Muốn tinh giản biên chế trước hết phải tinh gọn bộ máy hưởng lương

Hôm nay (26/10) Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Trong đó, nội dung liên quan đến tinh giản biên chế, sáp nhập địa giới hành chính được nhiều đại biểu quan tâm.

Các ĐB thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Hội trường

KHÔNG THỂ CHI THƯỜNG XUYÊN CHIẾM 60% NGÂN SÁCH

Thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đánh giá, việc tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 39 của Đảng, thời gian qua đã đạt nhiều kết quả. Ví như giảm được 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục, hơn 86.000 biên chế, trong đó có hơn 12.000 công chức. Nhiều địa phương đã kiện toàn, sắp xếp các cơ quan chức năng tương đồng, bớt tổ chức trung gian và thí điểm sáp nhập 3 văn phòng Quốc hội, UBND và HĐND. Tuy nhiên, ông Hạ cho rằng công việc trên diễn ra còn chậm, đặc biệt chưa tinh giản được những trường hợp có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém; ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn. "Tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách, chi đầu tư phát triển không còn nhiều"- ĐB Hạ nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cũng cho rằng, chi thường xuyên còn lớn do tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách rất lớn, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập.Đối chiếu các Nghị quyết của Quốc hội, Trung ương, ông Thăng cho rằng tinh giản biên chế sau 3 năm còn thấp so với mục tiêu; số đơn vị tự chủ tài chính mới chiếm 0,2%. Tổ chức trong bộ máy cơ quan Chính phủ, Hội đồng nhân dân các tỉnh, địa phương còn nhiều đầu mối, tầng nấc, sắp xếp bộ máy ở một số bộ ngành còn chậm. Việc giảm số lượng cấp phó, giảm đầu mối bên trong các đơn vị, giảm biên chế người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước... còn bất cập.

Vị vậy, ông Thăng đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản làm cơ sở pháp lý cho lộ trình tinh giản biên chế, hợp nhất một số chức danh ở cơ quan Đảng, Nhà nước có tính tương đồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, mà trước hết là ngành y tế, giáo dục, các cơ sở dạy nghề; xây dựng tiêu chí, định mức của dịch vụ công… Một số ĐB đưa ra thống kê chưa đầy đủ, vừa qua, ở 43 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã thiếu, thừa cục bộ giáo viên khoảng 76.000 người. Riêng giáo viên mầm non thiếu 44.000 người. Hiện chỉ có 2 tỉnh, thành phố trên cả nước có đủ giáo viên. Câu chuyện sắp xếp bộ máy, tinh gọn biên chế là cần thiết để giảm gánh nặng ngân sách, nhưng cần phải được tính toán kỹ càng. Không thể gộp các điểm trường ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa để các cháu phải đi học quá xa nhà. Không thể để tình trạng nhồi nhét 50-60 học sinh một lớp ở các thành phố, thị xã.

NÊN HỢP NHẤT CÁC CƠ QUAN CHỒNG CHÉO CHỨC NĂNG

Chính vì thế, tại phiên thảo luận ở Tổ trước đó, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, tinh giản biên chế là chủ trương lớn của Đảng, song cái chính là khâu triển khai phải linh hoạt. Theo đó, tinh giản biên chế không thể cào bằng. ĐB Hiểu lấy ví dụ, có những lĩnh vực như giáo dục, y tế hiện nay không ít nơi vẫn thiếu giáo viên, đội ngũ y bác sĩ, nhưng thực tế những ngành này vẫn phải quán triệt việc giảm biên chế, dẫn đến nhiều nơi thiếu giáo viên. Trong khi các ngành, đơn vị khác lại thừa.

ĐB Tạ Văn Hạ phát biểu

Dẫn chứng điều này, một số đại biểu cho rằng, chúng ta không thể tinh giản biên chế mà một có đến 60 học sinh “chen chúc” nhau. Bởi thế, tinh giản biên chế phải gắn với tinh giản các cơ quan của hệ thống chính trị đang trực tiếp hưởng lương ngân sách theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 của BCH Trung ương (Khóa XII). Trên tinh thần đó, một số đại biểu đề nghị cần tính toán sáp nhập, hợp nhất một số phòng, ban, cơ quan, đơn vị có những chức năng tương đồng vào với nhau, như mô hình Văn phòng đoàn BBBQH, Văn phòng HĐND, UBND vào một.

SÁP NHẬP HUYỆN, TỈNH CŨNG GÓP PHẦN GIẢM BIÊN CHẾ

Cũng liên quan đến việc tinh giản biên chế, lấy kết quả sinh động từ việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, một số ĐB đề nghị Đảng, Nhà nước nghiên cứu sớm ban hành những chính sách, nghị quyết sáp nhập địa giới hành chính môt số tỉnh thành lại với nhau.

ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đưa ra dẫn chứng, Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới 1986 gồm 44 tỉnh, thành nhưng nay đã lên 63. "Gần đây, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Từ thực tiễn kinh nghiệm nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố"- ông Hạ nói và khẳng định đây là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.

Sau 10 năm mở rộng hành chính Thủ đô, Hà Nội đã có bước phát triển đột phá (ảnh CP)

Bên lề hành lang Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, thực tế một số địa phương diện tích chỉ lớn hơn 1 huyện của các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa nhưng cũng một tỉnh. Ban bệ trung ương thế nào địa phương y chang thế dẫn đến sự lãng phí. Vì vậy, muốn tinh giản biên chế, phải tính đến việc sáp nhập một số xã, phường, huyện, tỉnh, thành lại với nhau...

H.Phạm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/muon-tinh-gian-bien-che-truoc-het-phai-tinh-gon-bo-may-huong-luong-81917.html