Mưu đồ của Mỹ ở Syria

Một báo cáo bị rò rỉ của Liên hợp quốc (LHQ) mới đây xác thực rằng, Chính phủ Syria không hề tiến hành bất kỳ cuộc tấn công hóa học nào. Tuy nhiên, trang mạng euroassia đã phơi bày mưu đồ của Mỹ ở Syria khi tiết lộ rằng, một tổ hợp truyền thông đã giấu nhẹm báo cáo này, đứng về phía Washington và các đồng minh của Mỹ trên khắp thế giới để chống lại quốc gia Trung Đông đang bị chiến tranh tàn phá. Họ có một thỏa thuận ngầm là sẽ ngăn chặn bất kỳ thông tin nào có thể gây bất lợi cho việc kích động chiến tranh.

Theo Euroassia, những cáo buộc về việc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học là một ví dụ của thủ đoạn này. Những câu chuyện vốn không hề xảy ra này đã được nhắc đi nhắc lại một cách đều đặn kể từ khi Mỹ và các nước đồng minh bắt đầu sử dụng cái cớ thánh chiến để lật đổ Chính phủ Syria hồi năm 2011.

Năm 2013, Mỹ tuyên bố rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào đúng ngày các thanh sát viên vũ khí của LHQ đến nước này. Sau đó, năm 2018, Mỹ và các đồng minh châu Âu một lần nữa tuyên bố họ sẽ hành động quân sự chống lại Syria nếu có bất kỳ báo cáo nào cho biết Chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học. Và một chiến dịch ném bom xuống Syria được tiến hành vào tháng 4 năm đó.

Đất nước Syria rơi vào cảnh điêu tàn ngày nay một phần lớn là do mưu đồ của Mỹ . (Ảnh tư liệu)

Đất nước Syria rơi vào cảnh điêu tàn ngày nay một phần lớn là do mưu đồ của Mỹ . (Ảnh tư liệu)

Bất kể ai cũng có thể nghi ngờ về những báo cáo đó. Tổng thống Assad chẳng có lý do gì để sử dụng vũ khí hóa học, nhất là khi một hành động như vậy có thể kéo theo hậu quả là đất nước ông phải gánh chịu một cuộc tấn công quân sự. Hơn nữa, những người có uy tín và chuyên môn đã sẵn sàng cung cấp bằng chứng cho thấy những cáo buộc này chỉ là những cái cớ giả để thuyết phục công chúng ủng hộ một hành động khai chiến.

Những lời cáo buộc và phản cáo buộc luôn cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. Tuy nhiên, một tài liệu rò rỉ từ Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho thấy, ngay cả các bên được cho là không liên quan cũng đứng về phía Mỹ và các nước đồng minh nếu bị gây áp lực đủ lớn. Báo cáo nêu rõ rằng, có những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến những bản báo cáo năm 2018, thậm chí ngay trong hàng ngũ nhân viên của OPCW. Tờ New York Times và các đối tác muốn tạo cớ để tiến hành một cuộc chiến tranh khi cáo buộc chính phủ Syria thả các thiết bị chứa khí clo vào một tòa nhà chung cư. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã tỏ ra nghi ngờ về điều này.

Euroasia khẳng định, OPCW đã bị gây áp lực để đảm nhận vai trò xét xử và kết luận về cáo buộc, hơn là báo cáo tổng thể về những điều tra mang tính kỹ thuật của tổ chức này. Công việc của tổ chức này đã bị chính trị hóa trong một thời gian dài với những cáo buộc về việc Syria sử dụng vũ khí hóa học và việc Nga đầu độc các cựu điệp viên KGB.

Quốc hội Mỹ đã tiến rất gần đến việc kêu gọi tiến hành một cuộc chiến tại Syria trong một lá thư đề ngày 20-5-2019 được ký bởi 70% thành viên. Ủy ban Công vụ Israel ở Mỹ (AIPAC) đã truyền cảm hứng cho những lời kêu gọi của Tổng thống Trump nhằm ổn định tình hình Syria, bảo vệ Israel và ngăn chặn sự ảnh hưởng của Nga và Iran. Người Mỹ đã luôn được nghe về điều mà chính quyền Mỹ dựng lên là “tên đồ tể Assad.” Những câu chuyện đi ngược lại xu hướng này - nếu có - cũng đều bị "chìm xuồng." Và Euroassia khẳng định “đó là một mưu đồ” của chính quyền Mỹ.

Mỹ mất phương hướng chiến lược

Trong khi đó, trang mạng www.fpri.org cho rằng, chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ đối với Syria đã thiếu các mục tiêu chính trị rõ ràng có thể đạt được và trở nên tồi tệ hơn do thiếu một tầm nhìn dài hạn hơn về tương lai của Syria. Sự thiếu vắng một chiến lược khả thi của Mỹ vượt ra ngoài vấn đề IS hạn hẹp làm xói mòn vai trò lãnh đạo khu vực của nước này.

Chiến lược của Mỹ đối với Syria dưới thời Tổng thống Obama ban đầu nhằm mục tiêu lật đổ Thổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, Tổng thống Obama sau đó đã thay đổi chiến lược, chuyển sang giải quyết mối đe dọa do sự trỗi dậy của IS gây ra. Đó là một chiến lược thành công rõ ràng trong việc giảm đi 1/3 số lượng lãnh thổ mà IS kiểm soát vào năm 2016, do đó chuẩn bị cho thất bại thực sự của Vương quốc Hồi giáo IS mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay.

Chiến lược của Tổng thống Donald Trump tại Syria trong năm đầu cầm quyền rất giống với chiến lược của người tiền nhiệm. Nó có một mục tiêu chiến lược hạn hẹp tập trung vào việc đánh bại IS. Về mặt quân sự, chiến lược này chú trọng vào các cuộc không kích của liên minh trong quan hệ đối tác với Iraq và các lực lượng người Kurd trên thực địa trong khi đó giới hạn nghiêm trọng cam kết của các binh lính Mỹ trên bộ. Cách tiếp cận này tạo ra những thành công lớn trên chiến trường, gần như đã xóa bỏ quyền kiểm soát của IS đối với bất kỳ vùng lãnh thổ quan trọng nào ở cả Syria và Iraq.

Được khích lệ bởi những chiến thắng quân sự này và sự sụp đổ của Vương quốc Hồi giáo, Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố chiến thắng tại Syria và vào tháng 12-2018 đã tuyên bố chấm dứt nhiệm vụ này, ra lệnh rút hoàn toàn binh lính Mỹ. Tuy nhiên, www.fpri.org cho rằng kể từ sau tuyên bố bất ngờ rút binh lính Mỹ này, chiến lược của chính quyền Trump đã mất phương hướng đến mức nguy hiểm, vật lộn để xác định rõ các mục tiêu và không lập ra được kế hoạch triển khai hợp lý các công cụ sức mạnh quốc gia để đạt được những mục tiêu này.

Về cơ bản, quy trình hình thành chiến lược đã và đang hoạt động theo chiều ngược lại. Thay vì xác định các mục tiêu có thể đạt được ngay từ ban đầu và sau đó đưa ra một kế hoạch hợp lý để phối hợp sức mạnh ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế nhằm đạt được những mục tiêu này, thì các quan chức cấp cao của Mỹ lại làm ngược lại, đưa ra sự biện minh mang tính chiến lược cho việc duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria trong khi đó trước sau đều từ chối cân nhắc việc triển khai giúp đỡ về kinh tế hoặc nhân đạo, hoặc các công cụ sức mạnh phi quân sự khác.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/muu-do-cua-my-o-syria-150554.html