Mỹ-Afghanistan : Học thuyết lỗi thời chứ không chỉ sai lầm chiến lược

Thế giới đa cực đã thành hình nhưng Mỹ vẫn áp dụng học thuyết trong thế giới lưỡng cực được hiệu chỉnh trong thế giới đơn cực là quá lỗi thời...

Washington bị chỉ trích đã lãng phí máu của binh sĩ Mỹ tại Afghanistan

Mỹ đã phải kết thúc cuộc chiến tại Aghanistan theo cách không thể đáng xấu hổ hơn, khi phải xuống nước ký kết hiệp ước hòa bình với kẻ thù vốn được xem là kẻ khủng bố, rồi "bỏ của chạy lấy người", để mặc tâm phúc quay cuồng với nguy nan.

Tổng thống Biden quyết định chấm dứt sứ mệnh quân sự của Mỹ ở Afghanistan vào ngày 31/8/2021, khi chỉ còn 37 ngày nữa là tròn 20 năm bom đạn Mỹ cày xới xứ A-phú-hãn vì chính quyền Taliban che chở trùm khủng bố Bin Laden-thủ phạm vụ 11/9.

Vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ cho rằng đã đến lúc người dân Afghanistan phải tự quyết định tương lai của mình, còn nước Mỹ thì không nên tiếp tục hy sinh một thế hệ khác trong một cuộc chiến tranh vô tiền khoáng hậu này, theo Reuters.

Kể từ ngày 7/10/2001, khi Tổng thống George W. Bush, vị tổng thống Mỹ thứ 43 ra lệnh tấn công Taliban, cho đến nay bom đạn Mỹ đã giết hại hơn 47.000 dân thường Afghanistan và hơn 2,7 triệu người khác phải chạy trốn khỏi đất nước Afghanistan.

Cuộc chiến kéo dài 20 năm của Mỹ tại Afghanistan cũng dẫn đến cái chết của ít nhất 66.000 binh sĩ Afghanistan cùng hơn 3.500 binh sĩ Mỹ và binh sĩ của các nước đồng minh, theo Dự án Chi phí Chiến tranh phi đảng phái của Đại học Brown.

Cựu binh Mỹ Jason Lilley, lính đặc nhiệm Marine Raider từng chiến đấu trong nhiều trận chiến ở Iraq và Afghanistan, khẳng định rằng Mỹ không đạt được bất cứ mục tiêu nào trong cuộc chiến dài nhất lịch của đất nước này.

"Một trăm phần trăm chúng ta đã thua trong cuộc chiến. Toàn bộ vấn đề là để loại bỏ Taliban, nhưng cuối cùng chúng ta đã không làm được điều đó. Taliban sẽ tiếp quản Afghanistan. Vậy có đáng không?".

Một cựu binh khác là Tristan Wimmer, bạn của Lilley ở Iraq và Afghanistan, vốn là lính bắn tỉa trinh sát của Thủy quân lục chiến Mỹ, cũng đồng quan điểm khi cho rằng dù nhìn dưới bất kỳ góc độ nào thì Mỹ cũng thảm bại tại Afghanistan.

"Theo bất kỳ số liệu nào bạn chọn để đo lường nó, đó luôn là một nỗ lực không có kết quả. Loại bỏ al Qaeda hoặc Taliban, chúng ta đã không thành công. Giúp mang lại hòa bình và thịnh vượng cho Afghanistan? Chúng ta cũng không thành công .

Chúng ta đã hy sinh rất nhiều của cải, chúng ta hy sinh rất nhiều thời gian, chúng ta hy sinh rất nhiều sinh mạng, không chỉ sinh mạng của người Mỹ, mà là sinh mạng của liên quân và đặc biệt là sinh mạng của người dân Afghanistan.

Cuối cùng chúng ta phải rời đi không kèn không trống, để lại phía sau là những con số không tròn trĩnh về các mục tiêu đã đặt ra khi tiến hành cuộc chiến. Đó là một điều thực sự khó rất khó nuốt trôi".

Theo khảo sát của Reuters, rất nhiều người Mỹ có cùng quan điểm với các cựu binh Jason Lilley và Tristan Wimmer là chính quyền Mỹ đã lãng phí binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Đây là bài học đau đớn rút ra từ cuộc chiến Afghanistan.

