Mứt cổ truyền đi đâu...

Về làng nghề Bánh mứt kẹo truyền thống Xuân Đỉnh (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), cứ thấy hình ảnh bếp nấu đường đỏ lửa, giàn phơi ngào ngạt mùi cây trái là biết người dân đang hối hả chuẩn bị cho một mùa mứt Tết mới. Mứt truyền thống của làng nghề Xuân Đỉnh đã từng một thời vang danh, là thứ quà không thể thiếu mỗi dịp tết đến, Xuân về. Thế nhưng, giờ đây trong tâm khảm những người còn gắn bó với nghề là nỗi lo 'ế', nỗi lo mai một của nghề...

Thời hoàng kim của làng nghề Xuân Đỉnh

Bên cạnh những món ăn quen thuộc trong ngày Tết cổ truyền như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành... thì mứt Tết đã trở thành một phần không thể thiếu, góp phần làm nên hương vị ngày Tết. Mứt Tết được ví như món khai vị đặc trưng của người Việt để khởi đầu cho một năm mới an khang, thịnh vượng.

Trong mỗi hộp mứt Tết như gói gọn cả tinh hoa của đất trời, từ vị ngọt bùi của mứt bí, cay nồng của mứt gừng đến vị chua dịu của mứt quất hay thơm mát của mứt hạt sen… Khi thưởng thức thứ quà tinh túy ấy trong tiết trời se lạnh, cùng người thân nhâm nhi chén trà nóng khiến lòng người như ấm lại. Làng nghề sản xuất mứt Tết Xuân Đỉnh từ lâu đã vang danh là một trong những làng nghề truyền thống làm bánh mứt kẹo nổi tiếng của Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Dũng - chủ cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Sinh Hùng, 88 đường Xuân Đỉnh cho biết: “Gia đình tôi bén duyên với nghề từ năm 1972 và cũng là cơ sở đầu tiên trong làng làm mứt Tết. Đến nay, gia đình tôi duy trì nghề này đã là đời thứ ba”.

 Một gia đình làm mứt tết tiêu biểu còn lại tại làng nghề bánh mứt kẹo truyền thống Xuân Đỉnh.

Một gia đình làm mứt tết tiêu biểu còn lại tại làng nghề bánh mứt kẹo truyền thống Xuân Đỉnh.

Ban đầu, sản phẩm chủ yếu của làng là những loại mứt truyền thống như mứt bí, gừng, sen, lạc, táo, quất, nhưng khoảng 30 năm trở lại đây, để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nên tại đây cũng sản xuất thêm các loại mứt trái cây khác như: Cà chua, hồng, lê, dứa…, nhưng trong đó mứt bí vẫn là một trong những hương vị đặc trưng nhất.

Hằng năm, chỉ riêng tại làng nghề Xuân Đỉnh đã cung cấp hơn 600 tấn bánh mứt kẹo cho thị trường vào các dịp lễ, tết. Hình ảnh từng đoàn xe nối tiếp nhau chở hàng đi phân phối tại các nơi để phục vụ cho người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ… đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây trước mỗi độ tết đến, Xuân về.

Chính từ hương vị cũng như truyền thống đã tạo cho làng nghề bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh vị thế nhất định trên thị trường cũng như trong lòng người tiêu thụ, góp phần đưa nền kinh tế của làng nghề phát triển một cách mạnh mẽ. Từ những ngôi nhà cấp bốn đơn sơ, nhờ sự phát triển của “nghề truyền thống”, đến nay hầu hết trong làng là những ngôi nhà cao tầng san sát, những xưởng nghề khang trang với công nghệ khép kín, cuộc sống người dân được cải hiện rõ rệt. Đỉnh điểm của thời hoàng kim, làng nghề Xuân Đỉnh có tới hơn 30 cơ sở sản xuất...

