Mỹ ấn định thời gian biên chế tiêm kích thế hệ 6 khi Nga còn 'trầy trật' với Su-57

Dự kiến sau năm 2020 Bộ Quốc phòng Nga mới ký kết hợp đồng sản xuất lô tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 tiếp theo, tuy nhiên đây vẫn chỉ là những máy bay chưa được lắp động cơ đạt tiêu chuẩn.

Trang web "Tin tức quốc phòng" của Mỹ mới đây đã cho biết, chi phí dành cho chương trình máy bay chiến đấu tương lai thế hệ tiếp theo (tiêm kích thế hệ 6) đã được chính thức mang ra để đánh giá.

Cùng ngày, Văn phòng Ngân sách Quốc Hội Mỹ đã công bố bản nghiên cứu về giá thành của chiếc chiến đấu cơ mà Không lực Hoa Kỳ gọi là "Penetrating Air-to-Air" (PCA) ước tính khoảng 300 triệu USD theo thời giá năm 2018.

Mức giá trên như vậy đã cao hơn 3 lần so với chi phí cho một chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35A (94 triệu USD), báo cáo cho biết thêm đây là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ đánh giá chi tiết tiềm năng của PCA.

Văn phòng Ngân sách Quốc Hội Mỹ ước tính Không lực Hoa Kỳ sẽ cần tới 414 chiếc tiêm kích PCA nhằm thay thế toàn bộ số F-22 và F-15 hiện có cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không.

Máy bay chiến đấu thế hệ 6 dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động ngay sau năm 2030, mốc thời gian trên có thể dao động một chút căn cứ vào nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên mức giá cao như vậy của chiến đấu cơ PCA đang làm Quốc hội Mỹ cảm thấy ngạc nhiên và có thể sẽ đánh giá lại chương trình hiện đại hóa của lực lượng không quân.

Điều này thực ra không có gì bất thường bởi sản phẩm mới sẽ phải gánh toàn bộ chi phí phát triển phân bổ trên từng sản phẩm, nếu chế tạo càng nhiều thì giá thành càng giảm.

Cần lưu ý rằng trước kia đơn giá của tiêm kích F-35 Lightning II là trên 150 triệu USD, nhưng sau khi có nhiều đơn hàng thì giá thành đã về mức hiện tại và dự kiến còn giảm xuống 80 triệu USD sau năm 2020.

Theo đánh giá từ các chuyên gia quân sự, tiêm kích thế hệ 6 PCA sẽ có tầm hoạt động rộng, tải trọng vũ khí lớn cũng như khả năng tàng hình và cảm biến tốt hơn hẳn chiếc F-22 Raptor - Chủ lực của Không quân Mỹ hiện nay.

Những tính năng này giúp máy bay chiến đấu thế hệ 6 PCA có thể dễ dàng xâm nhập và xuyên phá vào sâu bên trong hệ thống phòng không của đối phương.

Theo nhiều nguồn tin thì dự kiến tiêm kích thế hệ 6 PCA sẽ được trang bị trí thông minh nhân tạo và hoạt động như một máy bay không người lái, không yêu cầu có phi công trực tiếp ngồi điều khiển trong cabine lái.

Liên kết mạng là một trong những điểm mạnh khác của tiêm kích thế hệ 6 PCA, khi nó còn điều khiển được cả một tốp UAV đông đảo khác để nâng cao khả năng tác chiến.

Điều này cho thấy Mỹ đang bỏ Nga lại một khoảng cách rất xa về công nghệ hàng không quân sự, khi chiếc tiêm kích thế hệ 5 Su-57 của Moskva chưa biết bao giờ mới hoàn thiện mọi tính năng đúng như thiết kế.

Nếu tiêm kích thế hệ 6 PCA của Mỹ đi vào hoạt động đúng mốc thời gian trên thì chắc chắn Không lực Hoa Kỳ sẽ vẫn là lực lượng làm chủ bầu trời trong tương lai rất xa nữa.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-my-an-dinh-thoi-gian-bien-che-tiem-kich-the-he-6-khi-nga-con-tray-trat-voi-su57/797350.antd