MV Parody: Sẽ thất bại nếu dung tục, phản cảm

Nếu bạn gõ từ khóa parody để tìm kiếm trên kênh YouTube sẽ cho ra hơn 40 triệu kết quả, một con số không hề nhỏ. Trong đó, các MV ca nhạc parody đều có lượt xem vô cùng ấn tượng. Vậy parody là gì mà có sức hấp dẫn 'khủng' đến thế?

Vài năm trở lại đây, trào lưu MV parody trở thành “cơn sốt” trên mạng xã hội và trở thành món ăn tinh thần của giới trẻ. Hàng loạt MV phiên bản parody đã tạo được “cú hích” lớn với hàng triệu lượt xem chỉ trong thời gian ngắn ra mắt, có thể kể đến như: Anh không đòi quà, Chúng ta không thuộc về nhau, Bao giờ em lấy chồng - BB&BG; Ghen – BB Trần; Vợ người ta - Ghiền Mì Gõ,... Hay mới đây thôi, Em gái mưa phiên bản parody của “phù thủy” Huỳnh Lập đã tạo nên làn sóng không thể ngờ trên mạng xã hội, khi chỉ sau hai ngày ra mắt đã đạt 4 triệu lượt xem, vượt cả bản gốc.

Một cảnh trong MV Parody "Em gái mưa" của Huỳnh Lập.

Một cảnh trong MV Parody "Em gái mưa" của Huỳnh Lập.

Trong suy nghĩ của nhiều người, khái niệm parody chỉ đơn giản là “nhại”, chế lại những sản phẩm âm nhạc đình đám của Vpop, nhưng khi nhìn vào những “con số không tưởng” này, hẳn mọi người sẽ phải cất công giải mã “cơn sốt” này.

Màn biến tấu gây nghiện

Diễn viên BB Trần (Trần Bảo Bảo) – gương mặt đình đám trong làng parody Việt bày tỏ: “Parody khác cover. Cover là hát lại bài hát gốc với một cách thể hiện khác, còn parody phải làm lại cả MV gốc theo hướng giải trí và hài hước. Thuở mới làm parody, tôi cũng phải đối mặt với không ít bình luận gay gắt như dựa hơi, ăn cắp ý tưởng.

Nhưng, nhìn một cách khách quan sẽ thấy MV parody của BB Trần thường dựa trên sườn của MV gốc, nhưng các tình tiết, tình huống hài hước đều được thêm thắt, có nội dung ý nghĩa và phải logic. Thế nên, parody không chỉ đơn giản “nhại” lại hoàn toàn MV gốc, mà đòi hỏi sáng tạo và sự sắp đặt hợp lý rất cao”.

“Đúng là MV parody “nhại” những sản phẩm đình đám của nghệ sĩ khác, nhưng nếu làm không khéo thì phiên bản parody rất dễ bị “ném đá”. Bởi, parody không đơn thuần chỉ dựa theo sản phẩm có sẵn, mà phải chứa đựng hàm ý và thông điệp ý nghĩa”, diễn viên Tiến Công - thành viên nhóm parody nổi tiếng BB&BG nêu ý kiến.

Điều đáng nói, việc thực hiện những MV parody dựa trên sản phẩm âm nhạc vốn đã nổi tiếng, thành công quả thực không phải là điều dễ dàng. Nói về vấn đề này, đạo diễn trẻ Vũ Duy Anh - chủ nhân của nhiều MV ca nhạc và MV parody chia sẻ: “Để thực hiện được một MV parody phải tốn rất nhiều tâm huyết, chất xám. Từ một MV gốc nghiêm túc, đậm chất ngôn tình, nhưng khi chuyển sang bản parody phải biến hóa tài tình để gây cười.

Song, parody có lợi thế là thể hiện được những điều trái ngược trong cuộc sống bằng hình ảnh và ngôn từ hài hước, gây cười. Bên cạnh giá trị giải trí, parody cũng là cách đưa ra quan điểm giới trẻ theo cách hài hước nhất. Đây cũng là thể loại châm biếm những thói hư tật xấu và nêu lên các vấn đề về chính trị một cách khéo léo”.

Trong khi đó, diễn viên Tiến Công nhìn nhận: “Tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người, mà có sự sáng tạo, biến tấu hài hước phù hợp với từng tình huống cụ thể dựa trên MV gốc. Thêm vào đó, cách diễn xuất hài hước, “lầy lội” của các diễn viên là "chìa khóa" giúp các sản phẩm của BB&BG tạo được dấu ấn nhất định”.

Là người “đầu tàu” cho ra đời rất nhiều sản phẩm parody, BB Trần chia sẻ: “Tính tới thời điểm hiện tại, tôi đã làm trên 10 MV parody, có thể gọi đó là gia tài của BB Trần. Đầu óc luôn phải nghĩ ra những ý tưởng mới lạ, độc đáo, bất ngờ nên đôi lúc rơi vào tình trạng cạn kiệt, bế tắc. Cũng rất muốn cho ra đời nhiều sản phẩm parody, nhưng lại không thể nghĩ ra được ý tưởng. Thậm chí, có những MV nghĩ được tình tiết hài, nhưng lại không nghĩ được nội dung để kết hợp hai yếu tố với nhau”.

