Muốn vượt qua thách thức, phải có được niềm tin vững vàng

Tiến sĩ, nhà báo Vũ Công Lập được đông đảo mọi người biết đến trong vai trò của một nhà bình luận bóng đá trên truyền hình. Nhiều người bảo, mỗi kỳ World Cup, Euro mà không được nghe giọng bình luận của ông là cảm thấy… thiếu thốn không chịu được. Ông cũng là khách mời quen thuộc của nhiều chương trình đối thoại về văn hóa đời sống, với những chia sẻ sâu sắc...

Ấy thế mà từ khoảng vài năm trở lại đây, ông đã chủ động không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nữa. Ông dành phần lớn thời gian để thực hiện những dự án riêng cho dòng họ của mình, với tâm niệm con cháu mai sau có thể thấu hiểu những giá trị mà tổ tiên, ông bà để lại. Biết vậy, nhưng ANTG GT - CT vẫn mạnh dạn đề nghị ông làm khách mời của chuyên mục “Đối thoại & Suy ngẫm”. Và, thật may mắn là cuối cùng ông cũng nhận lời sau một vài lần từ chối.

Hai cột mốc - hai thách thức

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa nhà báo Vũ Công Lập, nghe ông nói chuyện và quan sát cách ông ứng xử đời sống, tôi thấy từ ông luôn toát ra một năng lượng rất tích cực. Liệu có thể gọi đấy là hạnh phúc không? Có nhiều người nhận xét ông có một đời sống hạnh phúc không ạ?

- Tiến sĩ, nhà báo Vũ Công Lập: Ít người nhận xét tôi là hạnh phúc nhưng nhiều người lại nhận xét tôi là lạc quan. Bản thân tôi cũng tự thấy tôi là người lạc quan. Bởi anh nhìn tôi, anh sẽ không thể biết được là tôi đã từng trải qua những giờ phút rất khắc nghiệt, khó khăn của cuộc sống. Nhưng đối với tôi, tất cả những cái đó tôi đều thoát qua với một sự lạc quan vốn có của mình.

- Nếu không có gì bí mật, ông có thể chia sẻ những khoảnh khắc khó khăn đó được không?

- Nếu không có gì bí mật, ông có thể chia sẻ những khoảnh khắc khó khăn đó được không?

- Ví dụ như với một người thanh niên thì cái giây phút ra trường, giây phút vào đời, giây phút nhận công tác luôn có ý nghĩa rất đặc biệt phải không nào? Vì nó hầu như quyết định tới cả một chặng đường rất xa sau đó của mình. Thời sinh viên, tôi học vật lý lý thuyết và làm về vật lý các hạt cơ bản, tức là một vấn đề rất trừu tượng.

Tốt nghiệp xong, năm 1968 tôi được nhận vào quân đội, mà thời kỳ đó được vào quân đội là một vinh dự to lớn lắm. Nói chung là rất phơi phới và ai cũng bảo là tôi sẽ được nhận về Học viện Kỹ thuật quân sự. Tuy nhiên, cuối cùng, chỗ mà tôi được nhận về lại là Đại học Quân y. Mà anh đều biết, trường kỹ thuật quân sự là trường kỹ thuật nên vai trò vật lý ở đó rất lớn, còn quân y là trường y sinh nên vai trò, vị trí của vật lý thấp hơn nhiều so với hóa học và sinh học.

Tôi nhớ là môn vật lý tôi dạy lúc đó chỉ vào khoảng 80-100 giờ trong suốt quá trình 6 năm của một người học. Và phải nói thật, đối với tôi như thế là một sự thất vọng. Cùng học đại học với tôi, có anh được giữ lại trường, có anh về công tác tại Ủy ban Khoa học Nhà nước, còn với tôi, như thế tôi tự thấy tương lai của tôi là mù mịt.

Ở Đại học Quân y, tâm trạng của tôi trĩu nặng. Tôi dạy ở đó nhưng cứ nhớ đến cái nghề cũ của mình là hạt cơ bản nên hằng tuần vẫn cứ đạp xe về Đại học Tổng hợp ở Hà Nội để dự các buổi thảo luận của thầy Hoàng Phương và tôi cứ nghĩ là tôi có thể đeo đẳng được cái nghề làm khoa học cơ bản này.

