'Muốn trở thành đặc nhiệm SEAL'

VH- Các cầu thủ 'nhí' của đội bóng Thái Lan từng bị mắc kẹt trong hang Tham Luang đã nói như vậy trước báo chí trong cuộc họp báo ngày 18.7.

Đội bóng Lợn rừng trả lời phỏng vấn

Sau khi được cứu ra khỏi hang gần một tuần, được sự cho phép của bác sĩ và các quan chức, chiều 18.7 đội bóng Lợn rừng được phép trả lời phỏng vấn báo chí để nói về những ngày khó khăn ở trong hang. Tâm trạng của các em tới lúc này đã ổn định, sức khỏe phục hồi tốt và sau tuần điều trị đã tăng tới 3 kg. Tuy nhiên, nhiều em vẫn còn sợ sệt, ngoại trừ HLV đội bóng hứa trở lại hang thì các thành viên còn lại nói sẽ cạch tới già.

“Đưa Lợn rừng về nhà”

Giới chức Thái Lan hy vọng, phiên họp báo này sẽ thỏa mãn tạm thời được cơn khát của truyền thông xoay quanh câu chuyện thần kỳ của các thầy trò đội bóng Lợn rừng. “Lý do tổ chức buổi họp báo là để truyền thông có cơ hội đưa ra các câu hỏi của mình. Sau đó, các cháu có thể trở lại với cuộc sống bình thường mà không bị truyền thông quấy rầy”, người phát ngôn chính phủ Thái Lan Sunsern Kaewkumnerd cho biết.

Ban tổ chức chuẩn bị sẵn một sân nhân tạo nhỏ trong khuôn viên nơi diễn ra buổi họp báo. Các thành viên Lợn rừng xuất hiện trong đồng phục cầu thủ, chơi bóng một lúc trước các ống kính của truyền thông trước khi bắt đầu buổi họp báo. Cùng ngày, tại một trung tâm triển lãm ở tỉnh Chiang Rai, các họa sĩ Thái Lan chung tay vẽ một bức tranh lớn tái hiện câu chuyện thần kỳ của đội bóng Lợn rừng. Huấn luyện viên Ekkapol Chantawong và 12 cầu thủ nhí đã kẹt trong hang tối 10 ngày không thức ăn và nước sạch trước khi được tìm thấy. Một cầu thủ nhí mô tả, việc các em được 2 thợ lặn người Anh tìm thấy “tựa như một phép màu”. Chiến dịch giải cứu đội bóng Lợn rừng đã thu hút hơn 1.000 quân nhân, thợ lặn, nhân viên cứu hộ và tình nguyện viên từ khắp Thái Lan và nhiều nước trên thế giới. Buổi họp báo mang tên “Đưa Lợn rừng về nhà” kéo dài trong 45 phút và được phát sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình lớn của nước này. Hơn 100 câu hỏi từ báo, đài Thái Lan và quốc tế đã được gửi đến ban tổ chức. Mọi câu hỏi đều được bác sĩ tâm lý kiểm duyệt trước buổi họp báo. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 18.7 cũng kêu gọi truyền thông “hết sức cẩn trọng không đặt câu hỏi về những vấn đề không quá quan trọng”, lo ngại việc chất vấn sẽ gây nên tổn thương tâm lý. Các bác sĩ cũng khuyên gia đình các thành viên đội bóng hạn chế cho con em mình tiếp xúc với báo chí trong ít nhất 1 tháng.

