Mỹ-Anh: Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương có bền lâu khi hai nhà lãnh đạo chưa gặp đã sứt mẻ?

Sau ngày 20/1, quan hệ Mỹ-Anh sẽ sang trang mới dù Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden có ấn tượng ban đầu không mấy tốt đẹp về Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Hiếm khi nào mối quan hệ cá nhân giữa Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ lại sứt mẻ ngay cả trước khi lễ nhậm chức diễn ra, nhưng cả hai bên đều tin rằng có thể khắc phục được vì mối quan hệ Mỹ-Anh. (Nguồn: FT)

Hiếm khi nào mối quan hệ cá nhân giữa Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ lại sứt mẻ ngay cả trước khi lễ nhậm chức diễn ra, nhưng cả hai bên đều tin rằng có thể khắc phục được vì mối quan hệ Mỹ-Anh. (Nguồn: FT)

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chưa từng gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson nhưng đã có những ấn tượng ban đầu không mấy thuận lợi khi gọi Thủ tướng Anh là “bản sao về thể chất và cảm xúc” của Tổng thống Mỹ Donald Trump và coi việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), Brexit, là một thảm họa chiến lược.

Tuy nhiên vào ngày 20/1 tới khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, một giai đoạn mới trong quan hệ Anh-Mỹ sẽ bắt đầu khi Thủ tướng Anh coi mối quan hệ đối tác là nền tảng của tầm nhìn “Nước Anh toàn cầu” hậu Brexit.

Có thể khắc phục được

Hiếm khi nào mối quan hệ cá nhân giữa Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ lại sứt mẻ ngay trước khi lễ nhậm chức diễn ra, nhưng cả hai bên đều tin rằng có thể khắc phục được.

Vai trò chủ nhà ở cả hai hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển G7 và Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 26 trong năm nay sẽ mang lại cho Thủ tướng Anh Boris Johnson cơ hội hiếm có để xây dựng quan hệ đối tác với Mỹ dựa trên các mục tiêu chính sách chung. Bên cạnh đó, thỏa thuận thương mại giữa Anh và Mỹ được coi là một trong những giải pháp tiềm năng lớn cho nước Anh hậu Brexit.

Thủ tướng Johnson không hài lòng khi bị ví với Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump với danh xưng “Ông Trump của Anh”. Một quan chức thân cận với Thủ tướng Anh cho biết: “Ông Boris Johnson ghét sự so sánh với ông Trump. Ông ấy muốn trở thành một nhà lãnh đạo chính thống của châu Âu. Khi nhìn vào gương, hình ảnh ông muốn nhìn thấy là hình ảnh tương tự như ông Macron chứ không phải ông Trump”.

Tuy nhiên, Brexit đã làm giảm uy tín của Thủ tướng Johnson trong giới Dân chủ ở Washington. Ông Biden khi còn là Phó tổng thống Mỹ thời Barack Obama đã nói rõ rằng lợi ích của Mỹ được phục vụ tốt hơn khi Anh vẫn là trái tim châu Âu.

Việc Thủ tướng Johnson đe dọa vi phạm Thỏa thuận Ngày thứ Sáu tốt lành trong đàm phán Brexit đã khiến Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phải đưa ra lời cảnh báo. Trong khi đó, đề xuất của ông Johnson vào năm 2016 khi cho rằng cựu Tổng thống Mỹ Obama không thích Anh vì ông Obama là “một phần của Kenya” vẫn còn được ghi nhớ ở Washington.

Các nhà ngoại giao Anh đang cân nhắc các phản ứng khi Tổng thống Mỹ đắc cử Biden và Thủ tướng Anh Johnson gặp nhau. Một quan chức bày tỏ: “Cách thực hiện các cuộc trò chuyện của Thủ tướng Anh có thể khiến ông Biden khó chịu”.

Sự kiện tạo nên quan hệ

Trong khi các đời nguyên thủ tiền nhiệm hai nước có sự gắn bó với nhau ở mức độ cá nhân, ví dụ như Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Tony Blair hay Tổng thống Ronald Reagan và Thủ tướng Margaret Thatcher, thì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thường vượt qua tính cách của các nguyên thủ.

