Mưu gạt Nga khỏi thị trường, Mỹ tung đòn vặt

Mỹ coi cú đánh vào xuất khẩu vũ khí là biện pháp kiềm chế Nga phát triển, do đó tìm mọi cách đẩy Nga khỏi thị trường vũ khí toàn cầu.

Mỹ ấm ức vì vũ khí Nga

Ngày 27/5, Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ Mỹ Bob Menendez tiết lộ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tiếp tục bán vũ khí cho Saudi Arabia, một năm sau khi Washington thúc đẩy thương vụ vũ khí gây tranh cãi cho Riyadh trị giá 8,1 tỷ USD, bất chấp sự phản đối ở Quốc hội Mỹ.

Trong một bài viết đăng trên trang mạng của hãng tin CNN, Thượng nghị sĩ Menendez viết:

"Chính quyền Mỹ hiện tìm cách bán thêm hàng nghìn quả bom điều kiển chính xác cho 'bạn' của Tổng thống, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman".

Tổng thống Mỹ D. Trump hào hứng trong một lần giới thiệu danh mục vũ khí bán cho Saudi Arabia

Tổng thống Mỹ D. Trump hào hứng trong một lần giới thiệu danh mục vũ khí bán cho Saudi Arabia

Trước đó một tuần, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á Alice Wells tuyên bố Ấn Độ vẫn có thể bị trừng phạt vì mua các hệ thống tên lửa phòng không trị giá nhiều tỷ USD của Nga, đồng thời nhấn mạnh New Delhi phải đưa ra một cam kết chiến lược về công nghệ và các nền tảng.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của một cơ quan nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Washington DC hôm 20/5, bà Wells nói:

“Chắc chắn Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) vẫn là một ưu tiên chính sách đối với Quốc hội Mỹ, cơ quan đang thúc đẩy quyết liệt việc thực thi đạo luật này và lo ngại khả năng Nga kiếm tiền từ các thương vụ quân sự và sử dụng vào mục đích làm suy yếu hơn nữa chủ quyền của các nước láng giềng”.

Mỹ đã áp đặt các chế tài đối với Nga theo CAATSA. Đạo luật cũng quy định việc trừng phạt những quốc gia mua khí tài quân sự của Moscow. Tháng 10/2018, Ấn Độ đã ký thỏa thuận trị giá hơn 5 tỷ USD với Nga để mua 5 hệ thống tên lửa phòng không S-400, bất chấp cảnh báo của Mỹ rằng việc xúc tiến hợp đồng này có thể khiến New Delhi bị trừng phạt chiểu theo CAATSA.

Tuy nhiên, năm ngoái, Ấn Độ đã thực hiện đợt thanh toán đầu tiên khoảng 800 triệu USD cho Nga.

Bà Wells cho rằng trong bối cảnh Ấn Độ đang hướng tới áp dụng các hệ thống công nghệ tối tân, vấn đề đặt ra là New Delhi muốn vận hành hệ thống nào, bà nói:

“CAATSA vẫn nằm ở trên bàn… Làm sao các hệ thống của họ có thể tương thích với các hệ thống khác? Đó không phải là việc sắp xếp phối đồ. Vào một thời điểm nào đó, Ấn Độ sẽ phải đưa ra một cam kết chiến lược về công nghệ và các nền tảng, và chúng tôi cho rằng chúng tôi sở hữu những công nghệ và nền tảng tốt nhất”.

Tên lửa S-400 đắt hàng khắp nơi khiến Mỹ lo lắng

Đây là những bước đi mới nhất của Mỹ nhằm trực tiếp cạnh tranh với Nga trên thị trường vũ khí, cả ở những quốc gia đồng minh lâu năm như Saudi Arabia lẫn thị trường vốn được coi là “truyền thống” của Nga như Ấn Độ.

Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cũng đã công bố một báo cáo về sự cạnh tranh giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, trong đó muốn hạn chế tối đa khả năng tiếp cận công nghệ cao của các đối thủ.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Cần phải gia tăng tối đa những trở ngại cho việc chuyển giao công nghệ và vũ khí tiên tiến cho Nga và Trung Quốc. Hai nước này có thể sử dụng cho mục đích quân sự và để củng cố sức mạnh.

Cần phải sử dụng các biện pháp ngoại giao để thuyết phục các nước khác hạn chế sự hợp tác với các đối thủ của chúng tôi".

Đòn đánh vặt?

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định sự phát triển quân sự của Nga phụ thuộc vào khối lượng bán vũ khí. Moscow bán thiết bị quân sự cho nước ngoài và sử dụng tiền thu được để trang bị vũ khí cho quân đội của nước này và phát triển các công nghệ quốc phòng tiên tiến.