- Đang làm việc ở trường Quân y nhưng lại ngóng về trường Quân sự?

- Đúng thế! Nó dẫn đến chuyện là ở trường tôi, người ta không thể chấp nhận được cái anh cán bộ quân đội mà nói một cách hình ảnh là thân ở Tào, còn lòng ở Thục. Cho nên người ta đánh giá tôi không an tâm công tác. Năm ấy tôi bị mất tín nhiệm về chính trị, mất sạch mọi thứ. Người ta không còn bầu tôi làm bí thư chi đoàn nữa.

- Năm ấy ông bao nhiêu tuổi ạ?

- Khoảng 22-23 tuổi.

- Tức là cái tuổi đầy những hoài bão! Vậy cái cảnh “thân ở Tào, lòng ở Thục” có một lúc nào đó khiến ông sụp đổ không?

- Tôi thất vọng nhưng lại không hề tuyệt vọng và sụp đổ. Lúc ấy đơn vị của tôi đóng ở làng Mỹ Ả, bên bờ sông Hồng. Nếu anh đi đường Thường Tín, đến Ngọc Hồi, anh rẽ tay trái, lên bờ đê thì làng Mỹ Ả nằm ở đấy. Và tôi nhớ là mùa hè năm ấy nước sông lên xấp xỉ bờ đê. Buổi đêm, tôi cứ trải chiếu trên mặt đê ngủ cho đỡ bức bí.

Thế rồi, cuối cùng có một anh trung úy gọi tôi ra bảo rất chân tình: “Lập ơi, tớ nói thật với cậu, mình đã vào bộ đội rồi, nhiệm vụ phải là trên hết. Cậu vui, cậu vẫn thực hiện nhiệm vụ ấy. Cậu buồn, vẫn phải làm nhiệm vụ ấy. Cậu phấn khởi thì vẫn làm mà bất mãn thì cũng vẫn phải làm. Thế thì chi bằng cứ cố phấn khởi mà làm”. Lúc đầu tôi không hiểu, sau tôi mới dần dần hiểu ra là ở đây mình chẳng có lý do gì để làm về hạt cơ bản cả, vì chẳng có lý do gì người ta cho làm điều này ở trường Quân y. Cho nên tôi mới chuyển ra làm về ngành lý sinh, tức là lý trong sinh vật và khi đã vượt qua khủng hoảng để làm được điều này rồi thì tất cả những việc sau đó tôi đều làm rất nhẹ nhàng. Vì thế tôi mới có được ngày hôm nay.

- Tôi nghĩ là cuộc đời mỗi con người luôn có những cột mốc mang tính bản lề. Vượt qua cột mốc đó, cuộc đời sẽ sang trang. Không vượt qua cột mốc đó, cuộc đời lụn bại. Giả dụ lúc đó, vì không được phân công công tác đúng nguyện vọng mà lại sinh ra bất mãn, buông bỏ thì có lẽ cuộc đời ông cũng đã rẽ theo một chiều hướng rất khác, có phải không ạ?

- Tôi nghĩ thế này: Trong đời sống chúng ta vẫn nhắc nhau “thất bại là mẹ thành công” đúng không? Nhưng, mới đây tôi có đọc một quyển sách và tôi thấy người ta nói rất thấm thía rằng: thành công là chặng dừng chân giữa 2 thất bại. À! Nghĩa là khi anh thành công thì anh chớ có lạc quan là sau này mình sẽ vẫn thành công mãi mãi. Thành công lúc này chỉ là một chặng để anh tích lũy thêm kinh nghiệm, tích lũy thêm kiến thức, tích lũy thêm niềm tin để anh sẵn sàng đối diện với một thất bại mới trong tương lai. Đến đây thì tôi muốn kể cho anh cái thất bại thứ hai của cuộc đời. Tôi làm luận án tiến sĩ ở Đức và được thầy giáo hướng dẫn đánh giá là tốt. Tuy nhiên, khi tôi ra bảo vệ luận án trước hội đồng thì kết quả lại không được xuất sắc như kỳ vọng.