Một quan chức Anh lưu ý rằng chiều sâu của các mối quan hệ thương mại, quân sự, văn hóa và lịch sử thường kết hợp để tạo ra mối quan hệ bền chặt giữa thủ tướng Anh và tổng thống Mỹ. “Bạn không phải lúc nào cũng có thể biết ngay từ đầu họ sẽ tiếp tục như thế nào. Sự kiện tạo nên mối quan hệ”, quan chức này nhấn mạnh.

Ông Christopher Meyer, cựu Đại sứ Anh tại Washington, nhận định: “Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp. Về các vấn đề khó khăn mà Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden sẽ phải giải quyết với các đồng minh, có mức độ phù hợp đáng kể về lợi ích quốc gia giữa Mỹ và Anh”.

Thật may mắn cho Thủ tướng Anh khi ông sẽ chủ trì hai sự kiện quốc tế quan trọng trong năm 2021, ngay khi Anh hoàn toàn rời EU. Thủ tướng Anh coi “một nước Anh độc lập” là một cường quốc có khả năng tập hợp, có thể hoạt động trên phạm vi toàn cầu và cam kết với trật tự quốc tế cũng như duy trì các giá trị dân chủ.

Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6/2021, có thể là sự kiện quốc tế lớn đầu tiên của Tổng thống Mỹ thứ 46, nhằm vạch ra lộ trình thoát khỏi đại dịch Covid-19. Các nền dân chủ khác bao gồm Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ sẽ được mời làm khách mời của Hội nghị G7 và hiện được coi là Hội nghị D10 không chính thức do London khởi xướng.

Một điểm may mắn khác của Thủ tướng Johnson là ông Biden cam kết hợp tác với các đồng minh về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh COP 26 dự kiến được tổ chức tại Glasgow vào tháng 11 năm nay, nhằm đẩy nhanh các nỗ lực giảm phát thải.

Mỹ-Anh, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thường vượt qua tính cách của các nguyên thủ. (Nguồn: Forex News)

Điểm chung lớn

Một vấn đề khác có thể trở thành điểm trùng giữa London và Washington là Trung Quốc, khi chính phủ Anh của Thủ tướng Johnson ngày càng có lập trường diều hâu hơn đối với Bắc Kinh về các vấn đề nhân quyền và công nghệ.

Trong khi đó, nước Anh dưới thời cựu Thủ tướng David Cameron bị các nhà lãnh đạo châu Âu cáo buộc là đã bị khuất phục trước Bắc Kinh. Ông Johnson từng nói với các quan chức trong chính phủ: “Mọi người nghĩ rằng tôi mềm lòng với Trung Quốc, điều đó không đúng”.

Chính phủ Anh hiện đang cấm Tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia vào thiết lập hạ tầng mạng 5G của Anh, mặc dù chịu áp lực từ Mỹ, và cấm hàng nhập khẩu của Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Trong khi đó, EU đã ký một thỏa thuận đầu tư mới với Trung Quốc vào thời điểm cuối năm 2020.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh Tom Tugendhat, người đồng chủ tịch Nhóm nghiên cứu Trung Quốc của nghị sĩ đảng Bảo thủ, người vận động cho lập trường cứng rắn hơn trong quan hệ với Bắc Kinh, cho biết: “Nhóm chuyển tiếp của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden đã đặt ra một chương trình nghị sự khó khăn về Trung Quốc nhưng còn có nhiều vấn đề để hợp tác hơn là với chính quyền sắp mãn nhiệm”.

Ông Leslie Vinjamuri, Giám đốc chương trình Mỹ và châu Mỹ tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh Chatham House, khẳng định: “Dân chủ, nhân quyền và công nghệ là những lĩnh vực lớn mà chúng ta nên mong đợi để thấy nỗ lực thực sự của chính phủ Anh và chính quyền Mỹ sắp tới phối hợp triển khai chính sách”.

Trong khi đó, Tom Wright, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Âu tại Viện Brookings, nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ ông Biden sẽ giữ ấn tượng xấu trong quá khứ. Nếu Anh tích cực trong việc làm thế nào để cho thấy hai bên có nhiều lợi ích chung, điều đó sẽ quan trọng hơn đối với Tổng thống đắc cử Joe Biden so với những gì đã xảy ra trước đây”.

(theo Financial Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-anh-moi-quan-he-xuyen-dai-tay-duong-co-ben-lau-khi-hai-nha-lanh-dao-chua-gap-da-sut-me-134205.html