Với đánh giá xuất khẩu vũ khí là một ngành công nghiệp quan trọng chiến lược đối với Nga, Mỹ coi cú đánh vào ngành này là biện pháp giúp kiềm chế đáng kể sự phát triển của Nga. Do đó, Mỹ cần phải đẩy Nga khỏi thị trường vũ khí toàn cầu.

Vũ khí Nga chứng tỏ hiệu quả thực chiến ở nhiều nơi

Hãng Sputnik của Nga cho rằng báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ chứng tỏ Washington muốn kiềm chế Nga và Trung Quốc bằng mọi cách sau khi chính thức coi hai nước là đối đe dọa an ninh.

Nhân đây, Sputnik điểm lại một số “đòn đánh” mà Mỹ đã tung ra về phía Nga trên sàn đấu thị trường vũ khí.

Ví dụ điển hình chính là vụ Mỹ gây áp lực khiến Pháp Pháp đã từ chối chuyển giao cho Nga 2 tàu chở trực thăng lớp Mistral mà Moscow đặt mua. Năm 2018, Mỹ đã phá vỡ hợp đồng của Nga về cung cấp hệ thống tên lửa S-400 cho Saudi Arabia.

Tháng 2/2018, Indonesia đã ký hợp đồng với Nga về cung cấp các máy bay chiến đấu Su-35E trị giá 1,1 tỷ USD.

Khoảng một tháng trước thỏa thuận này được ký, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đến Jakarta và cảnh báo Mỹ có thể ngừng cung cấp phụ tùng cho các máy bay Mỹ trong thành phần Không quân Indonesia.

Ông Mattis còn cam kết nếu Jakarta từ chối thỏa thuận với Moscow thì sẽ nhận được những chiếc F-16 đã qua sử dụng.

Sau đó, Indonesia vẫn ký hợp đồng mua máy bay chiến đấu Su-35E. Theo Sputnik, đây chính là lý do khiến Washington đe dọa sẽ dàn dựng một cuộc cách mạng màu sắc mới ở Jakarta.

Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga

Một trong những vụ việc “đình đám” nhất là sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ trong NATO, đã mua các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga bất chấp mọi lời đe dọa từ Washington.

Mỹ đã tuyên bố loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 song trên thực tế đến nay vẫn phải “cắn răng” tiếp nhận các bộ phận do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất vì chưa thể tìm ra nhà cung cấp thay thế. Sputnik cho rằng chắc chắn sẽ trả thù nước đồng minh không còn "ngoan ngoãn vâng lời Mỹ".

Bên cạnh các chiêu trò trực tiếp cản trở Nga xuất khẩu vũ khí, Mỹ còn huy động đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt, qua đó tăng cường nỗ lực để Nga không thể nhận được những công nghệ lưỡng dụng, đặc biệt là công nghệ quân sự.

Sputnik thừa nhận, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã ảnh hưởng đến các chuỗi sản xuất trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Tuy nhiên, hãng tin Nga cho rằng đội ngũ kỹ sư nước này đã tập trung nỗ lực và tạo ra các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu. Nga cũng quay sang hướng Đông để tìm kiếm những đối tác thương mại mới, trong đó có Hàn Quốc và khiến Mỹ đứng ngồi không yên.

Chuyên gia Sergei Sudakov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga được Sputnik dẫn lời nói: "Chúng tôi duy trì quan hệ thương mại tốt với Hàn Quốc. Hàn Quốc bán cho Nga những mặt hàng khác nhau, bao gồm các công nghệ lưỡng dụng. Điều đó gây ra sự ghen tị của Mỹ”.

Máy bay Su-57 của Nga

Chuyên gia Nga cho rằng chính Mỹ là nước đang “bòn rút” những phát triển quân sự công nghệ cao của Hàn Quốc. Theo đó, trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, những đổi mới của Hàn Quốc chiếm từ 7-10%.

Chuyên gia Sudakov cho rằng Washington sẽ gây áp lực đối với Seoul để Hàn Quốc chấm dứt hoặc giảm đáng kể sự hợp tác với Moscow.

Gói trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào các công ty Nga xuất khẩu vũ khí có hiệu lực vào ngày 20/2 vừa qua. Các biện pháp trừng phạt có liên quan đến lĩnh vực hạt nhân, các hệ thống tên lửa và máy bay không người lái.

Ông Franz Klintsevich, ủy viên Ủy ban Quốc phòng thuộc Hội đồng Liên bang Nga, nói:

"Các quyết định của Chính quyền Mỹ nhằm hạn chế khối lượng xuất khẩu các sản phẩm quân sự của Nga là một biểu hiện của sự cạnh tranh không lành mạnh. Nga có đủ khả năng bảo đảm nhu cầu quốc phòng. Chúng tôi sẽ tìm thấy những đối tác trên trường quốc tế".

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/muu-gat-nga-khoi-thi-truong-my-tung-don-vat-3404105/