- Ồ! Nghe có vẻ ly kỳ ạ.

- (Cười...) Là vì trong hội đồng tốt nghiệp hôm ấy có một ông thầy rất đặc biệt, là một giáo sư dạy ở Đại học Thể dục thể thao Leipzig và cũng là người từng sang giúp Việt Nam xây dựng Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn. Ông ấy đã từng ở Đại học Từ Sơn 6 tháng để giúp mình dựng Khoa Khoa học cơ bản. Tôi vẫn nhớ mãi hôm tôi bảo vệ, ông ấy nhận xét rằng: “Luận án của anh tôi không chê cái gì cả. Mọi tính toán đều rất tốt.

Nhưng tôi là một người làm về y học thể dục thể thao, tôi đã nghĩ xem trong công trình của anh, tôi có thể lấy cái gì để đưa vào công việc của tôi không thì nói thật là tôi chẳng lấy được bất cứ cái gì cả”. Điều này nói lên cái gì? Nó nói rằng mặc dù đã vào sinh học rồi nhưng tôi vẫn là cái anh làm về lý thuyết, cho nên kết quả của tôi đẹp về mặt học thuật. Nó có thể xứng đáng với học vị tiến sĩ mà thực tế là nó cũng được ông thầy hướng dẫn của tôi rất khen ngợi, vì bản thân thầy hướng dẫn cũng là một nhà lý thuyết. Nhưng, đến khi gặp ông thầy phản biện, một người vốn ở ngành thể dục thể thao thì tôi hiểu rằng: ông ấy nói thế không khác gì bảo luận án của tôi là vô dụng. Tức là nó đẹp thật nhưng rồi cũng chẳng để làm gì cả.

- Ông làm tôi nhớ đến câu chuyện mà nhiều người Việt Nam chúng ta vẫn hay nói đến, đó là ở ta có rất nhiều công trình nghiên cứu suy cho cùng cũng chỉ để vào... ngăn kéo. Thật ra thì ở đây tôi hiểu là việc nghiên cứu lý thuyết cũng rất quan trọng, vì nó tạo ra những nền tảng nhận thức cơ bản cho một lĩnh vực. Nhưng, nếu những nghiên cứu lý thuyết không đạt tới mức ấy mà đơn giản chỉ là những sự nhào nặn, xào xáo những lý thuyết cũ kĩ một cách tinh vi thì suy cho cùng nó cũng không có nhiều tác dụng. Và, còn một khía cạnh nữa, rất trúng với câu chuyện của ông: nếu phần lớn các nghiên cứu chỉ hướng đến việc giải quyết những vấn đề lý thuyết mà thiếu đi tính thực tiễn, ứng dụng thì nó không thể góp phần cải tạo đời sống theo đúng chức năng nguyên gốc mà khoa học hướng đến. Ông nghĩ sao ạ?

- Chính vì những điều này nên hôm vừa rồi, tôi đi dự một hội nghị ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khi các thầy bên ấy đề nghị tôi phát biểu về vai trò của nền giáo dục Cộng hòa dân chủ Đức ngày xưa với nghiên cứu sinh Việt Nam thì tôi đã nói rằng, thời đó họ dạy cho mình tính thực tế và tính công nghệ rất cao.

Và đặc biệt với một nước chưa phải là giàu, chưa đầy đủ phương tiện nghiên cứu như Việt Nam thì tính thực tiễn lại rất cần. Giờ trở lại với lời nhận xét rất thẳng thắn của ông thầy phản biện nói trên, phải thừa nhận với anh là lời nhận xét ấy chính là một cú đòn rất mạnh vào đầu óc tôi, buộc tôi phải suy nghĩ rất nhiều về phương pháp luận, phương pháp làm việc, phương pháp nghiên cứu của mình. Sau cú đòn này, tôi đã không làm lý thuyết nữa mà chuyển sang nghiên cứu thực tiễn.