Mỹ thất bại tại Afghanistan do học thuyết lỗi thời chứ không chỉ sai lầm chiến lược

Có thể thấy, đánh giá của hai cựu binh cựu binh Jason Lilley và Tristan Wimmer đã khái quát đầy đủ thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tại Afghanistan - cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nhưng đâu là nguyên nhân khiến Mỹ thất bại?

Mỹ ký thỏa thuận hòa bình với Taliban

Mỹ ký thỏa thuận hòa bình với Taliban

Trước nay hầu hết nhận định đều cho rằng Washington thất bại trong cuộc chiến tại xứ A-phú-hãn là do sai lầm chiến lược và dù đã nhiều lần sửa chữa, thậm chí xây dựng chiến lược mới nhưng vẫn không chuẩn nên không thể chuyển bại thành thắng.

Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, xâu chuỗi hết các sự kiện lại thì có thể nhận diện rõ ràng Mỹ thất bại ở Afghanistan không chỉ là sai lầm về chiến lược, mà đó là hậu quả từ sự lỗi thời của học thuyết Mỹ được phổ quát thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Điều đó xuất phát từ việc giới chính trị truyền thống Mỹ không chấp nhận thực tế là thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ đã kết thúc, thế giới lưỡng cực không thể tái sinh, mà thế giới đa cực đã thành hình và đang là xu thế phát triển của thời đại.

Bảo thủ trong tư duy khiến hành động không theo kịp thực tiễn. Khi thế giới đa cực đã thành hình mà Washington vẫn áp dụng học thuyết Mỹ trong thế giới lưỡng cực Xô-Mỹ được hiệu chỉnh trong thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ là quá lỗi thời.

Theo giới phân tích, có thể nhận diện sự lỗi thời của học thuyết Mỹ khiến họ thất bại trong ván cờ Afghanistan - và cả trong nhiều ván cờ, nhiều bàn cờ khác - qua ba biểu hiện sau đây :

Thứ nhất, Washington không giúp các lực lượng thân Mỹ xây dựng chủ thuyết chính trị

Chủ thuyết chính trị là giá trị tinh thần của cả cộng đồng dân tộc, phát huy được bản sắc của văn hóa dân tộc, từ đó mới có khai quật sức mạnh quốc gia. Từ chủ thuyết sẽ tạo hình nên ý thực hệ cốt lõi cho một quốc gia.

Các thực thể chính trị dựa vào chủ thuyết để xây dựng cương lĩnh chính trị, chương trình hành động, từ đó mới kỳ vọng được nhân dân ủy thác quyền lực. Như vậy, nếu thiếu chủ thuyết thì mọi cố gắng của các lực lượng chính trị đều như bèo bọt.

Lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ không thể khỏa lấp được lỗ hổng thiếu chủ thuyết. Khi thiếu chủ thuyết thì các nước cờ chính trị đều chỉ là những mẹo vặt, khi đó Quyền - sức mạnh nhà nước - không gắn liền với Lực – quyền lực nhân dân.

Tại sao một yếu tố quá quan trọng như vậy trong xác lập quyền lực mà Washington lại thiếu trong ván cờ mới của mình? Lý do thì có nhiều, nhưng tựu trung lại là bởi Mỹ không chấp nhận thế giới đa cực và Mỹ chỉ là một cực mà thôi.

Chủ thuyết chính trị của các lực lượng thân Mỹ thời thế giới lưỡng cực có nền tảng là đối đầu ý thức hệ, thời thế giới đơn cực là giá trị Mỹ. Khi hết đối đầu ý thức hệ và giá trị Mỹ không thể phổ quát thì chủ thuyết của các lực lượng thân Mỹ sẽ thay đổi.

Washington không giúp lực lượng thân Mỹ xây dựng chủ thuyết khiến Taliban nắm thể chủ động trong ván cờ Afghanistan

Song thay đổi như thế nào là xuất phát từ học thuyết Mỹ. Khi học thuyết Mỹ không thay đổi thì việc xây dựng chủ thuyết chính trị của các lực lượng thân Mỹ sẽ khó có thể thực hiện và thế là Washington đã bỏ qua yếu tố này.

Hậu quả, khi thiếu lợi ích Mỹ, vắng sức mạnh Mỹ, các lực lượng thân Mỹ đều rệu rã. Có lẽ cảnh báo của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley rằng Taliban đã kiểm soát 1/2 số quận/huyện ở Afghanistan là minh chứng rõ nét.

