MWG 'gánh lỗ' TAG

Sau thông tin sẽ sớm sáp nhập vào CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HoSe: MWG), CTCP Thế giới số Trần Anh (HNX: TAG) vừa công bố báo cáo soát xét bán niên 2017 (từ ngày 01/04 đến 30/9). Theo đó, kết quả thua lỗ của TAG sau soát có thể mới chỉ là thông tin bắt đầu cho sự 'bốc hơi' giá trị tài sản mà MWG đã đàm phán mua.

Thời gian qua, MWG đã thực thi chiến lược làm đến đâu mở rộng đầu tư ra đến đó. Doanh nghiệp này tận dụng huy động các nguồn lực một cách hiệu quả để trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lên tới trên 40.000 tỷ đồng, thuộc top đầu các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của MWG - Nguồn chứng khoán Phú Hưng

Mục đích thâu tóm TAG

Khi MWG thực thi M&A, cụ thể là thương vụ mua lại TAG, trong mắt giới đầu tư có thể lý giải rất nhiều mục đích khác nhau. TAG là doanh nghiệp điện máy sở hữu 34 siêu thị trong cả nước và phát triển mạnh ở miền Bắc, song nếu so với MWG, vốn hóa thị trường của TAG quá nhỏ (dưới 1.000 tỷ đồng). Dù vậy, TAG vẫn là doanh nghiệp mạnh và có giá trị thương hiệu đối với người tiêu dùng địa phương. Nếu nhìn một cách cực quan, việc MWG mua TAG có thể là một mũi tên trúng 2 đích: Thứ nhất, loại trừ một đối thủ ở địa bàn phía Bắc. Thứ hai, mở rộng hệ thống ở địa bàn một cách “thần tốc” hơn nữa, phục vụ cho các mục tiêu củng cố và mở rộng thị phần ngành lõi, đồng thời gia tăng cơ sở hạ tầng để phát triển các chiến lược dài hạn của MWG, bao gồm cả bách hóa xanh, lẫn lĩnh vực nhu yếu phẩm.

4,9 tỷ đồng là tổng số lỗ lũy kế của CTCP Thế giới số Trần Anh tính đến cuối quý 2 theo niên độ tài chính 2017-2018.

Tất cả các mũi nhọn trong chiến lược phát triển của MWG về cơ bản đều cần phát huy lợi thế phân phối nhờ điểm bán - hạ tầng bán lẻ. Khi doanh nghiệp đủ mạnh và cần “chớp thời cơ”, giảm chi phí cơ hội để “bung lụa” trên thị trường mục tiêu, giải pháp tốt nhất là chịu chi - thực thi M&A. Theo cách đó, MWG mua TAG nên được nhìn ở khía cạnh tích cực, tích hợp một hệ thống nhỏ vào một hệ thống lớn hơn, qua đó cũng góp phần giảm chi phí đầu tư từ đầu và chi phí vận hành ở quy mô co hẹp, doanh nghiệp có thêm cơ sở để tiếp cận thị trường.

“Gánh lỗ” có nằm trong dự tính?

Dĩ nhiên, nếu TAG đang ở thời kỳ hoàng kim và không ngại sự so đọ trực tiếp của những ông lớn, như FPT Shops, Vincom Retails…, có lẽ việc thương thảo để chấp thuận “về cùng một nhà” với MWG của cổ đông TAG cũng sẽ không dễ dàng.

Theo báo cáo tài chính tự lập của TAG, kết thúc quý 3/2017, tức quý 2 theo niên độ tài chính của doanh nghiệp, TAG tiếp tục lỗ 7,5 tỷ đồng, khiến lũy kế 6 tháng vẫn duy trì lỗ 4,9 tỷ đồng. Số liệu mới nhất từ báo do do kiểm toán KPMG soát xét đã đẩy số lỗ này tăng vọt hơn gấp đôi, lên 11,7 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá vốn của TAG tăng thêm 7 tỷ đồng. Theo lãnh đạo TAG, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này giảm sút do thông tin thị trường liên quan tới mua bán sáp nhập TAG đã ảnh hưởng tới tâm lý mua hàng của khách hàng. Tuy nhiên, điều này liên quan như thế nào đến giá vốn hàng bán vẫn là một câu hỏi.

