Mỹ ám ảnh bị Nga đánh bại trên vũ trụ

Động thái của Mỹ mang tính khiêu khích và có thể buộc Nga phải sử dụng sức mạnh, bắn hạ các mục tiêu của Mỹ trên vũ trụ.

Lời cảnh báo rắn từ phía Nga

Truyền thông Nga mới đây dẫn lời chuyên gia Alexei Leonkov của nước này cáo buộc các hành động của Mỹ trên vũ trụ mang tính khiêu khích và buộc Nga phải sử dụng tới sức mạnh. Theo chuyên gia này, Nga có thể phải bắn hạ các mục tiêu trên vũ trụ của Mỹ nếu các vũ khí của Mỹ đe dọa tới các vệ tinh của Nga.

Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga (Roskosmos) Sergei Savelyev cho rằng ý đồ của Mỹ trong việc quân sự hóa vũ trụ có thể hủy hoại mối quan hệ chặt chẽ với Nga trong lĩnh vực này.

Theo ông, Nga rất cảnh giác trước tuyên bố của Lầu Năm Góc rằng Nga đang chuẩn bị đưa vũ khí lên vũ trụ để chống lại Mỹ.

Chuyên gia Nga Alexei Leonkov

Chuyên gia Nga Alexei Leonkov

Bên cạnh đó, ông Savelyev cũng tuyên bố Moscow sẵn sàng tăng cường hợp tác với Washington về nhiều vấn đề chứ không chỉ giới hạn trong việc bán động cơ tên lửa hoặc đưa các nhà du hành vũ trụ lên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS).

Về phần mình, chuyên gia Leonkov lưu ý, Mỹ sẽ có từ 12.000 đến 30.000 “vật thể vũ trụ” trong thời gian tới. Số lượng lớn như vậy cùng với rác vũ trụ sẽ cản trở các quốc gia khác đưa vệ tinh của mình lên quỹ đạo.

Chuyên gia Leonkov nhấn mạnh rằng, Bản tóm tắt Chiến lược Phòng thủ Không gian do Lầu Năm Góc công bố mới đây tuyên bố Mỹ sẽ bố trí vũ khí đánh chặn trên vũ trụ, có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo và vũ khí siêu thanh trong vũ trụ cũng như thực hiện đòn tấn công từ vũ trụ.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng đề cập khả năng triển khai vũ khí tác chiến điện tử trên vũ trụ. Ông Leonkov cho rằng loại vũ khí này của Mỹ có thể phá hủy hoặc gây hại cho các mục tiêu khác trong vũ trụ và dẫn tới sự thống trị của Mỹ trên không gian.

Do đó, chuyên gia Nga khẳng định động thái của Mỹ mang tính khiêu khích. Ông tin rằng trong trường hợp các vũ khí không gian của Mỹ gây hại cho các vệ tinh liên lạc quân sự của Nga, Nga sẽ buộc phải sử dụng sức mạnh và bắn hạ các mục tiêu của Mỹ trên vũ trụ. Nga sẽ coi việc gây hại đối với vệ tinh có mục đích quốc phòng của nước này là hành động xâm lược.

Mỹ từng công khai chương trình bố trí vũ khí trên vũ trụ có tên gọi "Cây gậy của Chúa"

Ông Leonkov cho rằng động thái của Mỹ sẽ dẫn tới phản ứng đáp trả và trên vũ trụ sẽ xuất hiện loại vũ khí có khả năng vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Mặc dù đề cập khả năng tiêu diệt các mục tiêu của Mỹ trên vũ trụ, chuyên gia Leonkov cho rằng điều này sẽ không dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang vì Nga và Trung Quốc có các nguyên tắc hoàn toàn khác biệt so với Mỹ trong xây dựng học thuyết quân sự. Ví dụ, học thuyết quân sự của Nga dựa trên nguyên tắc phòng thủ, trong khi học thuyết của Mỹ nhắm tới việc thống trị bằng sức mạnh.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 19/6 tuyên bố chiến lược vũ trụ mới được Mỹ công bố là "hung hăng", đồng thời cáo buộc Washington coi vũ trụ là nơi phát động chiến tranh. Tuyên bố nêu rõ: “Văn kiện này xác nhận xu hướng hung hăng của Washington trong vũ trụ. Vũ trụ được Mỹ xem là chiến trường".

Tuyên bố của Nga gọi đây là một cách tiếp cận "phá hoại", "kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong vũ trụ. Nga giữ quan điểm phản đối toàn diện, ưu tiên sử dụng và nghiên cứu vũ trụ chỉ phục vụ các mục đích hòa bình".