Thứ hai, Washington vẫn quyết phổ quát giá trị Mỹ trong thế giới đa cực

Có thể thấy rằng, giá trị Mỹ mà cốt lõi là nguyên tắc dân chủ truyền thống phương Tây không mang tính phổ quát, vì vậy việc Washington quyết tâm phố quát, nhất là với thế giới Hồi giáo trong đó có Afghanistan là không hợp nguyên lý.

Do nguyên tắc dân chủ truyền thống phương Tây được xây dựng trên nền tảng Nhân Quyền, vì vậy khi phổ quát giá trị Mỹ nó sẽ xóa nhòa đi tính đặc thù được hình thành bởi những yếu tố tự nhiên, xã hội khác.

Nguyên tắc dân chủ phương Tây đối lập, thậm chí đối nghịch với nhiều nguyên tắc vận hành hệ thống chính trị của hầu hết các quốc gia Hồi giáo, trong đó có vấn đề ảnh hưởng của giáo luật đối với pháp luật trong điều hành và quản lý đất nước.

Rõ ràng, căn nguyên của vấn đề nằm ở nguyên tắc nền tảng vận hành của hệ thống chính trị. Đây là rào cản mang tính mặc định không thể xóa nhòa giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo, trong đó có Afghanistan.

Trong thế giới lưỡng cực nhờ có đối đầu ý thức hệ, trong thế giới đơn cực nhờ uy lực Mỹ nên việc Washington phổ quát giá trị Mỹ không gặp nhiều bất lợi. Song trong thế giới đa cực thì điều đó không mang lại kết quả, thậm chí gây hậu quả.

Bỡi lẽ khi Washington mang "mô hình Mỹ" sang các bàn cờ mới sẽ chắc chắn sẽ có nhiều sự lệch pha. Đây là sự thẩm định cho những nguyên tắc nền tảng vận hành hệ thống chính trị xây dựng trên Dân quyền-đảm bảo sự riêng biệt của từng quốc gia.

Có lẽ tình trạng hỗn loạn tại Afghanistan sau các cuộc ủy thác quyền lực - tổng tuyển cử hay bầu cử tổng thống - đã phản ánh đầy đủ việc Washington quyết tâm phổ quát giá trị Mỹ tại xứ A-phú-hãn không hề có kết quả tốt.

Thứ ba, Washington vẫn giữ thói quen sử dụng uy lực Mỹ thay cho uy tín Mỹ

Có thể thấy rằng, việc sử dụng uy lực Mỹ thay cho uy tín Mỹ song hành với việc thay đổi bộ đôi công cụ cây gậy và củ cà rốt theo tỷ lệ nghịch, đã giảm tác hiệu từ gần 50 năm trước trong cuộc chiến tại Đông Dương, nhưng Washington vẫn sử dụng.

Thất bại trong phổ quát giá trị Mỹ khiến lực lượng thân Mỹ luôn mất thế - giảm lực sau các cuộc ủy thác quyền lực

Khi thế giới lưỡng cực được thay bằng thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ thì sức mạnh Mỹ như trở nên vô song, khiến Washington gần như chỉ sử dụng uy lực Mỹ, kéo dài cây gậy và thu nhỏ củ cà rốt trong việc sắp đặt các bàn cờ chính trị.

Khi thế giới đa cực được định hình thay cho thế giới đơn cực thì Washington vẫn giữ thói quen cũ. Tuy nhiên, điều đó đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình thực tế khi vị thế của Mỹ đã thay đổi.

Có lẽ thực tế là sức mạnh Mỹ lật đổ được chính quyền của Taliban, nhưng bom đạn Mỹ thì không tiêu diệt được Taliban đã minh chứng rõ ràng nhất cho sự lỗi thời của Washington khi sử dụng uy lực Mỹ thay cho uy tín Mỹ.

Khi kết thúc cuộc chiến Afghanistan theo cách không thể tệ hơn được nữa thì cả uy lực Mỹ và uy tín Mỹ đều suy giảm nghiêm trọng. Đây là hậu quả do lỗi thời của học thuyết Mỹ, chứ không phải là sai lầm của chiến lược Mỹ nên không thể sửa chữa.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-afghanistan-hoc-thuyet-loi-thoi-chu-khong-chi-sai-lam-chien-luoc-3435934/