Mỹ Á trúng 'mùa lúa' lạ

Hiện nay, nhiều ngư dân ở các tỉnh, thành ven biển than thở về luồng cá ở các ngư trường truyền thống có dấu hiệu cạn kiệt. Tuy nhiên, ngư dân ở cửa biển Mỹ Á (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) lại nở nụ cười thắng lợi, vì luồng cá thóc tự nhiên xuất hiện và tàu thuyền đánh bắt suốt mấy tháng mới hết. Câu chuyện về ngư dân Mỹ Á trúng mùa cá thóc cho thấy, nghề biển gian nan nhưng cũng ẩn chứa nhiều thú vị.

Tàu của ngư dân Mỹ Á quây lưới bắt cá thóc trên biển. Ảnh: Văn Chương

Tàu của ngư dân Mỹ Á quây lưới bắt cá thóc trên biển. Ảnh: Văn Chương

40 năm có một

Đã quá trưa, những chiếc tàu ở cửa biển Mỹ Á vẫn nối đuôi nhau vào bến. Âm thanh của tiếng máy, tiếng người lao xao, mọi người nói với nhau về việc cá vô liên tục nhưng không hề rớt giá. Ngư dân Mỹ Á trúng cá, nhưng lại trúng loại cá có tên là cá thóc, nên ngư dân vui miệng nói là “lúa về”. Khi tàu cá cập bờ, các ngư dân chia sẻ: Trước đây, khi tàu cá về bến, ngư dân chỉ cần bán cá thoải mái, nhưng bây giờ, phải khai báo khu vực đánh bắt, vì đã được tập huấn các quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp, để Việt Nam khỏi bị Liên minh châu Âu (EU) rút lại thẻ vàng, tạo điều kiện cho việc xuất nhập khẩu thủy sản.

Chiếc tàu QNg 94041 TS vừa cập bờ, các ngư dân mở thùng cá để trên boong tàu ra bán trước cho chủ quán nhậu. Cá thóc vừa đánh bắt trong đêm và chở ngay vào bờ vào buổi sáng nên tươi rói, thân cá màu đỏ ửng, mắt sáng lấp lánh như đèn pin. Nếu cá ngả màu trắng bạc và mắt mờ đi thì sẽ bị thu mua với giá chỉ chừng 20-30 ngàn đồng/kg. Còn cá tươi thì được thu mua với giá từ 100-120 ngàn đồng/kg. Các ngư dân trên tàu vui vẻ nói với tôi: “Tính ra, 40 năm nay, Mỹ Á mới trúng mùa cá thóc như vậy. Nếu nhà báo theo tàu trực tiếp ra biển thì sẽ quay phim được cảnh mắt cá sáng như đèn pha chạy loạn xạ trong lưới vây, trông rất đẹp”.

Cửa biển Mỹ Á nằm về phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi. Ngư dân ở cửa biển này không giỏi nghề, lanh lợi nổi tiếng như ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn, xã Bình Châu, Bình Chánh, nằm về phía Bắc của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, giới tài chính, ngân hàng ở Quảng Ngãi đánh giá, ngư dân ở đây làm biển theo kiểu ăn chắc, mặc bền, trả nợ vay ổn định. Dù là một địa phương nửa nông, nửa biển, nhưng các tàu công suất lớn của ngư dân ở Mỹ Á thì vươn ra vùng biển xa bờ đánh bắt rất thành công, còn đội tàu công suất nhỏ thì đánh bắt gần bờ và ít bị thua lỗ hơn các cửa biển khác.

Ngư dân Mỹ Á trước đây thỉnh thoảng cũng đánh bắt được cá thóc, nhưng với số lượng rất ít. Ông Nguyễn Diên, một lão ngư lớn tuổi ở làng chài cho biết: “Cả đời tôi, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến ngư dân trúng vụ cá thóc như vầy, mà trúng liên tục mấy tháng không ngớt”. Ông Diên kể, thỉnh thoảng, cá thóc đi thành bầy vào gần bờ và mắc lưới vây. Ngư dân đánh bắt được vài hôm thì tàu kéo lưới giã cào đi qua cũng cuốn sạch. Cá thóc những năm trước chỉ bán với giá chừng 20 ngàn đồng/kg. Còn năm nay thì giá rất cao. Cá thóc thường sống dưới rạn san hô ở đáy biển, ngư dân cho rằng, có thể vùng cá thóc bị động, cá cay mắt nên di chuyển vào gần bờ.

