Muốn trẻ hóa Hội Nhà văn thì phải đi mời những người viết trẻ

Những nhà văn trẻ không mặn mà với các hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong khi đó, việc 'trẻ hóa' Hội Nhà văn lại là một yêu cầu cần thiết.

Vắng bóng người trẻ trong các đại hội của nhà văn

Thu hút các cây viết trẻ vào Hội Nhà văn (HNV) là một trong những mục tiêu được đặt ra nhưng phải làm thế nào để đạt được điều đó?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nói: “Các nhà văn trẻ năng động vô cùng bận bịu giữa sáng tác và công tác của mình, chưa chủ động tham gia vào Hội. Trách nhiệm của chúng tôi muốn trẻ hóa Hội thì phải đến mời họ tham gia".

“Nhiệm kỳ trước của Hội đã có một thành công là tổ chức được Hội nghị người viết văn trẻ, ở nhiệm kỳ này, Ban chấp hành sẽ cố gắng trong ba năm còn lại tổ chức một hội nghị viết văn trẻ. Tôi và ban chấp hành sẽ cố gắng thuyết phục để mời các nhà văn trẻ tài hoa có những tác phẩm xuất sắc, đặc biệt là có số lượng phát hành lớn vào làm hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Đặc biệt chúng tôi phải chủ động tìm đến họ và mời họ tham gia vào Hội”

Sau 21 năm sáng tác, Vi Thùy Linh vẫn được coi là "lớp trẻ" trong làng văn

Tại Đại hội HNV Hà Nội vừa diễn ra, nhà thơ Vi Thùy Linh đã đặt câu hỏi rằng, những người viết văn trẻ hiện nay đang ở đâu và họ muốn gì? Nhà thơ chia sẻ rằng, chị bước vào nghiệp văn chương từ năm 16 tuổi, và từng dự nhiều Hội nghị người viết văn trẻ toàn quốc, cho đến nay sau 21 năm, ở độ tuổi 37, chị vẫn là một...người viết trẻ.

nhà thơ Vi Thùy Linh đưa ra một nhận xét, trong 21 năm tham gia văn nghiệp, chị đã thấy, người trẻ gần như không có chân trong ban, hội đồng chuyên môn, vầ gần như chẳng bao giờ được nghĩ đến việc bầu cử vào BCH. Trẻ là sung sức nhưng thường bị coi là “non nớt” hay ấu trĩ cho rằng: Xét tuổi là con, cháu sao lại vượt cấp người già?

Nhà thơ nói: “Chúng ta đã thụt lùi về tư duy, không bằng thế hệ trước. Thời mà đời sống vật chất còn thiếu thốn, đất nước còn gian khó, giá trị tinh thần được trân trọng, đồng nghiệp, công chúng, xã hội sẵn sàng tôn vinh tác giả có tài khi họ đang rất trẻ, trao những chức trách cho họ khi họ ở tuổi trên dưới 30, như thời Nguyễn Đình Thi. Chúng ta qua 30 năm đổi mới về kinh tế, nói quá nhiều về đổi mới mà lại lạc hậu, quan niệm bó hẹp, lỗi thời, đi lạc khỏi xu hướng thế giới. Những quan niệm “bê-tông”, thiên kiến, cảm tính, bất an và ngờ vực, ganh ghét và đố kị, lòng tham và u tối… bủa vây, ghì vít, kéo chậm chúng ta. Sự cấp tiến, đột phá không phải ở việc nới lỏng tiêu chí kết nạp để lấy số lượng ào ạt theo đám đông phong trào mà là khuyến khích, khơi gợi và nâng niu những hạt giống tốt, những mầm chồi, cành xanh đầy sức sống và cống hiến”.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh chia sẻ rằng, các tác giả trẻ không mặn mà tham gia Hội lắm bởi vì Hội vẫn còn thiếu những hoạt động có thể hấp dẫn họ, và dường như việc có mặt trong Hội vẫn còn phải qua nhiều thủ tục rườm rà… Còn Ngay cả trong kỳ Đại hội này, cũng không khó để thấy những gương mặt văn thơ lão niên chiếm phần đông trong số các hội viên tham dự. Hiếm hoi mới thấy một vài gương mặt trẻ như Lữ Mai, Xuân Thủy, Vi Thùy Linh. Ngay cả Di Li, một tác giả trẻ năng nổ và có tần suất ra sách gần như liên tục, cũng thấy vắng bóng.

Nhà văn Y Ban, ủy viên Ban chấp hành Hội lại cho rằng, để thu hút các nhà văn trẻ, bản thân Hội phải thay đổi cách nhìn nhận. Chị chia sẻ: “Điều kiện trở thành hội viên cần phải có hai cuốn sách, giống như vòng kim cô. Bây giờ công tác in ấn đang rất khó khăn, nhiều nhà văn lão thành còn không ai in cho huống chi là những nhà văn trẻ. Bởi vì người sáng tác chỉ cần có năm bài thơ, hai truyện ngắn là có thể biết được họ tài năng như thế nào. Lớp trẻ năng lượng nhiều, chứ như người già bây giờ cũng khó có thể phát triển những gì mình vốn có ra được, bời vì năng lượng không còn nhiều, sức khỏe cũng không cho phép mình làm như vậy. Hơn nữa, hiện tại mạng internet, mạng xã hội rất phát triển, các tác giả trẻ thường hay up tác phẩm của mình lên đó chứ không cần phải xuất bản thành giấy nữa, lại có số lượng người đọc đông đảo hơn”.

Nhà văn nhấn mạnh: “Phải xem người trẻ có thích vào Hội không, và họ vào thì được gì, chứ nếu không được gì thì họ cũng chẳng cần vào”.

Lê Hải

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/van-hoa/nghe-thuat-sang-tac/muon-tre-hoa-hoi-nha-van-thi-phai-di-moi-nhung-nguoi-viet-tre-31557