Mỹ ám sát tướng Iran : Nước cờ làm hỏng ván cờ

Tehran chưa trả thù mà Washington đã gặp rất nhiều bất lợi sau vụ không kích sát hại tướng Soleimani....

Washington đã thực sự lo ngại hậu quả sau khi ám sát tướng Iran

Ngày 3/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington quyết tìm mọi cách để "giảm leo thang" sau vụ không kích của Mỹ ở Baghdad tiêu diệt Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, tướng Qasem Soleimani.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho rằng Washington không tìm kiếm chiến tranh với Tehran và đã dốc hết nỗ lực để bảo vệ các tài sản của Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Dù tuyên bố vụ tấn công giết hại tướng Soleimani là tự vệ hợp pháp của Mỹ, song ông Pompeo cho biết đã thảo luận về vụ việc với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Trước đó, cũng trong ngày 3/1, trong bài phát biểu trước báo giới và phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Trump cho biết vụ ám sát tướng Soleimani "không phải để bắt đầu một cuộc chiến. Mỹ không tìm cách thay đổi chế độ tại Iran".

Sát hại tướng Soleimani gây rúng động Trung Đông nhưng không hẳn có lợi cho Mỹ

Sát hại tướng Soleimani gây rúng động Trung Đông nhưng không hẳn có lợi cho Mỹ

Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 3/1, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho hay đại biện lâm thời Thụy Sĩ tại Iran đã chuyển thông điệp của Washington tới Tehran liên quan tới vụ không kích nói trên.

Đại biện lâm thời Thụy Sĩ tại Iran cũng đã được thông báo về lập trường của Tehran và đã chuyển đi thông điệp của Washington. Thụy Sĩ hiện đại diện cho quyền lợi của Mỹ tại Iran, và là kênh liên lạc ngoại giao giữa Mỹ với Iran.

Chưa biết qua kênh trung gian, thông điệp của Washington gửi tới Tehran và thông điệp đáp trả của Tehran với Washington là gì, nhưng với những gì đã diễn ra 24 giờ qua, có thể nhận diện Mỹ đã thực sự lo ngại hậu quả sau khi ám sát tướng Iran.

Ngoài việc chính trường Mỹ mâu thuẫn liên quan tới sự kiện này, thì mối đe dọa với người Mỹ tại Trung Đông và tại những nơi có liên quan tới lợi ích Mỹ đã trở nên cực kỳ nguy hiểm. Thậm chí, chính quyền Mỹ đã kêu gọi người Mỹ rời Iraq ngay lập tức.

Cũng vì vậy, chỉ 1 ngày sau vụ ám sát tướng Soleimani, Mỹ tiếp tục cho không kích Baghda, nhắm vào lực lượng bán vũ trang Hashed al-Shaabi, mà phần lớn thành viên là các tay súng Hồi giáo dòng Shi'ite nhận sự hỗ trợ và chỉ huy trực tiếp từ Iran.

Nguồn tin quân đội Iraq xác nhận vụ không kích của Mỹ ngày 4/1 đã khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 3 người bị thương. Tất cả nạn nhân vụ không kích là thành viên của Hashed al-Shaabi.

Trong khi đó, các tàu chiến với khoảng 4.500 lính thủy đánh bộ, thủy thủ, nhiều chiến đấu cơ và phương tiện đổ bộ của Hải quân Mỹ đang di chuyển về phía đông Địa Trung Hải, sẵn sàng tham chiến nếu căng thẳng với Iran leo thang.

Tuyên bố không muốn chiến tranh, nhưng lại có hành động kích hoạt chiến tranh và chuẩn bị phương tiện cho chiến tranh, rõ ràng mâu thuẫn đó đã thể hiện mối lo ngại của Mỹ trong đối phó với tình hình tại vùng đất nóng sau khi sát hại tướng Iran.

Ám sát tướng Iran, nước cờ của Trump làm hỏng ván cờ Mỹ tại Trung Đông

Giới phân tích từng cho rằng, sau khi ám sát tướng Soleimani, Washington phải đối mặt với những động thái nguy hiểm trong thế giới Hồi giáo, chứ không chỉ là đối phó với việc Tehran trả thù. Và điều đó đã diễn ra.

Tổng Iraq lên án Mỹ hiếu chiến

Tại Iraq, Tổng thống nước này Barham Saleh mô tả cuộc không kích trên là "hành động hiếu chiến" và cho rằng Iraq sẽ bất ổn nếu "lý lẽ không được ưu tiên." Ông hối thúc các bên liên quan kiềm chế.

