Mưu sinh trên dòng sông ô nhiễm bậc nhất thế giới

Citarum được xem là một trong những con sông ô nhiễm nhất thế giới hiện nay. Hàng chục năm qua, hàng triệu người dân Indonesia vẫn sinh sống dựa vào nguồn nước từ nó.

 “Bước đến bờ sông Citarum ở Tây Java, Indonesia, mùi hôi thối khó chịu là thứ đầu tiên ập vào người bất cứ ai lai vãng. Mùi hôi đặc quánh, hòa quyện từ mùi rác thối và mùi cay hăng hắc của chất thải hóa học”. Đó là những gì mà Guardian miêu tả về con sông dài và lớn nhất Tây Java, Indonesia. Ảnh: Guardian.

“Bước đến bờ sông Citarum ở Tây Java, Indonesia, mùi hôi thối khó chịu là thứ đầu tiên ập vào người bất cứ ai lai vãng. Mùi hôi đặc quánh, hòa quyện từ mùi rác thối và mùi cay hăng hắc của chất thải hóa học”. Đó là những gì mà Guardian miêu tả về con sông dài và lớn nhất Tây Java, Indonesia. Ảnh: Guardian.

Theo khảo sát năm 2013 của Ngân hàng Phát triển châu Á, có khoảng 9 triệu người sống gần Citarum - dòng sông có nồng độ vi khuẩn faecal coliform (hay coliform phân - một dạng trực khuẩn ruột có hại) cao gấp 5.000 lần giới hạn an toàn. Mức độ chì trong nước sông này cũng cao hơn 1.000 lần so với tiêu chuẩn cho nước uống mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đưa ra. Các loại kim loại nặng khác như nhôm, sắt và mangan cao hơn mức trung bình theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Guardian.

Iim Halimah là một cư dân lâu năm ở vùng sông Citarum, đang sống chung với căn bệnh viêm phế quản mạn tính. Tình trạng bệnh của cô ngày càng trở nặng do suy dinh dưỡng và môi trường sống ô nhiễm. Trong suốt nhiều năm điều trị, bác sĩ luôn cảnh báo cô không được tiếp tục sử dụng nước sông. Tuy nhiên, Halimah dường như không còn cách nào khác. Chồng cô, Jajang Suherman đã qua đời vì bệnh lao cách đây 4 năm ở tuổi 46. Anh cũng phải chịu đựng căn bệnh viêm da suốt nhiều năm trước khi mất. Ảnh: Andrea Carrubba/Guardian.

Theo Guardian, có hơn 2.000 công ty trong khu vực, hầu hết là các nhà máy dệt được xây dựng gần sông vì nhu cầu sử dụng nước cao. Trong những năm gần đây, họ đã thải trực tiếp ra sông một lượng chất thải hóa học rất lớn. Ảnh: Guardian.

Quanh khu vực sông gần như không có nơi xử lý rác nào. Vì vậy, cư dân ven bờ chỉ còn cách đốt hoặc vứt rác thải sinh hoạt của họ xuống sông. Ảnh: Guardian.

Chất cặn từ sinh hoạt và công nghiệp dồn ứ, chất đống thành những ngọn núi ven sông. Hàng nghìn người sống dựa vào các đống rác này, hầu hết họ là những người trẻ thất nghiệp hoặc các gia đình lang thang vì lũ lụt thường xuyên. Nghèo đói buộc họ phải bới rác nhặt ve chai để kiếm sống qua ngày. Ảnh: Guardian.

Sống trong môi trường ô nhiễm, phần lớn người dân nơi đây đều phải chịu nhiều bệnh tật, phổ biến nhất là viêm da, mẩn ngứa, viêm phế quản mạn tính và các loại u nang. Ảnh: Guardian.

Trẻ em cũng chậm phát triển vì thường xuyên dùng nguồn nước độc hại. Ảnh: Guardian.

Những cư dân may mắn hơn thì được tiếp cận với nguồn nước thải đã qua xử lý một phần. Một số nhà máy địa phương lấy nước trực tiếp từ sông ở độ sâu 150 m. Sau khi được lọc sạch một phần, nước này được cung cấp cho các làng lân cận. Nhưng nhìn chung, hầu hết người dân của khu vực đều trực tiếp sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm từ sông Citarum để để tắm rửa, giặt giũ, và ăn uống. Ảnh: Guardian.

Thậm chí, hầu hết sản phẩm nông nghiệp cũng được nuôi trồng bằng nguồn nước ô nhiễm. Đa số các cánh đồng lúa đều được tưới nước thải từ các nhà máy, làng xóm hoặc nước sông. Như vậy, không chỉ nước uống, không khí vùng sông Citarum bị nhiễm độc, mà đến cả thức ăn của họ cũng kém an toàn. Ảnh: Guardian.

Nước tưới nông nghiệp nổi đầy bọt trắng do nhiễm độc từ chất thải công nghiệp. Ảnh: Guardian.

Bất chấp sự ô nhiễm, người dân vẫn đánh bắt cá sông trên diện rộng. Cá đánh bắt được đều nhiễm kim loại nặng và vi nhựa nhưng vẫn được bày bán và tiêu thụ ở nhiều khu vực giáp sông cũng như ở Jakarta. Số lượng cá trên sông Citarum đã giảm 60% kể từ năm 2008. Ảnh: Andrea Carrubba/Guardian.

Dưới áp lực của các tổ chức quốc tế như Greenpeace về tình trạng của dòng sông, chính phủ Indonesia đã thiết lập một chương trình làm sạch Citarum kéo dài 7 năm. Mục tiêu của chương trình là biến Citarum thành nguồn nước sạch có thể uống được vào năm 2025. Ảnh: Al Jazeera.

Chương trình cũng được Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á hỗ trợ. Năm 2009, họ cam kết tài trợ 500 triệu USD để cải tạo dòng sông. Hoạt động làm sạch bao gồm: chống xói mòn đất và cải tạo nguồn nước nông nghiệp bằng cách gây rừng tại các ngọn núi quanh khu vực; nạo hút cặn và bùn độc dưới sông; nghiêm cấm các nhà máy xả nước thải xuống Citarum trước khi con sông này được lọc sạch; và thành lập các dự án giáo dục môi trường. Ảnh: TEMPO.

Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động môi trường tại địa phương, bất chấp lệnh cấm, nhiều nhà máy vẫn xả thải qua các đường ống bí mật. Ngay cả khi bị phát hiện, họ vẫn có thể trót lọt thoát khỏi các biện pháp trừng phạt và tiếp tục xả thải nhờ hối lộ. Ảnh: Guardian.

Dẫu vậy, chính quyền và các nhóm vận động cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến giúp nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề môi trường. Ảnh: Andrea Carrubba/Guardian.

Hồng Ngọc
Theo Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/muu-sinh-tren-dong-song-o-nhiem-bac-nhat-the-gioi-post1149868.html