Hết thời “làm chơi ăn thật”

Ngoài vấn đề bản quyền, ý tưởng, kịch bản,... thì chi phí để thực hiện sản phẩm parody cũng là “bài toán” đau đầu của ê- kíp. Nếu như trước đây, parody được xem “làm chơi”, nhưng trong xu thế hiện nay với “làn sóng” parody ngày càng mạnh mẽ, cùng sự yêu cầu gắt gao hơn của khán giả thì buộc người thực hiện phải làm thật mới có thể ăn thật.

“Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ làm MV parody ít tốn kém, và ngay bản thân tôi khi chưa làm cũng từng có suy nghĩ như vậy. Nhưng, khi bắt tay vào thực hiện thì mới thấy nó không hề đơn giản chút nào, rất tốn kém, chỉ là không bằng chi phí của MV gốc. Cá nhân tôi thường làm theo cảm hứng, ít khi nhờ sự trợ giúp từ nhà tài trợ.

Thế nên, việc tự bỏ tiền ra làm là cả một vấn đề, từ thuê ê-kíp, máy móc, rồi may lại toàn bộ trang phục. Vì ngoại hình khá to con, nên khó mặc lại những trang phục của các ca sĩ, nên phải may lại. Đến khi tổng kết lại thì lúc nào cũng vượt mức mà mình đã định”, BB Trần cho hay.

Đạo diễn Vũ Duy Anh nhìn nhận: “Để nói vào tốn kém hay không còn tùy vào người làm MV parody đó muốn như thế nào. Có thể, với những góc máy đơn giản, đồ nghề đơn giản, thậm chí chỉ cần chiếc điện thoại trên tay bạn không cần tốn một xu nào cũng có thể có một MV parody ra trò thu hút người xem có ý tưởng tốt. Còn với những ai muốn chú trọng về hình ảnh đẹp, độc, lạ... thì số kinh phí tùy thuộc vào người thực hiện muốn ý tưởng đó đẹp lạ đến đâu”.

Diễn viên Tiến Công trăn trở: “Thực sự, để thực hiện một sản phẩm parody hoàn chỉnh là điều không hề dễ dàng và rất tốn kém. Bởi, khi làm lại một sản phẩm âm nhạc bằng phiên bản parody, thì phải tốn chi phí xây dựng lại bối cảnh, trang phục sao cho giống với bản gốc.

Để cho ra đời MV parody Chúng ta không thuộc về nhau “có một không hai”, nhóm BB&BG đã tốn khoảng 100 triệu đồng, gần với chi phí làm MV của các ca sĩ. Riêng kinh phí đầu tư trang phục, makeup để thực hiện MV Keep me in love, BB&BG cũng tốn khoảng 50 triệu đồng rồi”.

Ranh giới hài hước và phản cảm mong manh

Đành rằng việc đầu tư số tiền lớn giúp cho sản phẩm có chất lượng tốt hơn và nâng cao vị thế của nghệ sĩ, nhưng giá trị thật sự và sự tồn tại của tác phẩm không nằm ở những con số “khủng”, mà nằm ở chỗ nội dung tác phẩm đó có ý nghĩa gì, mang lại điều gì cho khán giả. Nhất là với sức ảnh hưởng rất lớn của “cơn bão” parody như hiện nay, thì ranh giới mong manh giữa sáng tạo nghệ thuật với dung tục, phản cảm lại là điều rất được khán giả quan tâm. Đó cũng là áp lực không hề nhỏ đối với BB Trần khi quyết định thực hiện các sản phẩm parody.

BB Trần.

“Sau khi trình làng một số sản phẩm, tôi phát hiện ra không chỉ giới trẻ mà cả các em bé, hay phụ huynh cũng xem MV parody. Thế nên, tôi phải rất cân nhắc khi lên ý tưởng kịch bản, phải xem xét cẩn thận, cái nào phù hợp mới dám làm. Tuyệt đối không để những yếu tố phản cảm làm ảnh hưởng đến người xem”, nam diễn viên chia sẻ.

Nói về điều này, đạo diễn Vũ Duy Anh bày tỏ: “Đây thực sự là điều trăn trở khi lên ý tưởng cho một MV parody, làm sao vừa gây cười, hài hước nhưng không dung tục, phản cảm, không tha hóa về hình ảnh, ảnh hưởng tới người xem. Thế nên, khâu ý tưởng phải mất rất nhiều thời gian để suy nghĩ, lên kịch bản rõ ràng. Bản thân tôi vẫn luôn cố gắng để làm sao truyền đạt được những điều tốt đẹp nhất và mang lại niềm vui cho người xem”.

Đồng quan điểm, diễn viên Tiến Công nói: “Để thực hiện một MV parody vừa gây cười, hài hước, có ý nghĩa nhưng không dung tục, phản cảm tùy thuộc rất nhiều vào người lên ý tưởng, kịch bản. Một khi đã quyết định làm parody thì phải có ý tưởng và kịch bản tốt, ý nghĩa. Như các bạn đã xem, các sản phẩm paro- dy của BB&BG đều rất hài hước, không hề dung tục phản cảm mà chứa đựng những hàm ý, câu chuyện ý nghĩa”.

Hà Linh

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 45

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/mv-parody-se-that-bai-neu-dung-tuc-phan-cam-a209045.html