MV của Sơn Tùng M-TP cần được kiểm duyệt nội dung về tự tử

Hình ảnh cực đoan trong MV của Sơn Tùng M-TP bị khán giả chỉ trích. Nhiều người kêu gọi kiểm duyệt, dán nhãn, thậm chí gỡ bỏ sản phẩm âm nhạc này.

Hình ảnh cực đoan trong MV của Sơn Tùng M-TP bị khán giả chỉ trích. Nhiều người kêu gọi kiểm duyệt, dán nhãn, thậm chí gỡ bỏ sản phẩm âm nhạc này.

Ngay sau khi ra mắt vào tối 28/4, MV There's No One At All của ca sĩ Sơn Tùng M-TP nhận nhiều phản hồi tiêu cực. Hình ảnh bạo lực, mô tả tự sát bị lên án không phù hợp, ảnh hưởng tiêu cực đến khán giả, đặc biệt là người xem trẻ tuổi.

Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM cho biết đã nắm thông tin và đang xem xét biện pháp xử lý.

"Hình ảnh trong MV có nội dung tiêu cực tới giới trẻ, thể hiện suy nghĩ, lối sống và hành động tự tử gây tác hại lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều bạn trẻ có vấn đề về tâm lý sau hai năm đại dịch", ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) nói với Zing.

 MV "There's No One At All" của Sơn Tùng bị chỉ trích vì thúc đẩy hành vi tiêu cực.

MV "There's No One At All" của Sơn Tùng bị chỉ trích vì thúc đẩy hành vi tiêu cực.

Trong bối cảnh các vụ thanh thiếu niên tự tử liên tiếp xảy ra thời gian qua, đa phần ý kiến lo lắng MV của Sơn Tùng có thể tác động tiêu cực, cổ xúy hành động cực đoan.

Nhiều khán giả đã kêu gọi tẩy chay, báo cáo tới nền tảng và đề nghị cơ quan chức năng kiểm duyệt, dán nhãn, thậm chí gỡ bỏ sản phẩm âm nhạc này.

Bị cấm sóng vì ca từ nhạy cảm

Năm 2007, hàng loạt đài phát thanh, truyền hình đã tuyên bố cấm sóng Beautiful Girls của ca sĩ người Mỹ Sean Kingston vì lo ngại ca từ bài hát có thể cổ xúy tự tử ở người trẻ, theo NPR.

FM1042FM, hai kênh phát thanh của Ireland, thông báo ca khúc không còn trong danh sách phát nhạc của họ vì "nội dung không phù hợp. Còn MTV và một số đài khác chỉ phát bản chỉnh sửa của Beautiful Girls sau khi loại bỏ những câu hát nhạy cảm.

Đại diện của FM104 cho biết nhà đài đưa ra quyết định sau khi thăm dò ý kiến của người nghe. "Khi xem xét tỷ lệ tự tử rất cao trong giới trẻ Ireland, chúng tôi đã quyết định hành động. Dù bài hát nổi tiếng và thu hút, với tư cách là một công ty có trách nhiệm, FM104 vẫn quyết cắt nó khỏi danh sách".

Chủ tịch Hiệp hội chống tử tự của Ireland, ông Dan Neville, cho biết lời bài hát có tính chất gợi ý hành vi tự sát và xét đến yếu tố "lây lan" hoặc "bắt chước" của một số vụ tự tử, việc kiểm duyệt ca khúc là rất cần thiết.

"Ca khúc ngụ ý rằng sự đổ vỡ tình cảm sẽ dẫn đến việc tự sát. Điều này có tác động tiêu cực tới người trẻ, nhóm rất nhạy cảm và lo ngại về vấn đề tự làm hại bản thân", ông Neville nói.

Ca khúc "Beautiful Girls" của ca sĩ Sean Kingston bị nhiều đài phát thanh, truyền hình cấm sóng. Ảnh: Gabe Ginsberg.

Beautiful Girls không phải ca khúc duy nhất bị cấm sóng khi khai thác nội dung tự sát.

Được sáng tác vào năm 1933 bởi nhạc sĩ người Hungary - Rezso Seress, ca khúc Gloomy Sunday được cho đã thúc đẩy hàng trăm vụ tự sát ở Hungary và Mỹ.

BBC từng cấm phát sóng phiên bản Gloomy Sunday do ca sĩ Billie Holiday thể hiện vì sợ ca khúc "gây bất lợi cho tinh thần thời chiến". Lệnh cấm đã được dỡ bỏ vào năm 2002.

Tương tự, BBC cũng từng cấm Suicide Is Painless, một sáng tác của Johnny Mandel và Michael Altman, vì nội dung u ám, đáng sợ.

Năm 2017, bài hát Creature Comfort của ban nhạc Arcade Fire đã bị cắt bỏ hết các từ "suicide", "dying", "pills" và "cut" khi được lên sóng ở Canada.