Loại cá thóc mà ngư dân Mỹ Á đánh bắt được là loại cá thóc nhỏ, trọng lượng ước chừng hơn 10 con/kg. Còn cá thóc lớn mà các ngư dân đi câu thường bủa lưới ở độ sâu 100m và đánh bắt được là cá thóc lớn. Cá thóc này có trọng lượng lên đến 2kg/con. Những loại cá lớn như vậy được ngư dân gọi là cá bả trầu, vì thân cá đỏ rực, mắt sáng long lanh, vi cá to, thịt cá thơm ngon.

1 tháng bằng 1 năm

“Dạo này gần bờ trúng lắm, hơn anh em đi đánh xa nhà”. Ngư dân ở cửa biển Mỹ Á đã chia sẻ thông tin so sánh về hiệu quả đánh bắt như vậy. Cứ vào dịp đầu năm, những đội tàu công suất lớn rời cửa biển Mỹ Á đi xa đánh bắt. Hết 1 phiên biển kéo dài 20 ngày thì ngư dân gửi tàu ở các cửa biển Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa rồi đón xe về quê. Những ngư dân này thường được xem là “đẳng cấp” hơn ngư dân đánh bắt gần bờ, chiều đi sáng vô. Nhưng vài tháng qua, ngư dân Mỹ Á nói vui là tàu đánh bắt gần bờ đã đạt đẳng cấp hơn tàu xa bờ về thu nhập. Vì ngư dân đi đánh bắt xa bờ có chung phần lưới, hoặc chỉ đi bạn, mỗi năm thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng. Nhưng mùa cá thóc vừa qua, có ngư dân chỉ đi bạn 20 ngày đã chia phần được hơn 70 triệu đồng.

Tàu cá QNg 98016 TS của ngư dân Trần Công Trứ ở cửa biển Mỹ Á bị nạn năm 2017. Ngư dân cả làng chài góp tiền giúp ông Trứ sửa chữa tàu và tiếp tục ra khơi. Trong mùa cá thóc vừa rồi, tàu của ông Trứ đã trúng đậm, một số ngư dân cho biết, “chỉ một trăng (tính 20 ngày đi biển), bạn đi trên tàu của ông Trứ đã được chia phần 71 triệu đồng, tính ra cao hơn hẳn anh em đi đánh bắt xa xôi, tiện lợi là cứ chiều đi biển rồi sáng vô bờ lo giúp việc gia đình”. Theo các ngư dân, tàu cá của ông Dương Dễ đã đánh bắt được 1,3 tỷ, chia phần bạn được 172 triệu đồng.

Cá thóc (bên trái). Ảnh: Văn Chương

Cửa biển Mỹ Á là nơi có thể viết được nhiều câu chuyện thú vị về nghề biển. Đối với đội tàu đánh bắt gần bờ, các ngư dân xuất bến đi biển và thu nhập đánh bắt hàng đêm dù không cao, nhưng cũng đủ chia cho anh em đi bạn và tôn tạo, sửa chữa tàu. Nhưng cứ thỉnh thoảng thì làng chài Mỹ Á lại có một đợt trúng hàng tấn cá ngừ, cá thu. Những lão ngư có thâm niên ở Mỹ Á cho biết, Mỹ Á nằm ở khu vực đàn cá thường di chuyển vào, vì vậy, ngư dân thường trúng đậm lộc biển vào dịp cận và sau Tết. Chỉ cần trúng cá trong vòng 1 tháng liên tục là làng chài đã nhộn nhịp và không khí vui vẻ, sôi động hẳn lên.

Nghề đánh cá có nhiều điều thú vị và khó lý giải. Theo các ngư dân, cả đoàn tàu đánh bắt đều trúng cá thóc, nhưng có 6 chiếc tàu lại không đánh bắt được gì. Khi ra biển, các tàu chong đèn để dụ cá thâu đêm. Lạ là tàu bên cạnh thì cá thóc kéo đến bơi lượn đỏ mặt biển, nhưng tàu cá cách đó chưa tới 1.000m thì chờ mãi không có con cá nào đến. Chuyện lạ trên không phải chỉ diễn ra 1-2 đêm mà cứ lặp đi lặp lại, khiến ngư dân làng chài thêm nhiều câu chuyện ngoài lề về việc đánh bắt thành công thì không phải chỉ nhờ năng lực và kinh nghiệm mà cần phải có thêm chút may mắn.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/my-a-trung-mua-lua-la/