- Cũng có thể coi đây là một cột mốc để tự mình làm mới và khám phá chính mình?

- Đúng đấy! Khi chuyển hướng mình mới thấy, bản thân mình trông thế thôi nhưng hóa ra vẫn có những khả năng mà trước đó mình chưa nghĩ đến. Luôn có những mặc cảm, những nỗi ám ảnh nào đó mà mình không dám nghĩ đến thì đúng hơn. Trước đó, tôi làm vật lý lý thuyết, tôi sử dụng công cụ toán học là chủ yếu. Tóm lại là tính toán trên giấy thôi, chứ không có đo đạc thực tiễn gì cả.

- Logic thuần túy?

- Đúng rồi! Logic thuần túy. Đến khi làm luận án tiến sĩ khoa học thì tôi chuyển sang hoàn toàn thực nghiệm. Tôi đo đạc điện trở, đo đạc các mẫu máu, đòi hỏi độ chính xác rất cao. Đến lúc này tôi mới đột nhiên nhận ra: À, hóa ra bàn tay của mình cũng không đến nỗi tồi. Trước đây tôi luôn nghĩ là tôi dốt về thực nghiệm lắm, ai ngờ bây giờ cũng làm được. Chính vì thế, mới đây, khi nói chuyện ở Bệnh viện Quân y 175 với các em, tôi đã nói rằng khi mình đã xác định được một động cơ phục vụ thì sẽ nâng cao được trình độ bản thân.

Trước đây, người ta thường nói là phải nâng cao trình độ rồi mới tích cực phục vụ. Tức là cứ phải có trình độ trước rồi phục vụ sau. Điều này đúng thôi nhưng cũng không nên bỏ qua vế ngược lại, đó là trong một số trường hợp nào đó, mình lại phải xác định động cơ phục vụ trước đã, bởi trong chính quá trình tìm cách phục vụ, mình lại nâng cao được trình độ của mình. Và đấy lại là một bài học mới với tôi.

Xây dựng lòng tin có cơ sở

- Như vậy là ông đã chia sẻ 2 cột mốc rất khó khăn trong cuộc đời mình: đó là khi được phân công về Đại học Quân y trong khi nguyện vọng của mình là Học viện Kỹ thuật quân sự. Và sau đó là việc luận án tiến sĩ tại Đức bị đánh giá là “thiếu tính thực tiễn”. Cả 2 cột mốc này đã thay đổi rất lớn tới nhân sinh quan của ông, khiến ông không những không đầu hàng, buông bỏ mà sau đó tìm cách làm mới bản thân mình. Nhưng, đứng trước những cột mốc lớn của cuộc đời, không phải ai cũng có thể thích ứng hoặc vượt qua. Vẫn sẽ có những người đầu hàng, vẫn sẽ có những người gục ngã, vẫn sẽ có những người thất bại. Cho nên, tôi muốn hỏi là bằng kinh nghiệm cá nhân mình, khi đứng trước những cột mốc đầy thách thức như vậy, người ta cần những kỹ năng gì để có thể vượt qua?

- Tôi nghĩ, quan trọng nhất là phải có lòng tin. Nhưng lòng tin ấy phải là một lòng tin có cơ sở, được bồi đắp bởi nhiều yếu tố. Với những người làm khoa học như bọn tôi, một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải có được những người thầy lớn, đủ sức hướng đạo, làm thay đổi mình một cách tích cực. Với tôi, trong rất nhiều người thầy như thế, tôi nhớ mãi người thầy lớn, cố giáo sư Tạ Quang Bửu.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ về nước thì tôi có 2 năm làm trợ lý thư ký khoa học cho giáo sư trong việc thực hiện đề tài “phân loại khoa học” và đấy là 2 năm tôi thấy mình học hỏi và lớn lên rất nhiều. Có một câu chuyện bác Bửu kể mà tôi nhớ mãi, đó là bác đã trải qua 9 ngành học khác nhau ở Pháp. Tại sao phải học nhiều ngành như thế?

