Mỹ-Ba Lan hợp sức đánh chặn tên lửa hành trình Nga

Để tăng cường khả năng đối phó với tên lửa hành trình Nga, Mỹ đã hợp tác cùng đồng minh Ba Lan phát triển hệ thống tên lửa mới.

Chương trình được thực hiện với sự tham gia của nhà thầu Raytheon, Mỹ và Bộ Quốc phòng Ba Lan nhằm tạo ra một hệ thống phòng thủ tầm ngắn và tầm trung đủ mạnh để ngăn chặn được tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo.

Dự án được thực hiện làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, công việc sản xuất tại Ba Lan sẽ có sự tham gia của Mỹ và được đặt dưới sự giám sát của chuyên gia Mỹ. Ở giai đoạn tiếp theo, công việc này chủ yếu do Ba Lan đảm nhiệm.

Phòng thủ Mỹ khai hỏa.

Phòng thủ Mỹ khai hỏa.

Theo một số thông tin được tiết lộ, hệ thống có khả năng đánh chặn tên lửa ở cự ly từ 40-300km và sử dụng tên lửa SkyCeptor.

Loại tên lửa này dùng nhiên liệu rắn 2 giai đoạn, có khả năng điều chỉnh quỹ đạo ở pha giữa, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

Tên lửa SkyCeptor được trang bị 2 loại đầu tự dẫn kết hợp giữa radar và cảm biến quang điện. Phương pháp kết hợp này nâng cao khả năng đánh chặn của tên lửa. Theo đó, 2 đầu tự dẫn sẽ bổ sung cho nhau nếu một trong hai gặp sự cố hoặc bị gây nhiễu nặng.

Được thiết kế để thực hiện đòn đánh chặn hit-to-kill, hệ thống có khả năng đối phó hiệu quả với các mối đe dọa đến từ tên lửa và máy bay của đối phương. Hệ thống đánh chặn mới có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo Shahab của Iran và Scud nếu tên lửa hoạt động ở quỹ đạo thấp, trong đó có tên lửa hành trình.

Mỗi bệ phóng của hệ thống phòng thủ mới được trang bị tới 16 tên lửa, cùng với một trạm radar tìm kiếm mục tiêu và kiểm soát hỏa lực hiện đại. Hệ thống sử dụng radar quét mạng pha điện tử, radar AESA - radar có khả năng phát hiện nhận biết các mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa đánh chặn một cách chính xác, hệ thống có khả năng tham chiến với nhiều mục tiêu cùng lúc.

Một số nguồn tin cho biết, hệ thống phòng thủ mới này là một phần trong hệ thống phòng không nhiều tầng được Mỹ và đồng minh Ba Lan đang phát triển cùng với hệ thống Patriot PAC-3 Mỹ đã đồng ý bán cho quốc gia Baltic này.

Những vũ khí này tạo thành chiếc ô phòng thủ vững chắc có thể chặn đứng đòn tấn công từ tên lửa hành trình của Nga trong một cuộc xung đột tiềm tàng.

Sự lo lắng của Mỹ và Ba Lan không phải là thừa bởi hiện nay, Nga đang sở hữu loạt tên lửa hành trình được đánh tối tân hành đầu thế giới. Trong đó có tên lửa tầm xa Kh-101, Kalibr... Những tên lửa đủ sức tạo nên mối đe dọa lớn với bất cứ mục tiêu nào với Mỹ và đồng minh.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-ba-lan-hop-suc-danh-chan-ten-lua-hanh-trinh-nga-3387023/