Tại Trung Quốc, Bộ Văn hóa đã đưa ra danh sách 120 ca khúc bị cấm vào năm 2015. Các trang web được yêu cầu xóa những bài hát này trong vòng 15 ngày nếu không sẽ bị phạt nặng.

Trong danh sách bị cấm, nhiều ca khúc nói về chết chóc, tự sát tập thể hoặc "kích động tục tĩu, bạo lực, tiếp tay cho tội phạm, gây nguy hại đến đạo đức xã hội".

Sức khỏe tâm thần trong âm nhạc

Sau nhiều năm bị phân biệt đối xử, những người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần đang dần được chấp nhận trong xã hội hiện đại. Vấn đề này cũng được các nghệ sĩ và ban nhạc nổi tiếng thế giới như Imagine Dragons, Shawn Mendez và Bebe Rexha đề cập sâu rộng hơn trong âm nhạc chính thống.

Đây có thể được coi là một động thái tích cực, nhằm phá vỡ sự im lặng xung quanh các vấn đề tâm thần. Tuy nhiên mặt trái của nó là các bài hát lạm dụng mô tả chi tiết, bi kịch quá mức có thể thúc đẩy hành vi tự làm hại bản thân.

Sự kiểm duyệt nội dung trở nên cần thiết và quan trọng trong những trường hợp này. Kiểm duyệt như thế nào và kiểm duyệt bao nhiêu (một phần hay toàn bộ) là câu hỏi cần phải làm rõ trong từng hoàn cảnh, tác phẩm cụ thể.

Cùng nói về trầm cảm, tự sát nhưng một số bài hát, video âm nhạc có tác động tích cực đến người nghe, trong khi số khác lại thúc đẩy hành vi tiêu cực.

In My Blood của Shawn Mendez đề cập đến cuộc đấu tranh của ca sĩ với sự lo lắng, mệt mỏi nhưng cũng khẳng định việc không từ bỏ như một phẩm chất đã "nằm trong máu". Bằng cách này, Mendez tiếp cận tới hàng nghìn người bị rối loạn sức khỏe tâm thần, mang lại hy vọng và niềm tin rằng các cá nhân có thể hồi phục.

Ngược lại, Bleeding Out của Imagine Dragons và If I Die Young của The Band Perry lại gây tranh cãi vì ca từ thúc giục hoặc bình thường hóa tự tử.

Ca sĩ Bebe Rexha bị chỉ trích vì mô tả sai lệch về bệnh nhân tâm thần trong "I'm A Mess". Ảnh: Jack Gorlin.

I'm A Mess của Bebe Rexha bị chỉ trích vì miêu tả một người bị giam giữ trong trại tâm thần kiểu cũ, qua đó củng cố định kiến không chính xác về quá trình điều trị bệnh tâm thần.

Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh mối liên hệ nhân quả trực tiếp giữa sở thích âm nhạc và tình trạng tự tử.

Tuy nhiên, có nhiều dẫn chứng cho thấy sự liên quan gián tiếp. Các nghiên cứu của Baker và Bor (năm 2008), Stack (1998), Lacourse (2001) và Martin (1993) chỉ ra rằng những người thích nghe dòng heavy metal (thể loại nhạc rock phát triển vào cuối những năm 1960 và đầu 1970) có thể thích lối sống nguy hiểm hơn (ví dụ như lái xe khi say rượu, quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng ma túy, ăn cắp và phá hoại). Họ cũng có thể dễ dàng chấp nhận việc tự tử hơn.

Theo Tiến sĩ Sandra Garrido tại Viện Nghiên cứu não bộ, hành vi và phát triển MARCS thuộc Đại học Western Sydney (Australia), sự kỳ thị, xấu hổ, thiếu nhận thức về sức khỏe tâm thần khiến người trẻ ngại nói ra vấn đề của mình và âm nhạc đang là cách tốt nhất để bắt đầu các cuộc trò chuyện cởi mở hơn.

"Tuy vậy, sự ảnh hưởng của âm nhạc đối với người nghe là rất phức tạp. Người ta thường nghĩ lúc buồn phải nghe nhạc vui và ngược lại để cải thiện tâm trạng. Nhưng thực tế không phải vậy, kết quả còn phụ thuộc vào các yếu tố cả khách quan, lẫn chủ quan.

Chính vì thế, khi kiểm duyệt một tác phẩm cũng cần dựa trên sự xem xét toàn diện. Ngoài cân nhắc nội dung tác phẩm, ta còn phải nhìn vào bối cảnh chung, sự tác động đối với từng cá nhân, từng nhóm người".

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-kiem-duyet-noi-dung-ve-tu-tu-trong-mv-cua-son-tung-m-tp-post1313086.html