Vì những đòi hỏi, vì những nhu cầu tự thân bên trong con người mình, chứ không phải vì cái bằng. Mình thì hay học cho một động cơ, là có cái bằng, rồi chưng cái bằng ấy ra. Cái bằng thật ra nó cũng có một ý nghĩa nhất định nhưng chắc chắn nó không phải là tất cả. Bây giờ, càng ngày tôi càng thấy kiến thức muốn áp dụng vào thực tiễn một cách tối ưu thì càng phải liên ngành và bác Bửu với 9 ngành học thực sự đã có được tính liên ngành đó. Phải nói 2 năm đi theo bác Bửu, tôi đã học được rất nhiều.

Tôi còn may mắn có thêm một cái nữa, đó là được Nhà nước cho đi học ở Cộng hòa dân chủ Đức, một xứ sở mà tính ứng dụng trong khoa học công nghệ rất là mạnh. Chính vì thế cho mình một chỗ dựa để xác định niềm tin và tôi xin nhấn mạnh, đó là một niềm tin có cơ sở chứ không phải là kiểu niềm tin vu vơ.

- Như vậy là muốn vượt qua những thách thức có thể ập đến bất cứ lúc nào trong tương lai thì trong quá khứ và thực tại, con người nhất định phải xây dựng được một nền tảng niềm tin có cơ sở. Nền tảng niềm tin đó có thể đến từ những người thầy, có thể đến từ những va chạm thực tiễn trong quá trình mình nghiên cứu, làm việc. Nhưng, nếu ngay cả khi có một niềm tin rất vững vàng rồi mà vẫn không được sử dụng thì sao? Hoặc không có môi trường thực sự phù hợp để thể hiện năng lực của mình thì sao? Thưa nhà báo Vũ Công Lập, tôi không hề có ý đổ tại cho những khiếm khuyết của môi trường hay việc chúng ta không được cá nhân/tổ chức/xã hội sử dụng, ở đây tôi chỉ muốn nói rằng niềm tin cá nhân, cho dù có vững vàng, chắc chắn đến mấy thì trong rất nhiều trường hợp có thể vẫn là chưa đủ.

- Chỗ này thì đúng là tôi có một cái may nữa, đó là được cơ quan tổ chức dùng hết khả năng của mình. Khi mình được sử dụng hết khả năng thì mình sẽ thấy trước mặt luôn có một thách thức nào đó. Và khi đứng trước một thách thức hơi cao hơn so với giới hạn của mình thì rất tốt vì nó tạo cho mình động lực để tiến lên.

Cuối cùng, còn một yếu tố nữa giúp tôi vượt qua thách thức, đó chính là sự rèn luyện. Bạn bè vẫn nhận xét tôi là người rất đúng giờ và nghĩ rằng đó là do tôi ảnh hưởng bởi người Đức. Nhưng nói thật với anh, tính đúng giờ của tôi không phải là do người Đức mà do được rèn luyện trong môi trường quân đội.

Tôi từng được rèn luyện trong trường sĩ quan lục quân, trong trường sĩ quan pháo binh. Và tôi xin kể cho anh câu chuyện này để thấy ở môi trường đó, sự rèn luyện của chúng tôi như thế nào: Có một lần, khoảng 2 giờ chiều, chúng tôi phải có mặt ở thao trường nắng chang chang. Trời nắng nóng quá nên anh em đội mũ thường ra sân. Dọc đường ra thao trường thì bất ngờ gặp ông tiểu đoàn trưởng. Ông ấy quát ngay: “Tại sao các anh không đội mũ sắt mà đội mũ thường? Nếu máy bay địch đến, các anh chiến đấu thế nào?”. Thế là ông ấy ra lệnh tất cả phải chạy về nhà lấy mũ sắt rồi lại chạy ra thao trường và phải ra đúng giờ, không được muộn 1 phút.

Kết quả ra sao anh biết không? Kết quả là tất cả chúng tôi đều chạy được. Giờ nghĩ lại mới thấy nếu lúc đó không có một tiểu đoàn trưởng với một yêu cầu khắc nghiệt như thế thì có lẽ không bao giờ chúng tôi dám chạy như thế cả. Chúng tôi cũng sẽ không bao giờ tin là mình sẽ chạy được như thế. Cho nên tôi nghĩ con người phải được rèn luyện thì mới có cơ hội thành công.

