Mỹ - Ấn Độ: Tương đồng và khác biệt

Ngày 24 và 25-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến công du 2 ngày tới Ấn Độ. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Trump tới Ấn Độ mặc dù lãnh đạo hai nước đã gặp nhau tới 8 lần trên cương vị người đứng đầu nhà nước.

Theo tường thuật của AFP, thành phố Ahmedabad, bang Gujarat - bang quê nhà của Thủ tướng Narendra Modi, đón tiếp Tổng thống Mỹ như một hoàng đế trong sự kiện mang tên “Namaste Trump” (Xin chào ông Trump) nhằm đáp lễ cuộc mít-tinh lớn “Howdy Modi” tổ chức tại Houston, Texas nhân dịp Thủ tướng Ấn Độ đến Hoa Kỳ hồi tháng 9-2019: Với 28 tấm biển khổng lồ được triển khai trên nhiều kilomet dọc theo lộ trình của ông Donald Trump, trước khi 3.000 nghệ sĩ biểu diễn tại một sân vận động 110.000 người đã chờ ông từ 4h sáng. Trước đó, ông Trump viết trên Twitter rằng “có 6-10 triệu người” sẽ chào đón ông ở Ấn Độ.

Phát biểu trước hàng trăm nghìn người, ông Trump gọi tên Bollywood, cricket và các vị thánh - những chủ đề tốt đẹp được người Ấn Độ quan tâm. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng dùng những lời có cánh cho Thủ tướng Modi. Phát biểu ngắn kết thúc chuyến công du tại Taj Mahal, ông Trump nhận định Mỹ và Ấn Độ đã đạt được “tiến bộ to lớn” đối với một thỏa thuận thương mại “đáng kinh ngạc”.

Tuy nhiên, đằng sau sự hào sảng trên là những tồn tại không thể giải quyết giữa hai nước, nhất là về mặt thương mại. Cả Thủ tướng Modi và Tổng thống Trump đều nổi tiếng theo khuynh hướng bảo hộ. Ông Modi thực hiện chính sách tăng cường năng lực nội địa “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ), trong khi ngay từ khi tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã quảng bá cho “America First” (Nước Mỹ trên hết).

Để bảo hộ sản xuất trong nước, chính phủ Ấn Độ tăng thuế một số mặt hàng Mỹ trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thiết bị y tế, thương mại điện tử... khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng hơn từ năm 2019. Trong khi đó, Ấn Độ năm ngoái là một trong những quốc gia bị ông Trump áp thuế nhập khẩu với mặt hàng thép và nhôm, lần lượt là 25% và 10%.

Thủ tướng ấn Độ Narendra Modi đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay Sardar Vallabhbhai Patel, ở Ahmedabad, ngày 24-2.

Thủ tướng ấn Độ Narendra Modi đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay Sardar Vallabhbhai Patel, ở Ahmedabad, ngày 24-2.

Tổng thống Mỹ cũng loại nhiều mặt hàng Ấn Độ khỏi chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Năm 2018, trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đạt gần 145 tỉ đô la, trong đó Mỹ nhập siêu 25 tỉ đô la và điều này khiến Tổng thống Donald Trump bất bình. Chủ nhân Nhà Trắng cũng cho rằng doanh nghiệp Mỹ không được tạo đủ cơ hội để thâm nhập thị trường khoảng 1,3 tỉ dân, nổi tiếng được bảo hộ.

Trước khi trở về Mỹ, ông Trump nói: “Mỹ phải được đối xử công bằng và Ấn Độ cũng hiểu điều đó nếu hai nước có thỏa thuận thương mại vào cuối năm nay”. Nhiều người suy đoán thỏa thuận có thể xảy ra khi Ấn Độ hạ thuế quan với xe máy Harley Davidson cùng các mặt hàng khác của Mỹ.

“Harley Davidson phải trả mức thuế rất cao khi họ đưa xe máy tới đây, trong khi Ấn Độ cũng bán xe máy vào Mỹ và hầu như không phải chịu thuế. Điều đó thật không công bằng. Tôi muốn có đi có lại và bắt buộc phải như vậy”, ông Trump nói thêm.