Dù vậy, một chuyên gia cho rằng, khi thực thi M&A, MWG hẳn đã có định giá độc lập và nắm chắc hoạt động của TAG. Nói cách khác, khoản lỗ này đã nằm trong dự tính và gần như có thể hạch toán vào khoản “bốc hơi” giá trị thương hiệu - một bước khởi động để “xóa” dần thương hiệu TAG- vốn cũng là một những tài sản của doanh nghiệp được ước tính khá có giá trị khi gắn liền với người tiêu dùng ở những khu vực TAG phát triển kể từ năm 2002 cho đến nay.

Đối với các nhà đầu tư, tuy mọi thông tin lỗ và việc tăng lỗ lũy kế của TAG không hẳn là một tin vui vì đây là tài sản tương lai mà MWG đã bước đầu tiếp quản, song với quy mô quá nhỏ, gánh lỗ từ TAG không làm trĩu vai MWG. Cổ phiếu MWG hiện vẫn đang giao dịch quanh 136.000đ/cp, kể từ mức giá điều chỉnh hồi đầu tháng 11 về 125.000-128.000đ/cp. Ước tính trong vòng 1 tháng, giá cổ phiếu MWG vẫn tiếp tục đạt tăng khoảng xấp xỉ 8%. Giới chuyên gia cho rằng, rủi ro của MWG không đến từ TAG và số lỗ sau soát xét tăng vọt, mà đến từ chính chiến lược hoạt động của doanh nghiệp với việc tăng vốn quá nhanh. Đặc biệt, nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro pha loãng cổ phiếu khi MWG đang tiếp tục kế hoạch huy động vốn lớn hơn nữa, để thực hiện tham vọng bành trướng những lĩnh vực mới của mình.

Suy giảm hiệu quả hoạt động

Theo phân tích của CTCK Phú Hưng (PHS), ngoài rủi ro pha loãng cổ phiếu, MWG đang gặp một số thách thức: Thứ nhất, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm trong hai năm gần đây, ở mức đáng chú ý. Cụ thể, mặc dù doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh (năm 2016 doanh thu tăng 77%, lợi nhuận sau thuế tăng 47%), dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lại ở mức âm khá cao (âm 586 tỷ đồng năm 2016, bằng khoảng 37% lợi nhuận sau thuế). Như vậy, doanh thu tăng mạnh nhưng lại không đem tiền về cho doanh nghiệp, trong đó nguyên nhân chính do mức tăng hàng tồn kho (chiếm 9.371 tỷ đồng, tăng 190% so với cùng kỳ), đồng thời khoản phải thu tăng cao, với khoản phải thu từ chiết khấu bởi các nhà cung cấp khoảng 817 tỷ đồng (tăng 2,6 lần so với năm trước).

Thứ hai, nợ cao, chi phí lãi vay tăng cao: MWG có mức nợ cao và có xu hướng tăng mạnh những năm gần đây để tài trợ cho các hoạt động đầu tư phát triển chuỗi điện máy và hiện thực hóa chuỗi thực phẩm. Năm 2016, mức nợ vay của MWG bằng 74% tổng tài sản, và doanh nghiệp này phải bỏ ra 120 tỷ đồng để trả lãi vay, tăng gấp 3 lần so với một năm trước.

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của MWG đang suy giảm khi chi phí gia tăng, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tài sản (ROA) của MWG suy giảm từ năm 2014 đến nay, dù biên lợi nhuận gộp duy trì trên mức 15%.

Một điểm đáng lưu ý nữa là trong khi Bách Hóa Xanh và thương mại điện tử cần lực đầu tư lẫn thời gian, thì mảng điện thoại đang có chiều hướng chững lại.

Việc mua lại TAG, kể cả khi TAG giảm giá tài sản do lỗ, vẫn được đánh giá là quyết định khôn ngoan để MWG nhanh chóng thâm nhập sâu và gặt hái mảng điện máy thông qua nền tảng của TAG ở thị trường phía Bắc.

Lê Mỹ

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/mwg-ganh-lo-tag-120588.html