Mỗi thời một khó

- Có những người ở thế hệ ông thường kể các câu chuyện ở thời đại mình rồi đánh giá là thế hệ đi sau có nhiều điểm không bằng mình. Cụ thể trong câu chuyện về sự rèn luyện này, rất khách quan, nhà báo Vũ Công Lập có thấy những khác biệt đáng kể nào của thời ông so với thời hậu sinh không ạ?

- Tôi nghĩ là thử thách mỗi thời một khác nhưng không ai lớn lên mà không chịu thử thách khắc nghiệt cả. Tôi lấy ví dụ của thời hôm nay, khi con gái tôi trải qua mấy tháng dịch bệnh COVID-19 vừa rồi. Mấy tháng ấy, công việc gần như đóng băng nhưng tiền thuê nhà vẫn phải trả, tiền lương cho nhân viên vẫn phải trả. Tôi thấy con tôi đau đầu, loay hoay giải bài toán này. Và tôi thậm chí nghĩ sự khắc nghiệt ấy còn lớn hơn rất nhiều so với khi tôi được phân công một nhiệm vụ không phù hợp với nguyện vọng của mình mà tôi đã kể ở trên. Sự khắc nghiệt này lớn đến nỗi, con gái tôi đứng trước nguy cơ phải giải tán doanh nghiệp.

Những bữa cơm chiều ở gia đình, nó không ăn được. Thương nó lắm. Ngày xưa bọn tôi, chẳng bao giờ phải lo phá sản, chẳng bao giờ phải lo chết đói. Tôi có thể ăn không ngon, mặc không đẹp nhưng tôi vẫn cứ tồn tại. Còn bây giờ thách thức nằm ở ngay mức tồn tại. Nếu không giải quyết và vượt qua thì thậm chí không còn tồn tại được nữa. Vậy thì tại sao lại bảo là bây giờ không có thử thách hoặc thử thách không khắc nghiệt? Chừng nào còn loài người, chừng nào còn tiến hóa, chừng nào còn xã hội thì mãi còn những thử thách.

Vấn đề chỉ là mình nhìn nhận nó như thế nào

- Đúng ạ! Vấn đề là chúng ta nhìn nhận và ứng xử với những thử thách như thế nào. Có một câu nói của ca sĩ trẻ Sơn Tùng MTP mà tôi rất thích, đại ý: Muốn ngồi vào một chỗ không ai ngồi được thì cũng phải có khả năng chịu những điều không ai chịu được. Câu nói ấy toát lên một nghị lực, một bản lĩnh, một khả năng chịu đựng ghê gớm khi thách thức khó khăn bủa vây quanh mình. Không biết nhà báo Vũ Công Lập có đồng cảm với điều này không?

- Tôi rất đồng cảm! Tôi tuổi thì cao rồi nhưng xem hết đấy nhé! Những tiết mục của Sơn Tùng MTP, rồi những MV như Để Mị nói cho mà nghe, Rồi chúng ta sẽ gặp nhau sau mùa COVID, tôi đều xem hết. Tôi thích cái khí thế ấy và tôi muốn bổ sung thêm một câu: Đã ngồi lên xe đạp rồi, điều duy nhất để không ngã là phải đạp. Chỉ có đạp mới không ngã. Dừng lại, không đạp là ngã ngay. Mà như tôi, tiếng là có tuổi rồi nhưng tôi vẫn đang cố đạp ấy chứ. Tất nhiên là giờ thì mình phải đạp cẩn thận. Còn tôi chúc các bạn trẻ phải đạp càng nhanh càng tốt, chỉ có điều là trong quá trình đạp, không được vi phạm luật giao thông. (Cười...).

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Phan Đăng (thực hiện)

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/tro-chuyen-cuoi-thang/muon-vuot-qua-thach-thuc-phai-co-duoc-niem-tin-vung-vang-600462/