Mưu sinh trên lòng hồ Bản Vẽ - bấp bênh và rủi ro

Từ năm 2010, nguồn điện năng của Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An) chính thức hòa lưới điện quốc gia và trở thành nhà máy cung cấp thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung. Đây là sự kiện quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương và khu vực phát triển. Tuy nhiên, với người dân địa phương, làm quen với cuộc sống mới là chuyện không đơn giản. Vì thế, cuộc sống của họ trở nên bấp bênh và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hồ thủy điện Bản Vẽ có diện tích khoảng 5.000ha mặt nước và nằm trên địa bàn 4 xã: Yên Na, Hữu Khuông, Mai Sơn và Nhôn Mai. Khi nhà máy thủy điện mới đi vào hoạt động, có vài ba gia đình ra bến thượng lưu, gần đập thủy điện dựng bè để thu mua, buôn bán thủy sản. Sau đó, khách du lịch đến ngày một nhiều và có nhu cầu tham quan, khám phá mặt hồ, ăn uống nên không ít gia đình đã đầu tư mua thuyền, dựng bè làm quán ăn và dịch vụ chở khách tham quan. Đến nay, ở khu vực này đã có 10 hộ với hơn chục chiếc thuyền chở khách du lịch và 5 sà lan chở hàng hóa. Công việc hằng ngày của họ chủ yếu tập trung vào hoạt động đánh bắt, thu mua thủy sản; bán hàng ăn uống và chở khách tham quan. Để có đủ điều kiện làm ăn, mỗi gia đình phải đầu tư 30-40 triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với người dân trong vùng. Bên cạnh các gia đình kinh doanh ở khu vực bến thượng lưu, còn có một số hộ lập bè sinh sống rải rác trong lòng hồ. Họ vừa chăn nuôi trâu, bò, phát nương, làm rẫy, vừa lập bè để đánh bắt cá và kinh doanh cửa hàng ăn uống phục vụ du khách. “Đánh cá và chở khách trở thành nghề chính của những gia đình sống trên hồ Bản Vẽ”. Đó là nhận định của ông Kha Văn Ót, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương.

 Điểm tập trung thuyền bè của người dân trên bến thượng nguồn lòng hồ Bản Vẽ.

Điểm tập trung thuyền bè của người dân trên bến thượng nguồn lòng hồ Bản Vẽ.

Để tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ những người dân sinh sống trên lòng hồ, những năm đầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã đầu tư từ 2 đến 3 tỷ đồng/năm để mua cá giống thả xuống hồ. Đến nay, khoản đầu tư này giảm xuống còn 500-700 triệu đồng/năm. Chính quyền địa phương cũng đưa ra những quy định về khai thác thủy sản, trong đó cho phép các phương pháp đánh bắt, như chài lưới, câu… mà nghiêm cấm việc nổ mìn, dùng kích điện đánh bắt thủy sản. Mặt khác, để tham gia các hoạt động đánh bắt thủy sản ở lòng hồ, người dân địa phương phải đăng ký với chính quyền và nộp thuế môn bài. Thế nhưng hiện tại không ít hộ khai thác thủy sản, chở khách du lịch thuộc xã Yên Na do quá nghèo nên chưa nộp thuế môn bài. Một người dân chuyên lái thuyền chở khách, cho biết: "Do đất đai canh tác bị ngập hết nên gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác chuyển sang làm nghề này để sinh sống, vì không muốn chuyển đi tái định cư nơi khác. Tuy nhiên, mưu sinh bằng nghề chở khách du lịch cũng rất bấp bênh. Mùa mưa lũ, không có khách du lịch, chúng tôi phải vay mượn để sống qua ngày".

Hiện có tới gần 300 hộ mưu sinh trên lòng hồ. Điều đáng nói là hơn 1/2 số hộ trên sau khi đến khu tái định cư sinh sống do gặp nhiều khó khăn nên đã bỏ về quê cũ mưu sinh. Họ khai thác những vạt đất còn sót lại để dựng nhà hoặc lựa chọn sinh sống trên bè nổi. Dù biết nhiều nguy hiểm đang rình rập, nhưng họ vẫn lựa chọn. Nguyên nhân là do cuộc sống ở khu tái định cư quá khó khăn, một phần vì việc đền bù đất đai sau khi giải phóng mặt bằng vẫn chưa được thực hiện thỏa đáng (còn hơn 800 hộ chưa được Nhà nước đền bù). Trong quy hoạch phát triển của thủy điện Bản Vẽ, ngoài việc phát triển điện lực thì còn hai hạng mục khác là xây dựng nhà máy thủy sản và thành lập Công ty Du lịch Bản Vẽ. Thế nhưng, cả hai hạng mục này đều chưa hoàn thành, trong khi việc khai thác thủy sản hay dịch vụ du lịch chủ yếu vẫn là tự phát. Điều này càng làm cho cuộc sống của những người dân nơi đây thêm rủi ro. Những hoạt động như khai thác thủy sản hay vận chuyển hành khách tham quan đều không có được những điều kiện bảo đảm an toàn. Theo quy định, các thuyền phải trang bị áo phao khi hoạt động nhưng chất lượng áo còn kém và rất nguy hiểm khi gặp sự cố. Không phải người dân không nhận thức được những điều đó mà là do điều kiện của họ chưa thể đáp ứng được.

Theo ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Để giúp các hộ dân đang mưu sinh trên lòng hồ Bản Vẽ sớm ổn định cuộc sống, cần phải dành một phần nguồn thu từ kinh doanh điện lực để quay lại hỗ trợ cho họ. Bên cạnh đó, cũng cần sự nỗ lực của chính người dân và sự quan tâm của toàn xã hội.

Bài và ảnh: TRANG TUỆ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/muu-sinh-tren-long-ho-ban-ve-bap-benh-va-rui-ro-576841