Chủ tịch Quốc hội Muhammad Al-Halbousi thì lên án vụ tấn công của Mỹ sát hại Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, và Phó Chỉ huy Lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi ở Iraq.

Chủ tịch Quốc hội Halbousi kêu gọi chính phủ Iraq có hành động bảo đảm an ninh, hợp pháp mang tính chính trị để ngăn chặn các vụ tấn công tương tự và tránh để Iraq trở thành chiến trường cho ngoại bang tỉ thí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Iraq Hassan al-Kaabi thậm chí kêu gọi tổ chức họp khẩn để thảo luận về cuộc không kích của Mỹ, nhằm "đưa ra các quyết định chấm dứt việc hiện diện của Mỹ tại Iraq, để Washington kết thúc sự ngạo mạn và liều lĩnh".

Thủ tướng Abdul-Mahdi thì mô tả cuộc tấn công của Mỹ tại Baghdad là hành động "vi phạm" các điều kiện cho binh lính Mỹ đồn trú tại Iraq. Ông cho rằng sự hiện diện của Mỹ nên giới hạn ở việc huấn luyện các lực lượng Iraq chống khủng bố.

Tại Syria, Bộ Ngoại giao nước này lên án vụ không kích giết hại tướng Soleimani và cảnh báo vụ việc này sẽ đẩy tình hình căng thẳng trong khu vực leo thang, khẳng định Mỹ phải chịu trách nhiệm về những hành động gây bất ổn tại khu vực.

Tại Li-băng, Bộ Ngoại giao nước này đã lên án vụ tấn công và cho rằng đó là một hành vi của Mỹ xâm phạm chủ quyền của Iraq chứ không chỉ là một hành động leo thang nguy hiểm chống lại Iran.

Theo thông tin mới nhất, trước những phản ứng bất lợi đầu tiên từ thế giới Hồi giáo ngay sau vụ không kích sát hại tướng Iran, Washington và đồng minh đã phải ngừng hoạt động huấn luyện cho các lực lượng vũ trang và an ninh Iraq, theo Reuters.

Động thái này được cho là có ảnh hưởng rất lớn tới những toan tính và kế hoạch của Washington tại vùng đất nóng trong bối cảnh Mỹ chưa thể định hình được chiến lược ở Trung Đông, sau khi chiến lược xoay trục của Obama chết yểu.

Giết tướng Iran, Mỹ giúp tạo lợi thế cho Nga-Trung ở vùng đất nóng

Bởi sau khi lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein, Washington đã xem Iraq là bàn cờ chiến lược phục vụ cho kế hoạch xóa bỏ ảnh hưởng của Tehran, và từ đó thực hiện bình định Trung Đông.

Nhưng do hoang tưởng kép, nên Washington đã tạo điều kiện cho Tehran ngày càng thể hiện vai trò đạo diễn ván cờ Iraq, qua đó làm giảm vị thế của Mỹ tại Trung Đông, buộc Washington phải có các nước đi điều chỉnh ván cờ.

Trong bối cảnh ấy, việc buộc phải tạm ngừng huấn luyện cho các lực lượng vũ trang và an ninh Iraq sẽ khiến Mỹ gặp khó trong làm giảm tầm ảnh hưởng của Iran tại Iraq, chứ nói gì tới việc lật thế cờ của Tehran tại ngay chính ván cờ cho mình sắp đặt.

Trong khi đó thì ngoài Iran, các đối thủ khác của Mỹ là Nga và Trung Quốc cũng gia tăng tầm ảnh hưởng tại vùng đất nóng và đã lấp ngay những lỗ hổng mà chiến lược xoay trục nửa vời của Obama tạo ra.

Rõ ràng, khi Tehran chưa trả thù mà Washington đã gặp rất nhiều bất lợi sau vụ sát hại tướng Soleimani. Điều này buộc Mỹ không muốn chiến tranh nhưng vẫn phải có hành động kích hoạt chiến tranh, chuẩn bị chiến tranh.

Chỉ có điều, dù có kích hoạt chiến tranh hay tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện với Iran thì Mỹ cũng khó có thể thay đổi vị thế tại vùng đất nóng. Rõ ràng, nước cờ của Trump không thể làm thay đổi thế cờ, mà ngược lại còn đang phá hỏng ván cờ.

Đơn giản là số ga tàu mà con tàu Mỹ không thể dừng trong hành trình tiến về Trung Đông sẽ tăng lên sau vụ sát hại tướng Iran, trong khi con tàu Nga có thể dừng lại bất cứ ga tàu nào trong hành trình về vùng đất nóng.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-am-sat-tuong-iran-nuoc-co-lam-hong-van-co-3394580/