Mỹ: Ấn Độ sẽ biết hậu quả sau vụ S-400

Tổng thống Mỹ tuyên bố Ấn Độ sẽ sớm biết hậu quả sau khi ký hợp đồng mua tên lửa S-400 của Nga trị giá hơn 5 tỷ USD.

Lời đe dọa trực tiếp

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/10 tuyên bố, Ấn Độ sẽ sớm biết được hậu quả vì mua tên lửa S-400 của Nga.

Phát biểu này được Tổng thống Trump đưa ra trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Mỹ sẽ áp đặt những biện pháp nào trong khuôn khổ đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA).

Tổng thống Mỹ D. Trump trực tiếp đe dọa Ấn Độ về vụ mua S-400 của Nga

Trên thực tế, phía Ấn Độ cũng tỏ ra lo ngại về khả năng này, nhất là sau khi Mỹ đã thẳng tay trừng phạt Trung Quốc vì đã mua S-400 và Su-35 của Nga.

Theo báo chí Ấn Độ, nước này đang triển khai một chiến dịch ngoại giao-quân sự lớn để thuyết phục Mỹ miễn trừng phạt liên quan tới thương vụ S-400 mà Ấn Độ đã ký với Nga nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin hôm 5/10.

Ấn Độ đã đảm bảo với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng "hệ thống này sẽ không bao giờ gây phương hại tới tính bí mật tác chiến" của các hệ thống vũ khí mà New Delhi đã hoặc sẽ mua của Washington.

Tên lửa S-400 do Nga sản xuất

Trước khi Ủy ban Nội các về An ninh của Ấn Độ phê chuẩn thương vụ S-400 hôm 26/9, một loạt chuyến thăm đã được thực hiện đến Mỹ để xoa dịu các mối quan ngoại của Washington.

Ví dụ, một nhóm kỹ thuật quân sự cấp cao do Phó Tư lệnh không quân Ấn Độ khi đó là R Nambiar (hiện giữ chức Tư lệnh Bộ chỉ huy không quân vùng Đông), đã thăm Mỹ từ ngày 22-23/8. Tiếp sau đó là một chuyến thăm khác của Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval vào giữa tháng 9.

Theo giới phân tích, Mỹ lo ngại S-400 có khả năng "thu thập" dữ liệu của các nền tảng khác như máy bay chiến đấu hoặc radar.

Do đó, các tính năng tàng hình, chiến tranh điện tử và những khả năng khác của chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35 Lightning-II của Mỹ có thể bị ghi lại và phân tích bởi hệ thống radar hay thiết bị dò sóng cực mạnh của S-400, nếu hai hệ thống này được phối hợp vận hành cùng nhau.

Washington lo ngại Moscow sẽ có khả năng tiếp cận các dữ liệu được ghi lại bởi những hệ thống S-400 mà một quốc gia thứ ba mua về, như Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, trong các chu trình bảo dưỡng và đại tu.

S-400 sẽ giúp Nga thu thập những thông tin nhạy cảm của vũ khí Mỹ qua nước thứ ba?

Ấn Độ hiện chưa thể hiện mong muốn mua F-35 nhưng đang "để mắt" tới một số hệ thống vũ khí công nghệ cao khác từ Mỹ, đặc biệt sau khi hai bên ký kết Thỏa thuận an ninh và tương thích thông tin (COMCASA) tại cuộc hội đàm 2+2 với Mỹ lần đầu tiên hôm 6/9 vừa qua.

COMCASA cho phép Ấn Độ tiếp nhận các thông tin an ninh nhạy cảm được mã hóa từ Washington.

Hiện chưa rõ tuyên bố của ông Trump là một lời đe dọa hay chỉ đơn giản là trả lời cho có nhằm “câu giờ”. Giới phân tích đã chỉ ra rằng CAATSA đang đặt Mỹ vào tình thế khó xử vì có thể đẩy Ấn Độ ngả hẳn về phía Nga.

Giơ cao đánh khẽ?

Thời gian qua, giới chức cấp cao Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Maike Pompeo đã tích cực vận động quốc hội nước này sửa đổi CAATSA, theo đó cho phép Tổng thống Mỹ có quyền đình chỉ hiệu lực của lệnh trừng phạt đối với một quốc gia nào đó trong vòng 180 ngày, nếu quốc gia đó có hành động cụ thể chứng minh họ đã giảm quan hệ thương mại với Nga trong lĩnh vực quân sự.

Hiện có những đồn đoán cho rằng Mỹ có thể vẫn sẽ vận dụng CAATSA đối với Ấn Độ nhưng không thể mạnh tay vì những yếu tố sau:

Thứ nhất là yếu tố Trung Quốc: Washington cần New Delhi để kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh cả về mặt kinh tế lẫn quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương. Tháng 9/2018, Mỹ và Ấn Độ thông báo đẩy mạnh hợp tác trao đổi thông tin quân sự mang tính nhạy cảm cao.

Hai bên cũng đã đồng ý tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô lớn vào năm 2019. Với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ khó mạnh tay với New Delhi.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-an-do-se-biet-hau-qua-sau-vu-s-400-3367094/