Từng đào hang để thoát thân

Trả lời câu hỏi vì sao cả nhóm lại đi vào hang Tham Luang, trợ lý huấn luyện viên Ekkapol Chantawong nói rằng cả nhóm muốn khám phá vì chưa vào hang động bao giờ. Anh phủ nhận thông tin cả nhóm vào hang là để tổ chức sinh nhật cho một thành viên của đội bóng. Khi nhìn thấy mực nước trong hang bắt đầu dâng lên, cả đội quyết định quay trở ra nhưng khi ấy đã quá muộn. “Chúng tôi không lường trước được nước dâng cao đến vậy”, anh cho biết. Người trợ lý huấn luyện viên cũng tiết lộ, toàn bộ 13 thành viên đội bóng đều biết bơi. “Chúng tôi phải bơi đến nơi an toàn. Thông tin chúng tôi không biết bơi là sai. Cứ sau mỗi trận bóng, chúng tôi đều có các hoạt động rèn luyện bơi lội”, anh cho biết. Theo trợ lý huấn luyện viên Ekkapol, các cậu bé lúc đầu có thử đào đường thoát thân. “Tôi đã khuyên chúng đừng sợ hãi, ngày hôm sau nước sẽ rút thôi”, anh cho biết. “Chúng tôi nhìn thấy nước từ vách hang nên tập trung gần nguồn nước. Lúc đó chúng tôi không cảm thấy sợ hãi vì nghĩ nước thế nào cũng rút và sẽ có ai đó đến cứu”, Ekkapol kể lại. “Chúng cháu không có gì để ăn, chỉ uống mỗi nước thôi”, một trong số các cầu thủ nhí cho biết.

Ekkapol cho biết, có lúc các thầy trò thay phiên nhau đào thử vách hang để tìm đường thoát và quên thời gian. “Chúng tôi cố đào để có một chỗ trú ẩn an toàn. Giữa mỗi ca, thầy trò chúng tôi uống nước”, anh kể lại. Theo chàng trai trợ lý huấn luyện viên 25 tuổi, nhóm đi sâu vào trong hang vì nghĩ đi thêm một đoạn sẽ có lối ra ở cuối hang. “Chúng tôi nghe thấy rõ tiếng nước dâng trong lúc chờ người đến cứu. Nước dâng lên khoảng 3m. Chúng tôi không biết trời mưa ở ngoài hang”, anh kể lại.

Trả lời câu hỏi về ước mơ tương lai, một cầu thủ nhí của đội bóng nói rằng em muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. “Cháu giờ đã mạnh mẽ hơn, sức chịu đựng dẻo dai hơn và cũng kiên trì hơn trước”, em chia sẻ. Một cầu thủ nhí tên Bew nói rằng em muốn khi lớn lên sẽ trở thành cầu thủ hoặc đặc nhiệm SEAL. Cả phòng họp báo vỗ tay trước câu trả lời này. Bốn cậu bé khác cũng trả lời rằng các em muốn trở thành đặc nhiệm SEAL của Hải quân Hoàng gia Thái Lan khi lớn lên. Cầu thủ nhí Adul Sam-on, 14 tuổi, nói cuộc giải cứu tại hang Tham Luang “tựa như một phép màu”. Ekkapol kể rằng không ai giành ai việc được đưa ra khỏi hang trước tiên vì các thầy trò rất gần gũi với nhau. Những cậu bé được giải cứu trước đều là tự nguyện. Người bác sĩ có mặt tại buổi họp báo cũng cho biết các thành viên đội bóng đều có tình hình sức khỏe tương tự nhau.

Ekkapol tiết lộ, mọi thành viên đội bóng đều rất sốc khi nghe tin về cái chết của thợ lặn Saman Kunan, cựu nhân viên đặc nhiệm SEAL Thái Lan. “Chúng tôi cảm thấy có lỗi”, Ekkapol kể lại. Nhóm cầu thủ nhí sẽ đến thăm gia đình của Kunan và gửi tặng bức vẽ chân dung của thợ lặn quá cố. Trên bức vẽ có ghi thông điệp: “Chúng cháu muốn nói lời cảm ơn. Xin cảm ơn chú từ tận đáy lòng”.

NGUYỄN HƯNG-T.Q (Theo AFP, NYT)

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/vua-%C4%91%E1%BA%A7u-b%E1%BA%BFp-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-martin-yan-m243n-ngon-s%E1%BA%BD-chinh-ph%E1%BB%A5c-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi