MV của K-ICM và 10X Xesi: Nhạc ấn tượng, hình ảnh 'lẩu thập cẩm'

Hợp tác với Xesi, K-ICM trở lại cùng âm thanh của nhạc cụ dân tộc kết hợp EDM. Giọng của Xesi cũng có nhiều cải thiện so với thời 'Túy âm'.

Sau những sản phẩm liên tiếp kết hợp với Quang Đông, Huy R, Wren Evans, tối 3/7, K-ICM tiếp tục ra mắt MV mới. Sản phẩm lần này đánh dấu sự đồng hành giữa nhà sản xuất âm nhạc trẻ với Xesi - giọng ca 10X vốn được biết đến với bản hit Túy âm.

Như nối tiếp hiệu ứng của Túy âm, sản phẩm lần này được đặt tên là Túy họa. K-ICM đóng vai trò sáng tác kiêm producer âm nhạc. Như thường lệ, anh cũng tham gia diễn xuất trong MV cùng với Xesi. Hai người có những kết hợp ăn ý trong âm nhạc dù chất lượng hình ảnh gây nhiều tiếc nuối.

 K-ICM trở lại với nhạc cụ dân tộc.

K-ICM trở lại với nhạc cụ dân tộc.

K-ICM và Xesi kết hợp ấn tượng

Sau khi chia tay Jack, cộng sự được cho là ăn ý nhất, K-ICM đã gần như từ bỏ phong cách làm nhạc mang màu sắc ngũ cung, dân gian với sự pha trộn của nhạc cụ điện tử với nhạc cụ dân tộc trong hơi hướm của world music.

Nếu với Quang Đông, K-ICM thể hiện màu sắc của pop ballad, trong cú bắt tay với giọng ca trẻ Wren Evans gần nhất, anh lại chứng tỏ khả năng âm nhạc ở dòng funky pha trap.

Dù chất funky trong Fever không rõ nét do không đảm bảo được liều lượng của nhạc cụ đặc trưng, song, không thể phủ nhận K-ICM đa tài và có khả năng theo đuổi nhiều thể loại, nhiều màu sắc âm nhạc.

MV có chất lượng âm nhạc tốt nhưng mất điểm về hình ảnh.

Nhưng khi đi qua các chất liệu khác nhau, không khó để nhận xét, cá tính âm nhạc nổi bật nhất của K-ICM vẫn là sự biến báo khi anh sử dụng nhạc cụ dân tộc kết hợp với âm thanh điện tử, các loại đàn phím. Với Túy họa, kết hợp với Xesi, K-ICM trở lại với màu sắc này.

Túy họa mở đầu bằng nhạc cụ dân tộc và thuyết phục ngay phần verse (đoạn) đầu tiên. Thông thường, giới làm nhạc thường giữ truyền thống tôn vinh chorus (điệp khúc) hoặc bridge (đoạn chuyển) cuối bài nhưng lần này, ngay phần mở đầu, K-ICM đã chinh phục người nghe bằng giai điệu và ca từ bắt tai và hấp dẫn nhất.

Ca khúc sau đó bị đuối ở phần giữa, trong khi đoạn cuối bài lại dễ đoán biết và cho thấy sự lặp lại. Nhưng tổng thể của Túy họa vẫn đáng khen nhờ sự hài hòa trong thiết kế âm thanh, hòa âm -phối khí.

Trên cơ sở nền nhạc tốt, giọng của Xesi khá ấn tượng. Xesi vẫn giữ được chất giọng có màu sắc dân gian nhưng lại được xử lý theo cách hiện đại. Trước đó, với Túy âm, giọng của nữ ca sĩ từng bị chê còn mỏng, non nớt nhưng với Túy họa lần này, giọng của cô có nhiều cải thiện.

Xesi cũng có kiểu luyến láy khá lạ so với các giọng nữ trẻ trên thị trường hiện nay, ma mị và lành lạnh, nếu phát huy được sự riêng biệt này, cô có thể trở thành một màu sắc khác hẳn của nhạc Việt.

Túy họa thể hiện rõ những ăn ý trong sản phẩm đánh dấu sự hợp tác với K-ICM và Xesi. Cả hai đều có đất diễn để khoe thể mạnh vốn có và cho thấy là một “cặp đôi” có thể đi được đường dài về âm nhạc.

Hình ảnh “lẩu thập cẩm”

Túy họa có chất lượng âm nhạc tốt. So với các ca khúc tự viết trước đó của K-ICM, Túy họa cũng có phần lời ấn tượng, tạo tiền đề cho sự đan xen của nhạc cụ dân tộc. Giọng của Xesi cũng tạo ra những ngân nga, lưu luyến với tần số âm thanh rất dễ chịu.

Song, trái với những ấn tượng về mặt âm nhạc, hình ảnh của của MV có chất lượng tương đối tệ. MV do Nguyễn Chung đạo diễn được giới thiệu là mang đến một không gian ma mị với bối cảnh là một tửu quán thời xưa, nơi hội tụ đủ loại người từ hiệp khách, giai nhân đến kỹ nữ, giang hồ…

Đây cũng là nơi nảy sinh chuyện tình ngang trái của cặp nam nữ chính. Câu chuyện MV kể về một cô gái do Tường Linh đóng bị người đàn ông của mình phản bội ngay trước mặt người yêu cũ - K-ICM thủ vai.

Tuy đã hết duyên với Tường Linh nhưng K-ICM vẫn xả thân cứu nàng trong cơn lúc hiểm nguy. Trong khi, Xesi đem lòng tương tư K-ICM nhưng chỉ dám đứng nhìn từ xa vì số phận là người mang kiếp cầm ca.

Kịch bản MV tệ vì xây dựng chuyện tình lộn xộn nhưng lại không gửi gắm được thông điệp cụ thể, không phát triển được nội tâm, cảm xúc của từng nhân vật.

Một phần trang phục giống cổ trang Trung Quốc nhưng vấn đội đầu của nhân vật nữ lại mang bản sắc của Việt Nam, trong khi một số trang phục khác lại giống Nhật Bản, thậm chí cả "thời trang" trên lưng ngựa của Mông Cổ.

Hình ảnh lộn xộn, thiếu thông điệp, thua xa sự bắt tai và thuyết phục về âm nhạc.

Sáng 4/7, trên mạng xã hội cũng có bài viết dài cho rằng trang phục của nam chính đã đạo nhái của một nhân vật đam mỹ Trung Quốc do có nhiều điểm tương đồng. Trong khi một tài khoản khác lại cáo buộc ê-kíp MV đã sử dụng bức tranh vẽ của mình mà chưa xin phép.

Thực tế, sự đan xen của nhiều loại trang phục vốn dễ tạo ra sự đa dạng về màu sắc, giúp hình ảnh sinh động nhưng do bàn tay sắp đặt non nớt của đạo diễn, biên kịch, Túy họa giống nồi “lẩu thập cẩm” về hình ảnh, không đầu không cuối, thể hiện khả năng yếu kém về chuyên môn thời trang và sáng tạo nghệ thuật.

Kiểu làm cổ trang hơi hướm phục trang phim kiếm hiệp Trung Quốc cũng đã lỗi thời, nhất là khi nhiều ê-kíp MV hiện nay đang tôn vinh văn hóa, giá trị dân gian Việt.

Trong khi, thị trường nhạc Việt có nhiều MV với phần hình ảnh có chất lượng tốt, cứu cả âm nhạc, Túy họa của K-ICM và Xesi ngược lại. Phần hình ảnh thua xa chất lượng âm nhạc, trở thành tiếc nuối cho sản phẩm đánh dấu hợp tác của cả hai.

Quang Đức
Đồ họa: Minh Hồng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mv-cua-k-icm-va-10x-xesi-nhac-an-tuong-hinh-anh-lau-thap-cam-post1102816.html