Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Bộ trưởng ngoại giao Venezuela

Mỹ tiếp tục gia tăng áp lực lên chính quyền Venezuela khi ngày 26/4 áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bộ trưởng Ngoại giao nước này Jorge Arreaza, một động thái thúc đẩy phản ứng mạnh mẽ từ Nga, đồng minh của Venezuela.

Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Jorge Arreaza phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào ngày 25/4/2019 ở New York (Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Jorge Arreaza phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào ngày 25/4/2019 ở New York (Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Jorge Arreaza đã bị tẩy chay khỏi hệ thống tài chính quốc tế (bằng đồng đô la) và các khoản nắm giữ tại Mỹ của ông đã bị Bộ Tài chính Mỹ đóng băng, đưa nhà ngoại giao này vào danh sách đen các lệnh trừng phạt tài chính.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố khẳng định: "Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nhắm vào những người ủng hộ tham nhũng cho ông Maduro, bao gồm cả những người phụ trách ngoại giao và pháp lý thay mặt cho chính quyền bất hợp pháp này".

Bộ trưởng Steven Mnuchin ám chỉ rằng các quan chức này của Venezuela "chuyển nhượng và che giấu số tiền thu được từ tham nhũng bằng cách cố gắng khai thác hệ thống tài chính Mỹ và thị trường bất động sản". Hệ quả là "tất cả tài sản và lợi ích của những cá nhân này, ở Mỹ hoặc do công dân Mỹ kiểm soát, đều bị đóng băng" – Bộ trưởng Tài chính Mỹ khẳng định, đồng thời cho biết cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với một thẩm phán cấp cao của Venezuela là bà Carol Padilla.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì viết trên Twitter ngày 26/4 rằng ông Arreaza bị trừng phạt vì "những nỗ lực ngăn chặn khát vọng dân chủ của người dân Venezuela".

Các lệnh trừng phạt chống Venezuela mới nhất trước đó được đưa ra vào ngày 12/4 và nhắm vào 3 công ty liên kết với lĩnh vực dầu mỏ cũng như 9 tàu.

Lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào nhà ngoại giao của Venezuela đã làm dấy lên cơn thịnh nộ của Nga khi Moscow tuyên bố xem đây là một "vụ tống tiền". "Chúng tôi kêu gọi Mỹ tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt chính sách tống tiền và ngừng kích động căng thẳng ở Venezuela từ nước ngoài" – Bộ Ngoại giao Nga chỉ rõ trong một tuyên bố, đồng thời bày tỏ "phẫn nộ" đối với quyết định của Mỹ.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, "Washington đã nhiều lần thể hiện sự từ chối các phương pháp đàm phán để giải quyết tình hình". "Đây là biểu hiện của một chiến lược ngày càng quyết liệt của Mỹ nhằm làm mất uy tín của ngoại giao quốc tế và thay thế nó bằng các áp chế và áp lực kinh tế và chính trị cay độc" – Tuyên bố nêu rõ.

Căng thẳng tại Venezuela bùng nổ đầu năm 2019 với việc lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tự phong là Tổng thống, động thái được Mỹ và nhiều quốc gia khác ủng hộ. Tuy nhiên, Nga và một loạt quốc gia khác không công nhận ông Juan Guaido, đồng thời kêu gọi các bên tại Venezuela hạ nhiệt căng thẳng và ngồi vào bàn đàm phán.

Ngoài ra, từ ngày 28/4, Caracas cũng sẽ phải đối mặt với lệnh cấm vận của Mỹ đối với dầu mỏ. Điều này có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế, đồng thời cũng đẩy nước này phụ thuộc nhiều hơn vào Nga và Trung Quốc. Dầu chiếm 96% thu nhập quốc dân của Venezuela và Mỹ là một quốc gia tiêu dùng chính.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Venezuela sẽ giảm 25% trong năm nay, cũng như siêu lạm phát 10.000.000% và tỷ lệ thất nghiệp là 44,3%. Năm 2000, đất nước này từng đứng thứ hai trong số các cường quốc kinh tế của Nam Mỹ./.

Khánh Linh (Theo AFP, AP, Reuters)

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/the-gioi/tin-tuc/my-ap-dat-cac-bien-phap-trung-phat-bo-truong-ngoai-giao-venezuela-520693.html