ankara. Ngoài ra, Hy Lạp cũng sẽ mua thêm sáu máy bay chiến đấu Rafale của Pháp.

Giải pháp này đang được thảo luận tại Thượng viện Hoa Kỳ. Nó liên quan đến việc phía Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt hệ thống tên lửa phòng không S-400 Trimuph mua từ Nga. Mỹ cũng đang xem xét chuyển căn cứ quân sự Incirlik của họ từ Thổ Nhĩ Kỳ sang đảo Crete.

Cuộc thử nghiệm hệ thống phòng không mua của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ngày 16 tháng 10. Trong quá trình thử nghiệm, ba tên lửa đã được phóng đi, thành công đánh chặn ba mục tiêu. Dự đoán rằng mục tiêu giả tưởng để thử nghiệm hệ thống S-400 Triumph của Thổ Nhĩ Kỳ là máy bay không người lái Banshee do Anh sản xuất.

Hồi đầu tháng 10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về những hậu quả nghiêm trọng nếu nước này triển khai các tổ hợp S-400 của Nga.

Theo bà, Washington hy vọng rằng các tổ hợp này sẽ không được sử dụng và nếu nó được sử dụng, Ankara sẽ phải chịu hậu quả nặng nề và hiện nay, Mỹ đang thể hiện rõ lập trường cứng rắn đó.

Mỹ đã quyết định bán cho Hy Lạp số F-35 đã sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ

Mỹ đã quyết định bán cho Hy Lạp số F-35 đã sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ

Hy Lạp: Nòng cốt trong liên minh mới kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ có một mối quan hệ kỳ lạ. Họ là đồng minh của nhau trong khối NATO nhưng có lịch sử xung đột và cạnh tranh kéo dài trên tất cả các lĩnh vực, từ tranh chấp chủ quyền đến xung đột vì các quốc gia phụ thuộc, hay là trong vấn đề người nhập cư vào châu Âu…

Hiện nay, Hy Lạp đang trở thành nòng cốt trong một định dạng liên khu vực mới được gọi là “Liên minh 7+3” hoặc “Block 7+3”, tức là một liên minh giữa các nước Ả rập và các quốc gia xung quanh Địa Trung Hải. Khối này có thể bao gồm Pháp, Ý, Hy Lạp, Síp, Israel, Ai Cập, Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Libya (không bao gồm các lực lượng cực đoan).

Theo giới phân tích phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện tham vọng địa-chính trị, can thiệp vào nhiều quốc gia, tạo ra mối đe dọa tiềm tàng có thể ảnh hưởng tới tương lai của khu vực Trung Đông-Địa Trung Hải, gây nguy hại cho chính sách của Mỹ và châu Âu.

Ngoài ra, chính quyền Ankara đang mở rộng các định dạng hợp tác, bắt tay với kể cả các “kẻ thù” của NATO và châu Âu, dẫn tới nguy cơ “chệch hướng phương Tây”, đòi hỏi phải có một cơ chế kiềm chế hữu hiệu.

Do đó, Mỹ hiện đang siết chặt các lệnh trừng phạt đối với nước này, bao gồm cả việc không giao F-35 Lightning II cho Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, việc Mỹ bán số máy bay này cho Hy Lạp là một mũi tên nhắm vào nhiều đích, trước hết là cảnh cáo ông Erdogan rằng, Mỹ sẽ làm thật chứ không chỉ nói suông; thứ hai là ngăn không cho S-400 có cơ hội tiếp cận với F-35, làm giảm sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ; thứ ba là gia tăng sức mạnh cho Athens để kiềm chế Ankara.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-ban-f-35-cua-tho-cho-hy-lap-mui-ten-nhieu-dich-3421674/