Ngoài vấn đề thương mại, quan hệ Mỹ - Ấn Độ được cho là còn rất nhiều khác biệt. New Delhi từng nhiều lần phản đối đề xuất làm trung gian hòa giải xung đột tại khu vực Kashmir của ông chủ Nhà Trắng. Trong khi đó, Washington không hài lòng khi quốc hội Ấn Độ quyết định xóa bỏ quy chế đặc biệt của khu vực Jammu và Kashmir và thông qua dự luật cấp quyền công dân cho người nhập cư từ 3 nước Afghanistan, Bangladesh và Pakistan nhưng không gồm người Hồi giáo hồi cuối năm 2019.

Mặc dù vậy, chuyến đi Ấn Độ của ông Trump cũng gặt hái được những thành công. Ấn Độ hứa sẽ mua các trực thăng tấn công cùng nhiều trang thiết bị quân sự Mỹ trị giá 3 tỷ USD. Và một thỏa thuận khác với tập đoàn Exxon Mobil sẽ chứng kiến Ấn Độ nhập khẩu thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Cả hai đều là quà tặng mà Ấn Độ dễ thực hiện.

Nhưng có lẽ cái được lớn nhất của ông Trump trong chuyến đi này là thu hút cử tri Mỹ gốc Ấn. Cử tri người Mỹ gốc Ấn có thể là nhóm được đặc biệt chú ý. Hiện có khoảng 4,5 triệu người gốc Ấn sống ở Mỹ, số lượng như vậy là tương đối nhỏ nhưng họ lại là một lực lượng chính trị đang lên ở quốc gia này.

Cử tri người Mỹ gốc Ấn thường bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ. Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử vào năm 2016, chỉ có 16% người Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu cho ông Trump, theo cuộc khảo sát quốc gia về những người Mỹ gốc Á.

Theo Tanvi Madan, giám đốc dự án nghiên cứu về Ấn Độ tại Viện Nghiên cứu chính sách Brookings ở Washington, Hoa Kỳ, một trong những mục tiêu của chuyến đi là vẽ ra trước cử tri Mỹ một hình ảnh tốt đẹp về ông Trump khi ông tìm cách tái cử. Còn theo Karthick Ramakrishnan, giáo sư về chính sách công tại Đại học California, những nỗ lực của ông Trump trong việc tiến đến gần Ấn Độ có thể giúp làm tăng số lượng ủng hộ ông trong những nhóm cử tri hãy còn lưỡng lự.

Ngoài ra, chuyến đi này cũng nhằm củng cố tiềm năng hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ trên phương diện địa chính trị. Nhà nghiên cứu Aparna Pande, thuộc Viện Hudson tại Washington, nói: “Với Ấn Độ, Mỹ sẽ có một đồng minh lớn với quân đội hùng hậu và nền kinh tế tiềm tàng. Ấn Độ là nước có cùng quy mô dân số, lại nằm sát biên giới với Trung Quốc, có quân đội thực sự và luôn coi Trung Quốc là một đối thủ, từng bại trận trước Trung Quốc và điều đó khiến lực lượng sĩ quan Ấn Độ luôn đề phòng và coi Trung Quốc như một mối đe dọa cho chính lãnh thổ của họ”.

Để tăng cường sức mạnh quân sự, Ấn Độ không ngừng mua vũ khí, đặc biệt là hợp đồng khoảng 5 tỉ đô la với Nga. Washington đang tìm cách trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí chính của New Delhi. Chính Tổng thống Trump từ năm 2017 là người thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương “rộng mở và tự do, dựa trên luật pháp quốc tế” nhằm bổ sung cho chính sách của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là nhằm khống chế các mối đe dọa từ Trung Quốc, trong đó có các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông. Để khẳng định là một nhân tố không thể thiếu trong khu vực, New Delhi cũng thông báo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương riêng vào tháng 1-2020, trong đó Ấn Độ trở thành trung tâm.

Mộc Thạch (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/my-an-do-tuong-dong-va-khac-biet-584118/