'Mường Trời' - Điện Biên

Những bản làng khang trang, khí hậu trong lành, người dân thân thiện, thiên nhiên hùng vĩ… như lời mời không thể khước từ với du khách trong nước và quốc tế khi đặt chân đến trải nghiệm, khám phá vùng đất lịch sử, văn hóa ở xứ 'Mường Trời' - Điện Biên.

Bản Che Căn hấp dẫn du khách bởi khung cảnh thanh bình, thơ mộng.

Bản Che Căn hấp dẫn du khách bởi khung cảnh thanh bình, thơ mộng.

Điểm đến thú vị

Từ sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự năng động sáng tạo của người dân, những năm gần đây, mô hình bản văn hóa du lịch cộng đồng ở các xã vùng sâu, vùng xa tỉnh Điện Biên đã dần trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, giữ chân du khách mỗi khi đến vùng đất này để tham quan, khám phá bản sắc văn hóa đồng bào các DTTS.

Bản văn hóa Che Căn, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ, những ngày giáp tết Nguyên đán rực rỡ sắc cờ hoa, những cành đào bên hiên nhà sàn đã bung cánh hồng rực; nhiều loài hoa rừng với sắc màu rực rỡ cũng đang bung nở trên sườn núi. Nụ cười rạng rỡ thường trực trên môi những chàng trai, cô gái, những đứa trẻ đang vui đùa trong các khoảng không gian trong bản, niềm hân hoan của các gia đình đón chào du khách đến tham quan.

Bản Che Căn dựa lưng vào một phần dãy núi Pú Đồn. Cả bản có hơn 100 hộ dân tộc Thái sinh sống, trước đây, khung cảnh của bản hoang vắng, dân cư thưa thớt, bà con sinh sống trong những căn nhà sàn đơn sơ, đời sống dựa vào làm nương, trồng ngô, sắn. Sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), người dân bắt tay vào xây dựng cuộc sống, rồi từng bước phát triển nhờ vào việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá, khai hoang diện tích trồng lúa nước, cây ăn quả…; có thu nhập bà con có điều kiện làm nhà sàn to hơn, sắm tiện nghi đầy đủ hơn.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa Che Căn trở thành bản kiểu mẫu về du lịch cộng đồng, tạo điểm dừng chân lý tưởng cho du khách khám phá văn hóa, ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc Thái.

Thấy khách đến, anh Lò Văn Đức, chủ Homestay Phương Đức, bản Che Căn ra tận cầu thang đón với nụ cười niềm nở. Bên mâm cơm tối thịnh soạn đãi khách, nguyên liệu chế biến, đều là những sản vật sẵn có tại địa phương, như: Gạo nếp nương, cá suối, gà đồi và nhiều nguyên liệu chế biến là những loại cây, loại lá, loại hoa mọc hoang dã trên rừng, có hương vị khác biệt với các loại rau trồng ở vườn nhà. Đặc biệt, với cách chế biến món ăn hấp dẫn của người Thái là ít sử dụng dầu mỡ nên du khách rất thích thú khi thưởng thức.

Đêm đến, trong ngôi nhà sàn rộng rãi, diễn ra giao lưu văn nghệ. Một sân khấu nhỏ được bày trí gọn gàng, cùng dàn âm thanh hiện đại đủ khuấy động không khí sôi động. Vẫn là những bài hát ca ngợi về Đảng, Bác Hồ kính yêu, về con người và vùng đất Tây Bắc, nhưng thêm chút chếnh choáng của hơi men rượu lá rừng, khách bỗng thấy cảm giác lâng lâng lạ thường. Lời hát mộc mạc, giản dị chan chứa tình cảm; từng tràng vỗ tay tán thưởng của du khách như càng khích lệ những ca sĩ không chuyên của bản thêm nhiệt tình, cởi mở…

Tiết mục văn nghệ kết thúc, lời bài hát: “Inh lả ơi, xao noọng ơi, khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời...”, cất lên là lúc vòng xòe được kết nối. Các cô gái Thái và du khách tay trong tay, chân bước nhịp nhàng, nhún nhảy uyển chuyển, vòng xòe Che Căn cứ rộng dần ra…

Phụ nữ Thái vẫn lưu giữ được những nét văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày.

Cùng làm, cùng hưởng lợi

Hơn 10 năm tham gia làm du lịch cộng đồng, người dân bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) đã quen với cách làm du lịch, phong cách phục vụ cũng chuyên nghiệp hơn nên tạo được ấn tượng tốt với du khách đến tham quan, trải nghiệm dịch vụ Homestay.

Đưa chúng tôi tham quan nhà văn hóa, nơi bản tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, ẩm thực, ông Quàng Văn Thương, Bí thư Chi bộ bản Mển cho biết: Người bản Mển chúng tôi làm du lịch cộng đồng theo đúng nghĩa “cộng đồng”, tức là cả bản cùng tham gia. Nhà nào cũng phải có trách nhiệm gìn giữ môi trường chung, tạo cảnh quan, duy trì nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống. Bản thành lập Ban Quản lý nhà văn hóa, gồm: Trưởng bản, Bí thư Chi bộ và đại diện các đoàn thể. Mọi hoạt động được phân công rõ ràng, mỗi người đảm nhận một công việc phù hợp với khả năng; hôm nào ít khách thì chỉ cần vài người phục vụ, hôm nào đông khách đặt cơm, kèm các dịch vụ trải nghiệm; giao lưu thì mỗi nhà cử một người tham gia nấu ăn, tiếp khách, hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm thêu dệt thổ cẩm...

Việc chủ động quảng bá hình ảnh, con người, ẩm thực dân tộc cũng như trả lời, giải đáp thắc mắc của du khách thông qua mạng xã hội Facebook cũng mang lại hiệu quả tích cực và kết nối được nhiều hơn du khách đến với bản. Lợi nhuận thu về từ các hoạt động trải nghiệm, dịch vụ ẩm thực được Ban Quản lý nhà văn hóa bản thống nhất tính toán, một phần nhập vào quỹ chung, số còn lại chia lợi nhuận rõ ràng cho tất cả những người tham gia làm du lịch của bản.

Do đó, người dân ai cũng được tham gia. Có năm, tiền quỹ chung của bản cũng thu về được 150 - 160 triệu đồng. Nguồn quỹ này dùng vào hỗ trợ các hộ khó khăn vay vốn (không tính lãi) phát triển sản xuất; động viên, khen thưởng con em học tập; đầu tư tu sửa nhà văn hóa; bê tông hóa đường nội bản; mua sắm nhạc cụ dân tộc, hay bát, đĩa phục vụ dịch vụ ẩm thực...

baodantoc.vn

Nam Hương

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/muong-troi-dien-bien-131373.html