Đìu hiu làng nghề mứt Tết Xuân Đỉnh

“Ế” là từ được nhắc đến nhiều nhất khi được hỏi về tình hình bán mứt của các nhà phân phối, bán lẻ ở làng nghề trên thị trường Tết hiện nay. Cũng theo chủ cơ sở Sinh Hùng, đơn đặt hàng và doanh thu mứt giảm đáng kể trong nhiều năm gần đây. Nếu những năm trước, cả làng nghề có đến 30 cơ sở sản xuất mứt Tết thì hiện nay số lượng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cổng làng nghề Xuân Đỉnh hiện nay.

Trước đây, mỗi dịp giáp Tết, chỉ cần đi đến cổng làng đã ngửi thấy mùi thơm của mứt, vị ngọt của đường quyện vào từng cơn gió lan tỏa khắp không gian làng Xuân Đỉnh; hay cảnh tắc đường vì khách xếp hàng dài để có thể mua được những hộp mứt truyền thống làm quà biếu hay về thắp hương ông bà, tổ tiên thật nhộn nhịp biết bao… Giờ đây đến làng nghề này là không khí đìu hiu, chỉ còn lác đác vài ba nhà bán lẻ, lượng khách mua cũng thưa thớt dần.

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến diện tích đất tại khu vực Xuân Đỉnh ngày càng giảm đi. Mặt bằng sản xuất dần bị thu hẹp, chỗ phơi nguyên liệu không có dẫn đến tình trạng người dân phải phơi trên vỉa hè, dọc các con đường làm mất đi mỹ quan và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng theo chị Mai Thị Hiên, thợ làm mứt tại làng nghề Xuân Đỉnh, nếu không tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất thì ít ai biết được sau khi phơi xong các nguyên liệu, thoi bí phải rửa qua rất nhiều nước thậm chí có thể sẽ phải luộc lại để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các nghệ nhân tại làng nghề cũng chia sẻ, khi làm mứt bao giờ trong thành phần nguyên liệu cũng có đường, và với đặc tính ngọt cùng hương thơm nên rất dễ thu hút ong. Kinh nghiệm dân gian cho thấy, khi có ong bay hay đậu quanh những nguyên liệu thì sẽ không có ruồi và kiến.

“Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại bánh kẹo khác nhau, đặc biệt là hàng nhập khẩu với mẫu mã, màu sắc, hương vị đa dạng, phong phú, giá hợp lý nên người dân chọn mua nhiều hơn. Mứt truyền thống chủ yếu để thờ cúng và làm quà nên nhu cầu sử dụng giảm đi nhiều, vì vậy năm nay tôi không nhập nhiều như mọi năm”, bà Nguyễn Thị Hồng, chủ đại lý bánh kẹo trên đường Nguyễn Hoàng Tôn cho biết.

Một số mẫu mã mứt mới của làng nghề hiện nay để phục vụ dịp Tết Canh Tý 2020.

Sức ép từ nhiều phía cùng với sự khó khăn trong buôn bán, sản xuất, nhiều chủ xưởng mứt tại Xuân Đỉnh đã phải bỏ nghề để tìm các hướng kinh doanh mới, thậm chí còn phải chuyển cơ sở đi nơi khác.

“Bán, sản xuất mứt Tết ở Xuân Đỉnh bây giờ chủ yếu để duy trì truyền thống của cha ông để lại. Tuy nhiên, không biết chúng tôi sẽ cầm cự được đến bao lâu nữa, hay cũng đành chấp nhận để mất đi nghề truyền thống nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra”, ông Nguyễn Văn Dũng, chủ cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Sinh Hùng chia sẻ.

Không chỉ là nỗi buồn, đây còn là lời kêu gọi sự giúp đỡ và vào cuộc của các bộ ban ngành, các cấp để có thể đưa ra được những biện pháp cũng như cách thức giải quyết nhằm bảo tồn, duy trì những nét đẹp văn hóa vốn có từ nhiều đời nay nói chung và đặc biệt là mứt cổ truyền nói riêng.

Bài, ảnh: LAN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/mut-co-truyen-di-dau-608384