Nỗi sợ bị Nga đánh bại

Ngày 17/6, Chính phủ Mỹ tuyên bố củng cố các năng lực phòng thủ không gian vũ trụ và tăng cường hợp tác với Nhật Bản cũng như với các đồng minh khác trong một chiến lược nhằm giải quyết các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga đối với hoạt động không gian của Mỹ.

Bản tóm tắt Chiến lược Phòng thủ Không gian do Lầu Năm Góc công bố và các nguyên tắc chỉ đạo liên quan tới "hoàn thiện các điều kiện mục tiêu không gian vũ trụ" trong thập kỷ tới nêu rõ: "Trung Quốc và Nga đều đã trang bị không gian như một phương tiện nhằm làm giảm tầm ảnh hưởng về quân sự của Mỹ và đồng minh, đồng thời thách thức quyền tự do hoạt động trong không gian vũ trụ của chúng ta".

Tổng thống Donald Trump công bố thành lập Lực lượng Không gian vũ trụ Mỹ hồi tháng 12/2019

Trong khi lưu ý rằng Trung Quốc và Nga, vốn đang phát triển năng lực gây nhiễu và tên lửa chống vệ tinh dưới mặt đất, đang đặt ra "các mối đe dọa cấp bách và nghiêm trọng" nhất với Mỹ, bản báo cáo cũng cảnh báo mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên và Iran.

Để đối mặt với những thách thức này, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tạo ra một lợi thế quân sự toàn diện trong không gian vũ trụ thông qua việc cơ cấu lại các tổ chức, trong đó bao gồm thành lập Lực lượng Không gian vũ trụ Mỹ, vốn đi vào hoạt động hồi tháng 12/2019 như một đơn vị quân sự mới nhất của Mỹ.

Chiến lược của Lầu Năm Góc nhấn mạnh Mỹ sẽ nỗ lực duy trì ưu thế trong vũ trụ, đặc biệt là bảo vệ các vệ tinh trong hệ thống định vị toàn cầu (GPS) hỗ trợ quân đội, các dịch vụ khẩn cấp, hoạt động vận tải và thậm chí là các dịch vụ tài chính.

Ngoài ra, bản chiến lược cũng nêu bật tầm quan trọng của việc hợp tác với các đồng minh, đối tác và khu vực tư nhân. Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Kitay nhấn mạnh rằng Nhật Bản nằm trong số những quốc gia mà Mỹ hướng tới hợp tác sâu rộng.

Đánh giá về mối quan hệ Nga-Mỹ, trang National Interest (NI) của Mỹ hồi cuối năm ngoái đã bình luận, từ Bắc cực cho đến Afghanistan, nước Nga là mối đe dọa rõ ràng đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. NI viết: “Trong mọi vấn đề, Nga lúc nào cũng muốn đánh bại Mỹ”. Theo tờ báo này, không gian hiện là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và các đối thủ.

Các cường quốc cáo buộc lẫn nhau âm mưu độc chiếm không gian vũ trụ

NI khẳng định không gian là một lĩnh vực quan trọng đối với quân đội, cơ quan tình báo và nền kinh tế Mỹ. Quân đội Mỹ sử dụng các tài sản trên không gian cho các hoạt động liên lạc, chỉ huy và kiểm soát.

Cộng đồng tình báo Mỹ thu thập các tín hiệu và thông tin tình báo địa lý từ không gian. Còn nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào không gian cho các ứng dụng quan trọng trong hầu hết đời sống hàng ngày của người dân Mỹ như hệ thống GPS.

NI cáo buộc các đối thủ của Mỹ là Nga và Trung Quốc đã quân sự hóa và tranh chấp không gian đến nỗi Mỹ phải hành động để bảo vệ lợi ích và giảm thiểu mối đe dọa tiềm tàng trong lĩnh vực quan trọng này.

Tờ báo này cho rằng mối đe dọa từ Nga đối với lợi ích không gian của Mỹ là rất đa dạng.

Theo đó, quân đội và Cơ quan vũ trụ của Nga đang tích cực theo đuổi việc phát triển và triển khai các hệ thống vũ khí chống vệ tinh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí từng tuyên bố rằng các loại vũ khí không gian “có thể được thừa nhận hơn về mặt chính trị và quân sự”.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-am-anh-bi-nga-danh-bai-tren-vu-tru-3409157/